- VietNamNet trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam về những thay đổi trong hoạt động cũng như trang bị của lực lượng khi Cục Cảnh sát biển được đổi tên thành Bộ Tư lệnh.
Theo Nghị định được Thủ tướng ký ban hành có hiệu lực từ ngày 12/10 tới, Cục Cảnh sát biển được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Thưa Thiếu tướng, việc đổi tên này có ý nghĩa gì đối với lực lượng Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: H.Anh |
Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, là bước phát triển mới, thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và nhân dân cả nước đối với CSB Việt Nam, mở ra cơ hội và tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để Cảnh sát biển tiếp tục phát triển, mở rộng hợp tác quốc tế trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời động viên cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển hiểu sâu sắc và càng thêm tự hào về truyền thống của CSB Việt Nam, quyết tâm phấn đấu xứng danh “Bộ đội cụ Hồ” và làm rạng ngời thêm hình ảnh tốt đẹp của chiến sỹ CSB Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển
Nhiệm vụ của CSB rất nặng nề, trong đó có việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tài nguyên, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Mới đây, CSB được trang bị thêm 3 tàu tuần tra cao tốc. Cho đến nay, CSB đã có đủ các trang thiết bị hiện đại và biên chế cần thiết chưa?
Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đang đầu tư để CSB ngày một vững mạnh, hiện đại hơn, kể cả về tổ chức biên chế lẫn trang bị phương tiện.
CSB được trang bị thêm 3 tàu tuần tra cao tốc, khi đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cho lực lượng thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ thực thi pháp luật Việt Nam và quốc tế trên các vùng biển nước ta, hỗ trợ rất tốt cho ngư dân khi cần cứu trợ, tìm kiếm cứu nạn. Sự quan tâm đầu tư ngày càng tăng lên thì sự hiện diện cũng như thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam trên các vùng biển của ta càng hiệu quả.
Yêu cầu tăng cường trang thiết bị và đủ biên chế cần thiết cho CSB đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói đến khi đến thăm lực lượng tháng 3 năm ngoái. Chủ tịch nước cũng yêu cầu CSB cần phối hợp tốt hơn nữa với các lực lượng trên biển của Việt Nam, đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Thưa Thiếu tướng, việc phối hợp này diễn ra như thế nào?
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng đã được pháp luật quy định; quán triệt, yêu cầu nhiệm vụ Chủ tịch nước giao khi Chủ tịch nước đến thăm lực lượng; chấp hành sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Cục Cảnh sát biển đã tổ chức phối hợp và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là với Hải quân, Biên phòng và các lực lượng khác… đảm bảo trên các vùng biển trọng điểm luôn có lực lượng hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã tiến hành ký kết quy chế phối hợp hoạt động giữa lực lượng CSB Việt Nam với các lực lượng chức năng khác của Nhà nước và Quân đội như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thủy sản, Hải quan, Công an, Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Chỉ huy Biên phòng các tỉnh thành ven biển… nhằm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên các vùng biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh trên biển.
Tiến hành phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền cho nhân dân, nhất là ngư dân Việt Nam làm ăn trên biển, từ đó việc chấp hành pháp luật của người dân trên biển tốt hơn, đồng thời CSB Việt Nam cũng phát hiện, ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu vi phạm, tội phạm trên biển, chống cướp biển và thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Bảo đảm an ninh hàng hải
Trong tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, phương châm xử lý của CSB Việt Nam là gì, thưa Thiếu tướng?
Đảng, Nhà nước ta có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đặc biệt coi trọng quan hệ với các nước láng giềng.
Cụ thể trong vấn đề Biển Đông, phương châm xử lý của CSB Việt Nam là khẳng định bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và những điều ước khu vực, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; những nguyên tắc cơ bản theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong giải quyết vấn đề trên biển; Chủ động đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực; tích cực đóng góp cho sự hợp tác vì hòa bình.
Đặc biệt trong thực thi pháp luật trên biển, chống cướp biển, CSB Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ ngư dân, tuyệt đối không sử dụng vũ lực với ngư dân dưới bất kỳ hình thức nào, cả quân sự và phi quân sự.
Với phương châm, cách xử lý như vậy, CSB Việt Nam đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an toàn trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, để các vùng biển của nước ta luôn hòa bình, hữu nghị, phục vụ có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với việc thay đổi tên gọi, sẽ có thay đổi gì trong hoạt động cũng như trong trang bị của lực lượng CSB Việt Nam?
Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với lực lượng CSB Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp với CSB các nước trên thế giới và trong khu vực.
Với việc thay đổi tên gọi này, trong thời gian tới CSB tiếp tục điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng tinh, gọn, cơ động và linh hoạt, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Tập trung xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước; Luôn coi trọng và tập trung xây dựng CSB Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; phối hợp chặt chẽ với các nhà trường trong và ngoài Quân đội, các hoạt động hợp tác quốc tế để đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng; đẩy mạnh công tác huấn luyện, chất lượng huấn luyện của lực lượng CSB Việt Nam phải đạt được yêu cầu phục vụ ngày càng tốt hơn cho việc bảo vệ chủ quyền và thực thi pháp luật trên biển đúng với pháp luật Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Mục tiêu đạt được trong huấn luyện là “Nghiệp vụ tinh thông - Kỷ luật nghiêm minh - Phẩm chất chính trị vững vàng - Sức khỏe dẻo dai”; đồng thời phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng: Hải quân, Biên phòng, với các cấp, các ngành ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân các địa phương. Với sự nỗ lực, cố gắng cao nhất để xây dựng CSB Việt Nam ngày càng phát triển vững chắc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Hiền Anh - Clip: Xuân Quý