Những cáo buộc về việc chế độ Syria sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công hôm 21/8 đã làm gia tăng căng thẳng quốc tế. Phương Tây xúc tiến việc can thiệp quân sự. Nhưng Syria vẫn còn sự ủng hộ từ một số đồng minh.

Tại sao Nga, Iran và Trung Quốc vẫn tiếp tục ủng hộ một chế độ bị cáo buộc là cướp đi sinh mạng hàng chục ngàn thường dân trong suốt hai năm nội chiến?

{keywords}
Tình hình Syria khiến quan hệ quốc tế căng thẳng. Ảnh: Getty Images

Nga

Có hai lý do chính: Một là kinh tế, hai là hệ tư tưởng.

Nga là một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Syria. Các hợp đồng giữa nước này với công nghiệp quốc phòng Nga đạt hơn 4 tỉ USD, theo Jeffrey Mankoff - nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế. Ông nhấn mạnh rằng, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm ước tính giá trị tiêu thụ vũ khí của Nga với Syria đạt 162 triệu USD/năm giai đoạn 2009-2010.

Moscow cũng ký thỏa thuận 550 triệu USD với Syria trong trao đổi máy bay huấn luyện chiến đấu. Nga còn thuê một cơ sở hải quân tại cảng Tartus của Syria, giúp hải quân Nga có thể tiếp cận trực tiếp Địa Trung Hải, Mankoff nói.

Về mặt tư tưởng, mục tiêu chính sách của Nga là ngăn chặn các nỗ lực Mỹ trong định hình khu vực. Nga không tin rằng các cuộc chiến, thay đổi chế độ hay cách mạng có thể mang lại ổn định và dân chủ. Họ thường chỉ ra Mùa xuân Ảrập và cuộc chiến Iraq do Mỹ dẫn dắt làm bằng chứng. Nga cũng không tin vào các dụng ý của Mỹ trong khu vực. Họ tin vấn đề nhân quyền thường được sử dụng như cái cơ để Mỹ theo đuổi những lợi ích chính trị và kinh tế của chính mình.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định, không có bằng chứng chứng minh chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công vũ khí hóa học. Bất kỳ kế hoạch nào nhằm tấn công Syria sẽ là sự thách thức các quy định trong Hiến chương LHQ. Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Washington cố gắng "tạo ra lý do vô căn cứ để can thiệp quân sự".

Nga là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Họ có quyền phủ quyết các nghị quyết chống lại chế độ Syria. Vì thế, nếu Mỹ và đồng minh trông chờ sự phê chuẩn của LHQ cho tấn công quân sự, họ có thể phải chờ đợi thời gian dài.

Iran

Iran và Syria ràng buộc bởi hai nhân tố: tôn giáo và chiến lược. Về mặt tôn giáo, Iran là quốc gia Hồi giáo Shiite đông dân nhất thế giới. Chính phủ Syria bị Alawites - một nhánh của Shiite chi phối, còn phiến quân do người Sunni chi phối.

Với Iran, Syria là đồng minh chiến lược quan trọng. Họ là kết nối chính của Iran với chiến binh Shiite Hezbollah tại Lebanon, lực lượng có thể giúp Iran đe dọa Israel với kho tên lửa tầm gần.

Trong năm 2009, theo nội dung bức điện tín mật mà WikiLeaks công bố, quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Damascus cho hay, Syria bắt đầu cung cấp tên lửa đạn đạo cho Hezbollah. Vì thế, Iran có lợi ích khi chế độ của ông al-Assad còn nguyên vẹn.

Một ủy ban LHQ hồi tháng 5 cho biết, các vũ khí Iran chuyển tới Syria đã bị thu giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ gồm thuốc nổ, súng máy, súng trường, đạn súng cối.

Iran tin rằng, phương Tây và những đồng minh Ảrập đang nỗ lực thay đổi chế độ tại Syria với lý do chính là khiến khu vực trở nên an toàn hơn cho Israel. Nhiều người tin rằng, Iran là mối đe dọa lớn nhất của Washington trong khu vực, đặc biệt với khả năng hạt nhân. Chưa rõ là Iran sẽ phản ứng thế nào nếu Syria bị tấn công nhưng các tuyên bố mà Tehran đưa ra cũng rất mạnh mẽ.

Trung Quốc

Mối quan hệ của Trung Quốc với Syria có nhiều sắc thái hơn. Một số người nói đó là vì yêu cầu duy trì quan hệ tài chính. Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ ba của Syria trong năm 2010 (dữ liệu từ Ủy ban châu Âu).

"Trung Quốc coi Syria là trung tâm thương mại quan trọng", báo cáo năm 2010 từ quỹ Jamestown - một viện phân tích và nghiên cứu ở Washington. Nhưng ở đây cần nói tới một nhân tố lớn hơn.

Trung Quốc nói nước ngoài không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của Syria. Họ không muốn lặp lại những gì đã xảy ra với Libya. Bắc Kinh tuyên bố phản đối mạnh mẽ việc sử dụng vũ khí hóa học và ủng hộ các thanh sát viên vũ khí của LHQ. Họ cũng khẳng định mong muốn giải pháp chính trị ở Syria. "Một giải pháp chính trị luôn là phương tiện thực tế duy nhất để giải quyết vấn đề Syria", Ngoại trưởng Vương Nghị nói.

Giống như Nga, Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Họ nhiều lần ngăn chặn các biện pháp trừng phạt chống lại chế độ Syria.

Thái An (theo CNN)