- Cố vấn chính sách về chống tham nhũng của UNDP Việt Nam, ông Jairo Acuna-Alfaro, cho rằng chuyện lương "khủng" ở một số doanh nghiệp công ích ở TP.HCM cho thấy những "khoảng xám" trong chính sách tiền lương.

- Là người theo dõi câu chuyện cải cách lương ở Việt Nam suốt thời gian qua, thông tin về mức lương tiền tỷ hàng năm của lãnh đạo một số DN công ích ở TP.HCM có khiến ông ngạc nhiên?

Điều tôi thấy là sự mâu thuẫn giữa lương và thu nhập thực tế của các cán bộ nhà nước này. Lâu này trong Chính phủ thảo luận rất nhiều và đã xác định ở Việt Nam thu nhập và lương không phải là một. Có rất nhiều khoản thu nhập không phải lương nhưng góp phần quan trọng đảm bảo cuộc sống cho công chức, nhưng không rõ ràng, minh bạch.

Đó là một "khoảng xám" rất lớn. Ngay từ sớm chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ làm rõ tất cả các nguồn tạo nên thu nhập của công chức, đưa vào lương để tăng lương hợp lý, đảm bảo công chức sống được bằng lương như yêu cầu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

{keywords}
Ông Jairo Acuna-Alfaro. Ảnh: UNDP Việt Nam

- Vậy trường hợp các DN công ích trên có phải chính là "khoảng xám" đó?

Đúng thế. Ngoài ra còn một vấn đề đáng lưu ý là sự phân biệt giữa "lợi nhuận" và "phi lợi nhuận". Công ích là phi lợi nhuận, nhận lương từ ngân sách, không như khu vực tư nhân.

Nhưng các công ty này lại tự hạch toán, nghĩa là lãnh đạo có thể được thưởng nếu lợi nhuận của DN tăng lên. Nhưng là DN nhà nước, có lẽ nguyên tắc chia thưởng phải khác khu vực tư nhân.

- Do đó băn khoăn của dư luận là: Nếu công ty tăng lợi nhuận thật thì người đứng đầu xứng đáng được thưởng. Nhưng thực tế người dân đánh giá những nhiệm vụ họ đang đảm nhận như thoát nước, giao thông... là chưa đạt, đặc biệt ở TP.HCM.

Nhưng làm sao biết được họ làm tốt hay dở, có tiêu chuẩn để đánh giá không? Để trả lời được thì phải có bản mô tả công việc rõ ràng, với những mục tiêu, yêu cầu cụ thể.

Nếu trong mô tả công việc ghi rõ "phải đảm bảo thoát nước tốt", thì mỗi khi mưa to mà đường ngập thì họ không hoàn thành nhiệm vụ, không được thưởng, thậm chí bị cách chức.

- Phải chăng do thiếu tiêu chuẩn rõ ràng nên dù chi lương sai quy định, họ vẫn không thực sự phải chịu trách nhiệm gì khác ngoài việc trả lại tiền chi sai?

Nếu xác định được là họ không làm được việc thì phải thay thế. Luật đã quy định công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị sa thải, cứ theo nguyên tắc mà làm. Nhưng dù họ có bị phạt hay cách chức, đều phải theo luật, và quyết định xử lý phải được công khai.

- Một điều nữa khiến dư luận bức xúc là khoảng cách quá lớn giữa lương của các lãnh đạo này với những người lao động trực tiếp trong chính những công ty đó. Có những dấu hiệu "lách luật" bằng cách tuyển công nhân thời vụ để gian lận bảo hiểm. Liệu ở đây có khả năng xảy ra tham nhũng?

Tôi chưa thể nói được, cần có những điều tra kỹ hơn về cách thức lách luật. Tham nhũng là khi của công bị chiếm đoạt cho mục đích riêng. Nếu xác định được rằng qua những cơ chế lách luật đó, tiền đã chảy về túi một vài cá nhân, thì đó là tham nhũng.

- Cũng có thể pháp luật vẫn còn những kẽ hở để lọt những kiểu lách luật này?

Chắc chắn, và kẽ hở đó phải được khắc phục, các hành vi này phải bị xử lý nghiêm khắc.

Sơ hở của pháp luật có thể dẫn đến những trường hợp như một quan chức được thưởng, ông ta gửi khoản tiền này vào ngân hàng để lấy lãi. Một thời gian sau, qua kiểm tra thấy việc thưởng này là sai, ông ta phải hoàn lại tiền thưởng, vậy ông ta có phải trả lại cả tiền lãi không? Nếu pháp luật không rõ ràng, ông ta hoàn toàn có thể "làm phép" với số tiền lãi.

Chung Hoàng