- Sau vụ án oan sai Nguyễn Thanh Chấn, các đơn khiếu nại, tố cáo về bức cung, nhục hình nổi lên khiến các cơ quan chức năng phải lập tổ liên ngành để giải quyết.

Con số vụ án xử về tội dùng nhục hình trong 3 năm qua (2011-2013) có 10 vụ khiến ĐBQH Bùi Trí Dũng - ủy viên UB Tư pháp QH không tin phản ánh hết bức tranh thực tế.

“Thực tế số vụ vi phạm có thể nhiều hơn số vụ xét xử” - ông Dũng nói tại phiên giải trình việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự tại UB Tư pháp ngày 11/9.

{keywords}

ĐBQH Bùi Trí Dũng

Báo cáo giải trình của TANDTC nhận định “tội dùng nhục hình có xu hướng ngày càng gia tăng”.

Bức cung vì thành tích

Đại diện các ngành công an, VKS, tòa án cùng các thành viên UB Tư pháp tại phiên giải trình đều nhắc đến dấu mốc vụ án Nguyễn Thanh Chấn.

Sau vụ án này, các đơn khiếu nại, tố cáo về bức cung nhục hình nổi lên khiến các cơ quan chức năng phải lập tổ liên ngành để giải quyết.

Theo ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, có 6 vụ đã xảy ra, trong đó có vụ xử đi xử lại nhiều lần.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, các vụ nhục hình xảy ra chủ yếu đối với vụ án hình sự, tội phạm an ninh kinh tế gần như không có nhục hình, bức cung. Nguyên nhân xảy ra do trình độ chuyên môn của điều tra viên nôn nóng, thiếu kinh nghiệm.

TS Nguyễn Sơn, Phó chánh án TANDTC cũng cho rằng, ngoài trình độ năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm không vững vàng, có những điều tra viên nóng vội, xuất phát từ động cơ “thành tích” đã bức cung, nhục hình để có lời khai dẫn đến tình trạng oan, sai tội. Ông cũng khẳng định chưa phát hiện những “tiêu cực” đằng sau việc bức cung, nhục hình.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đặt câu hỏi trong 3 năm chỉ có 10 vụ dùng nhục hình đưa ra xét xử, trong đó 90% bị cáo không áp dụng hình phạt tù, “như thế đã nghiêm khắc chưa?”. Ông cũng nêu những trường hợp khi tuyên án mà dư luận có thể nhận diện ngay là tuyên án sai thì trách nhiệm của thẩm phán, tòa án như thế nào?

Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong nhận định, số vụ xét xử chưa phản ánh hết thực tế do những đặc thù của bức cung, nhục hình xuất hiện trong “những hoàn cảnh đặc biệt”.

Theo ông, bức cung, nhục hình xảy ra giai đoạn tiền khởi tố khi bắt tạm giữ. Tố cáo không xuất hiện nay mà chỉ khi kết thúc điều tra, hồ sơ chuyển VKS mới có tố cáo, tức thời gian kéo dài nên việc quay lại tìm ra chứng cứ xử lý khó khăn.

Ông Phong nhận trách nhiệm phát hiện, phòng ngừa là trách nhiệm của ngành kiểm sát nhưng khẳng định cơ chế để ngành thực hiện chức năng này rất khó khăn. Ông đề nghị xem xét sửa đổi các quy định để kiểm sát được tham gia sớm hơn, trước giai đoạn tiền khởi tố, từ khám nghiệm hiện trường, tử thi…

Luật sư, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa thì cho rằng, có những điều xảy ra trong trại tạm giam, nhất là về ban đêm rất khó kiểm soát.

Vấn đề lớn theo ông là hệ thống pháp luật phải đảm bảo một hệ thống kiểm soát chặt chẽ, để 1 người làm sai thì có thể kịp thời phát hiện ngay, chứ không phải tạo ra một hệ thống mà những người trong đó dễ thông đồng để làm sai. Như vụ án Nguyễn Thanh Chấn định hướng sai ngay từ đầu khi cả kiểm sát viên đồng lòng cùng điều tra viên buộc tội.

Tin rằng pháp luật đã đầy đủ công cụ cần thiết để chống bức cung, nhục hình, hay lấy chứng cứ, ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng giải pháp con người mới là quan trọng nhất.

Ông tin các cán bộ cần được giáo dục bởi những triết lý nhân - quả của đạo Phật. Một cán bộ điều tra không thể vì nôn nóng chống tội phạm mà bức xúc đến mức đánh tội phạm, bức cung, dùng nhục hình để trở thành chính tội phạm, rồi oán chồng oán.

Quyền giữ im lặng cho đến khi có luật sư

Luật sư Trương Trọng Nghĩa phản ánh trong các quy định của bộ luật Tố tụng hình sự, người bào chữa (luật sư) không được xác định là người có thẩm quyền thu thập chứng cứ.

{keywords}

ĐB Trương Trọng Nghĩa

Theo ông, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo cần có quyền được giữ im lặng cho đến khi gặp luật sư và chỉ khai báo với luật sư sau khi được tiếp xúc.

Thứ trưởng Lê Quý Vương nói ông băn khoăn về điều này dù khẳng định vai trò của luật sư quan trọng. Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu công an khi bắt người, đưa về tạm giữ nhưng không có biên bản lời khai thì trái quy định của pháp luật. Còn nếu bắt về để giữ đó chờ thì không được. Trong những vụ án nghiêm trọng, bức xúc, nếu ở HN việc điều động luật sư dễ, nhưng ở các nơi vùng núi như Hà Giang thì việc điều luật sư đến trợ giúp pháp lý là khó vì không có nhiều luật sư hoạt động ở địa bàn đó.

ĐB Trương Trọng Nghĩa không đồng tình vì cho rằng VN hoàn toàn có thể thiết kế một hệ thống trợ giúp pháp lý xuống đến cấp quận, huyện, xã. Riêng vùng xâu, vùng xa có thể tận dụng lực lượng các điều tra viên, luật sư đã nghỉ hưu. Nếu người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nghèo thì Nhà nước có thể cung cấp luật sư bào chữa. Chỉ cần có cung, chắc chắn sẽ có cầu và lực lượng luật sư tham gia bào chữa sẽ không thiếu.

“Các nước làm được, tại sao mình không làm được?” - ĐB Nghĩa hỏi.

Linh Thư