- Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Tổng tham mưu về tổng kết chiến tranh đúc kết những vấn đề nổi bật về chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ (*)
3 yếu tố
Thứ nhất, trong 130 ngày hoạt động kể từ ngày nhận nhiệm vụ lên đường tới chiến trường Điện Biên Phủ, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch cũng như toàn thể cán bộ chiến sĩ đã biểu hiện một tinh thần quyết chiến, kiên định về mục tiêu chiến lược dù tình hình có những biến chuyển rất lớn trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nhất là sự can thiệp ngày càng sâu của đế quốc Mỹ vào cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tá Nguyễn Bội Giong. Ảnh tư liệu |
Thứ hai, triển khai quân sự dân chủ. Nhờ có thực hiện quân sự dân chủ trong mọi công tác, trên tuyến chiến đấu cũng như ở các tuyến phục vụ chiến đấu, nên đã bảo đảm phát huy được cao độ sáng kiến của đông đảo cán bộ, chiến sỹ ở các cấp nhằm khắc phục kịp thời những khó khăn mọi mặt diễn ra trong chiến đấu.
Thứ ba, tư duy chỉ đạo của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã khơi dậy tính năng động trong tổ chức thực hiện của các cấp và tạo nên sự thống nhất sâu sắc trong phân tích và kết luận về các tình huống tác chiến, khuyến khích mọi người đi sâu tìm hiểu vào những khía cạnh còn tiềm ẩn trong các tình huống đang diễn ra trên chiến trường, từ đó tạo nên sự chủ động trong hành động của các cấp do đã tin vào sự hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, dù tình hình có biến động khác với lúc được giao nhiệm vụ.
4 đặc tính
Nổi bật hơn nhất là tư duy chỉ đạo năng động của Đại tướng với những đặc tính như sau:
- Trình độ nghiên cứu và phân tích rất sâu về quân địch, xem xét thật khách quan những chỗ mạnh và chỗ yếu của chúng, từ tính chất của binh sĩ cho đến bản lĩnh của người chỉ huy cao nhất của chúng, đối chiếu với những chỗ mạnh yếu thực chất của những đơn vị tham chiến ở Điện Biên Phủ, lấy những chỗ đó làm cơ sở để tính toán thật cụ thể kế hoạch tấn công tiêu diệt quân địch.
- Chủ động nghiên cứu thật kỹ mọi tình huống kể cả những tình huống có lợi cũng như khó khăn cho ta, không chủ quan, không ảo tưởng để không bị bất ngờ trước những biến chuyển đột nhiên, nhất là khi Mỹ đã trực tiếp can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương với ý định xây dựng một thế lực quân sự mới của chúng ở Nam Thái Bình Dương.
- Nghệ thuật dẫn dắt tư duy của bản thân ông phát triển biện chứng bám sát mọi biến chuyển của tình hình chiến tranh và tình huống tác chiến của chiến dịch cộng với một sự kiên định đặc biệt trong việc thực hiện những chủ trương lớn đã được quyết định, không lay động cũng như không ảo tưởng trước mọi tình hình của cuộc chiến tranh và của chiến dịch.
- Tất cả những điều đó được dựa trên một lòng tự tin và phong độ điềm đạm vốn có của đồng chí Tổng tư lệnh, cộng với một lòng tin tưởng vững vàng vào khả năng của quần chúng cách mạng, của cán bộ lãnh đạo chỉ huy các cấp và của đông đảo chiến sĩ đang cùng ông gánh vác sứ mệnh lịch sử trước dân tộc, trước Đảng và Bác Hồ. Từ đó, trong quá trình tổ chức thực hiện mọi chủ trương tác chiến, ông đã có sức thuyết phục rất cao và cũng biết khơi dậy ở mọi người sự sáng tạo đặc biệt khi đã đi sâu vào cuộc chiến đấu quyết thắng.
Không ảo tưởng
Khách quan mà xem xét, trong chỉ đạo chiến tranh, đạt được những kết quả đó vì tư duy của người lãnh đạo chỉ huy cao nhất có tầm nhìn xa và toàn diện, dễ làm cho cấp dưới tin tưởng khi nghe những ý kiến dặn dò, hướng dẫn trong công tác, vì những điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường là những chỉ thị cụ thể vào từng việc, đối với từng tình huống, đối với từng cấp làm cho cấp dưới khi gặp những khó khăn và có khả năng chủ động ứng phó, nhất là không rơi vào những ảo tưởng, nhầm lẫn gây tổn thất cho đơn vị.
17h30 ngày 13/3/1954, Đại tướng Tổng tư
lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong hình là Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo dõi diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
- TTXVN |
Về phương pháp tư tưởng, Chỉ huy trưởng chiến dịch có một cách nghe báo cáo, nghiên cứu tình hình, có định hướng song không hạn chế người báo cáo, thường là nghe báo cáo rồi hỏi và hỏi rất sâu về những chi tiết mà chính người báo cáo nhiều lúc cũng không nghĩ tới. Kết quả là sau khi báo xong với chỉ huy trưởng thì chính người báo cáo cũng nắm được rõ hơn, sâu hơn những tình huống mà mình vừa phản ánh.
Ngoài ra, nổi bật lên nữa là nghị lực làm việc của Đại tướng Tổng tư lệnh rất lớn, những người cộng sự ở cơ quan chỉ huy chiến dịch, những cán bộ ở dưới lên làm việc với đồng chí bao giờ cũng thấy đồng chí tỉnh táo và thân ái mặc dù ai cũng biết rằng chính đồng chí cũng đã qua nhiều ngày đêm liên tục nắm sát tình hình tác chiến ở các đơn vị, nhất là nắm sát những khó khăn, thử thách mà các đơn vị đó đã gặp trong tác chiến.
Trí tuệ đặc biệt sáng suốt và tâm hồn thương yêu cấp dưới đã làm cho khoảng cách giữa người lãnh đạo chỉ huy cao nhất với người thực hành ở dưới đã không còn nữa. Cũng với phong độ đó, trên thực tiễn diễn biến của chiến tranh, khoảng cách giữa những điều xây dựng trong kế hoạch với kết quả thực hiện trên mặt trận đã giảm đi rất nhiều đưa đến thắng lợi lịch sử của chiến dịch.
Đại tá Nguyễn Bội Giong
* Tiêu đề, tiêu đề phụ do VietNamNet đặt. Nội dung bài viết của Đại tá Nguyễn Bội Giong đã được biên tập ngắn gọn so với bản gốc
Kỳ tới: 'Mạch máu thông tin' trong chiến dịch Điện Biên Phủ