- Năm 1988, khi được cử làm Đại sứ tại Nhật Bản, tôi mang tâm trạng lo lắng… Bước khởi đầu phải vượt qua là những rào cản định kiến hoặc “ám ảnh” về quá khứ “phát xít Nhật”…
LTS: Tác giả Võ Văn Sung nguyên là thành viên đoàn Việt Nam trong cuộc đàm phán bí mật Lê Đức Thọ-Kissinger (1971-1973), Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Pháp, đại diện Chính phủ Việt Nam giữ mối liên hệ với Hoa Kỳ từ sau ngày ký Hiệp định Paris năm 1973 đến năm 1979. Từ năm 1988, ông là Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, góp phần trực tiếp khai thông quan hệ hợp tác song phương đầu thời kỳ đổi mới ở nước ta.
Năm 1979 đánh dấu bắt đầu một thời kỳ Việt Nam gặp khó khăn rất lớn về nhiều mặt sau sự kiện đưa quân sang Campuchia. Mục đích phía ta là đánh trả Khmer Đỏ đã liên tục tấn công quân sự vào biên giới Tây-Nam, đồng thời đáp lại sự kêu cứu của nhân dân Campuchia đang bị tai họa do nạn diệt chủng Pol Pot gây ra. Sau này thế giới ngày càng hiểu rõ Việt Nam hơn, nhưng vào năm 1979 hành động này đã là cái cớ cho một chiến dịch quốc tế bao vây và “trừng phạt” Việt Nam do một vài nước lớn dẫn đầu…
Bối cảnh diễn biến quốc tế phức tạp. Một phần lớn các nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản suốt 10 năm đã không làm được gì cho hợp tác với Việt Nam. Trong khi đó, các nước Đông Âu, đối tác quan trọng truyền thống của ta, cũng có những bế tắc không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị khiến 1979-1988 là giai đoạn Việt Nam lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đặc biệt về quan hệ quốc tế.
Vào năm 1988, khi được lãnh đạo phổ biến quyết định cử đi làm Đại sứ tại Nhật Bản, tôi có tâm trạng lo lắng. Lo lắng không chỉ từ tình hình chung nêu trên mà còn vì những lý do từ nội bộ ta. Nhiều thành viên trong Chính phủ khi đó chưa hiểu về Nhật Bản lắm, thậm chí có anh còn định kiến hoặc “ám ảnh” về nước Nhật quân phiệt, về quá khứ “phát xít Nhật”.
Vai trò Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh
Nhưng tôi đã có sự yên tâm phần nào sau những buổi tiếp xúc với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Ông đã rất chú ý lắng nghe tôi trình bày về Nhật Bản - một quốc gia trở nên quan trọng trong khu vực châu Á và trên thế giới, là nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ và những nhận xét về cựu Thủ tướng Kakuei Tanaka mà tôi coi là một bậc thầy về chính sách đổi mới, một trong những thiên tài của Nhật Bản và của cả thế giới…
Ông Võ Văn Sung và Đại sứ Nhật Bản tại Pháp Yoshihiro Nakayama (người đứng bên trái) ký kết tại Paris văn bản thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày 21/9/1973 |
Sau khi nghe tôi phân tích, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tán thành ý kiến tôi đề xuất chính sách “coi trọng quan hệ với Nhật Bản trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”.
Tôi bắt đầu suy nghĩ về những trọng tâm của nhiệm kỳ mới tại Nhật Bản và xác định hai việc. Một là tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng và phát triển của Nhật Bản, qua đó có thể góp ý vào việc xây dựng chiến lược kinh tế nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng trong thời kỳ đổi mới.
Hai là tích cực vận động khôi phục hợp tác kinh tế giữa hai nước ở mức càng cao càng tốt, việc này nếu làm được sẽ có ảnh hưởng tốt cho nước ta phát triển về lâu về dài.
Tuy tự mình đề ra hai việc chính như vậy, nhưng đến nay nhìn lại, tôi thấy rõ rằng nếu không có một số sự kiện xảy ra trong thời gian đó thì quả thật mong muốn của tôi rất khó thực hiện nhanh chóng trong nhiệm kỳ công tác. Về nhân tố chủ quan phía ta, tôi thấy Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã có vai trò tích cực rất quyết định. Đây thật sự là điều may mắn cho tôi.
Buổi trình quốc thư…
Năm 1988 là năm rất đặc biệt trong lịch sử nước Nhật. Khi tôi chuẩn bị trình quốc thư thì Nhật hoàng Hirohito lâm bệnh nặng khó qua khỏi, phía Nhật Bản đã thu xếp một thủ tục trình quốc thư ngoại lệ do Đông Cung Thái tử thay vua cha đứng ra nhận quốc thư.
Thời gian Thái tử tạm quyền gần một năm lại là dịp tôi được gặp nói chuyện nhiều với vị vua tương lai, điều không dễ dàng khi ông chính thức trở thành Nhật hoàng. Qua đó, tôi thấy Thái tử rất quan tâm đến Việt Nam.
Sau hơn 60 năm trị vì, Nhật hoàng Hirohito băng hà ngày 7/1/1989. Nhật Bản đã mời các nước có quan hệ đến dự tang lễ. Bộ Ngoại giao cử tôi làm đại diện Việt Nam đến dự lễ.
Nhận được tin, tôi đã điện về Hà Nội đề nghị nên nâng cấp người đại diện nước ta, nhưng tôi được biết trong nước có ý kiến khác nhau. Tôi liền điện trực tiếp cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đề nghị nên cử một Phó Chủ tịch nước để khẳng định cho Nhật Bản thấy rằng ta coi trọng nước Nhật.
Tổng bí thư nhanh chóng đồng ý và báo rằng đã chỉ định anh Lê Quang Đạo, Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước (tương đương Phó Chủ tịch nước) đại diện cho Việt Nam sang dự.
Sau sự kiện đó, khi Nhật hoàng Akihito chính thức lên ngôi, Việt Nam đã cử tiếp anh Nguyễn Hữu Thọ, cũng cương vị như Phó Chủ tịch nước sang dự lễ.
Những cử chỉ này làm cho phía Nhật Bản rất cảm kích và hài lòng. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản nói với tôi rằng Nhật Bản rất hiểu và trân trọng vai trò của Đại sứ Việt Nam trong những sự kiện trên.
Sau này, khi tôi xin gặp các vị từ Thủ tướng đến các Bộ trưởng đương chức và hầu hết các cựu Thủ tướng, cựu Ngoại trưởng, tất cả đều tiếp tôi một cách trọng thị và thân tình. Trong số các vị có cựu Ngoại trưởng Shintaro Abe, thân sinh đương kim Thủ tướng Shinzo Abe hiện nay…
Cuộc kết bạn mở đường
Lúc bấy giờ trong Đảng Tự do dân chủ (LDP) cầm quyền có 4 nhóm xu hướng đều theo đường lối chung của LDP, nhưng mỗi nhóm có một số quan điểm khác nhau. Các vị lãnh đạo 4 nhóm lần lượt thay nhau làm Thủ tướng. Năm 1989 tôi làm quen với một vị trưởng nhóm là Michyo Watanabe, người sắp đến lượt chuẩn bị làm Thủ tướng.
Sau nhiều lần gặp nhau, chúng tôi nhanh chóng trở nên thân thiết bởi có những ý tưởng giống nhau. Ông rất coi trọng Việt Nam, còn tôi rất coi trọng Nhật Bản. Ông nói ông coi trọng Việt Nam vì đây là một nước nhỏ mà đương đầu được với Pháp, rồi tiếp đến với Mỹ và giành thắng lợi hoàn toàn; tiếp theo dù gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn tìm đường đi một cách bình tĩnh.
Ngay cả việc Việt Nam vào Campuchia ông cũng công khai nói rằng ông không đồng tình với các nước muốn “trừng phạt” Việt Nam.
Qua các lần nói chuyện thân tình, từ chỗ ông coi tôi là bạn, tiến tới ông và tôi nhận nhau là “anh em kết nghĩa”. Ông hỏi tôi trong số các vị lãnh đạo Việt Nam có vị nào suy nghĩ về Nhật Bản giống như tôi không? Tôi nói chắc chắn là có, trước hết là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.
Ông đề nghị tôi thu xếp để ông được gặp Tổng bí thư, nhưng như vậy cần có bước chuẩn bị. Tôi nhất trí và gợi ý người “móc nối” là anh Phan Văn Khải, khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước…
Võ Văn Sung (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản)