- Cứ mỗi lần Quốc hội họp lại được nghe những lời tâm huyết của các vị đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất về những bất cập trong bộ máy nhà nước.
Nào là tổ chức bộ máy cồng kềnh, biên chế nhiều, tham nhũng không giảm mà lại gia tăng. Trong khi định cải cách lương cán bộ, công chức thì lại không biết lấy tiền ở đâu.
Rất nhiều sáng kiến được đưa ra. Thậm chí có sáng kiến từ khá lâu, nhưng chưa được thực hiện. Cũng có những sáng kiến mới. Cái nào cũng thấy đúng cả, nên làm cả. Nhưng lạ một điều là mọi thứ sau đó cứ thế âm thầm trôi qua và đến kỳ họp sau của Quốc hội, khi bàn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì lại được nghe lương công chức như vậy là không đủ sống, lỡ mấy lần chưa cải cách, lần này phải làm.
Phải làm, nhưng làm thì tiền đâu để tăng lương, mà bộ máy lớn như thế này thì phải thu nhỏ lại đã, cán bộ, công chức đông thế này thì phải giảm đã, nếu không thì tiền thuế của dân cũng không nuôi nổi… Đúng là cái vòng luẩn quẩn, cứ thít mãi khó mà gỡ ra được!
Mà điều hay lại chính là ở chỗ ta quen dần với cái vòng đó, một bộ phận không biết là to hay nhỏ có vẻ lại thích cái vòng này, ai nói cứ nói, ta cứ vẫn tồn tại, vẫn sống được trong phạm vi cái vòng luẩn quẩn hay hay này.
Mấy chục năm qua, ít nhất cũng có vài đợt giảm biên chế, lần giảm biên gần nhất là lần chế độ, chính sách giảm biên rộng rãi, hào phóng nhất.
Tuy nhiên, tất cả các đợt giảm biên đều không đạt mục tiêu, kết quả đề ra, mà Nhà nước còn mất một khoản chi đáng kể từ ngân sách.
Dưới góc độ lý thuyết, ý kiến của các vị đại biểu về giải pháp, biện pháp cải cách đều đúng cả. Nhưng từ góc độ thực tiễn thì rất khó khả thi. Đây chính là một trong những đặc trưng của hệ thống chính trị - hành chính Việt Nam.
Cái thực tiễn đó là: Nhiều thứ đưa ra rất đúng, rất phù hợp, nhưng lại không triển khai được. Làm thế nào để bộ máy nhà nước gọn lại, ít người đi. Văn kiện Đại hội XI nói rất chuẩn: Nhà nước chỉ tổ chức cung ứng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho xã hội mà khu vực kinh tế tư nhân chưa làm được hoặc không muốn làm.
Nếu hỏi các nhà lý luận về kinh tế, về nhà nước, về hành chính công của các nước phát triển thì chắc ai cũng phải đồng ý và khen hay. Hay như thế nhưng hầu như rất khó triển khai có kết quả. Đã có một bộ nào, một tỉnh nào áp nguyên tắc này vào để xem những việc mình đang làm - hàng hóa, dịch vụ - có cái nào thôi không cần làm nữa, để khu vực tư nhân, để xã hội tự lo hay chưa? Hãy đưa nguyên tắc này vào xem doanh nghiệp nhà nước nào thực sự cần tồn tại, doanh nghiệp nào thì thôi...
Như vậy là nói thì rất hay, nhưng làm thì chưa được.
Ẩn đằng sau cái không làm được này chính là câu chuyện lợi ích: lợi ích cá nhân, lợi ích bè bạn, đồng nghiệp, lợi ích gia đình, lợi ích cấp trên... và bây giờ còn thêm câu chuyện lợi ích nhóm. Chính những cái này đang làm cho hệ thống hành chính của chúng ta mang dấu ấn của một hệ thống hành chính "quan hệ".
Và quay trở lại câu chuyện phá cái vòng luẩn quẩn này, có lẽ xin làm thử bằng một cách khác, trong khi tự chúng ta chưa đủ bản lĩnh, đủ dũng khí và can đảm để làm, đó là: mời hay thuê một nhóm chuyên gia trong nước và nước ngoài vào tư vấn về một vài bộ.
Giả dụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng đang làm những việc như thế này, bộ máy tổ chức hành chính là thế này, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc là như thế này, đội ngũ cán bộ, công chức , viên chức là như thế này…Theo các ông thì nên như thế nào là chuẩn, là phù hợp. Mà nguyên tắc chỉ đạo như vừa nêu trên đây thì quá chuẩn rồi, mời các ông áp thử vào.
Chúng ta hãy thử một lần nghe ý kiến đề xuất của chuyên gia kiểu này xem sao. Làm theo hay không lại là câu chuyện khác. Rất có thể từ đó, cái vòng luẩn quẩn lương, tiền, biên chế, bộ máy… sẽ bị bung ra, sẽ bị chặt đứt và nhiều thứ mới trở lại đúng nguyên nghĩa của chúng.
Mời độc giả đọc thêm bài của cùng tác giả: |