Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói, ông lo ngại về khả năng xảy ra xung đột do căng thẳng tiếp tục leo thang vì tranh chấp ở Biển Đông.


{keywords}

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Ảnh: Reuters

Tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng khu vực diễn ra ở Brunei, lãnh đạo Lầu Năm Góc cho biết, các hành động trên biển "nhằm giành lợi thế trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ" là không hiệu quả và "làm gia tăng nguy cơ đối đầu, xói mòn ổn định khu vực, lu mờ triển vọng ngoại giao".

Một số quốc gia Đông Nam Á đã cáo buộc Trung Quốc dùng chiến thuật gây hấn dựa vào sức mạnh quân sự đang trỗi dậy để bảo vệ cho yêu sách chủ quyền tại vùng biển giàu tài nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng.

Mỹ tuyên bố không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp, nhưng đã tăng cường hợp tác quân sự với một số nước trong khu vực. Trước đó, hôm thứ năm, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định rằng, Biển Đông là "ổn định" và không nên có sự lo lắng nào về tự do hàng hải trong khu vực. Tự do hàng hải ở Biển Đông là vấn đề Washington thường xuyên nhấn mạnh.

Tranh chấp lãnh thổ là một trong những tâm điểm hai ngày diễn ra hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (có thêm sự tham gia của quan chức từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và những cường quốc khác). Giới phân tích không trông chờ sự đột phá đạt được về những bế tắc hàng hải khi Trung Quốc luôn miễn cưỡng thảo luận về vấn đề này trong các hội nghị khu vực. Thay vào đó, họ thiên về cách thỏa thuận với từng nước có tuyên bố chủ quyền - một chọn lựa giúp Trung Quốc có lợi thế hơn.

Trước những người đồng cấp Đông Nam Á, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã lớn tiếng rằng, Bắc Kinh từ chối bất kỳ phương pháp tiếp cận đa phương nào để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ông này nói rằng, tranh chấp trong vùng biển không nên gây tổn hại cho mối quan hệ của Trung Quốc với ASEAN vì khối 10 nước thành viên này không có vai trò trực tiếp trong trong các bất đồng. "Những tranh chấp này nên được giải quyết giữa các nước liên quan trực tiếp", ông Thường nói. "Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực nào để quốc tế hóa hay là phức tạp tranh chấp".

Theo giới quan sát, quan điểm của Trung Quốc không phải là mới, nhưng lần này đã được chính thức đưa ra tại cuộc họp báo chung sau khi lãnh đạo quốc phòng nước này có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ và các nước châu Á khác.

Các quan chức Mỹ cho rằng, tuyên bố này không có gì bất ngờ và nhấn mạnh, dù sao Bắc Kinh cũng nhất trí hội đàm với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử. Nhưng, bình luận của tướng Thường đã thể hiện rõ tầm nhìn khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc về ASEAN. Dù không đứng về phía nào trong tranh chấp, nhưng Washington ủng hộ ASEAN có một vai trò trong tìm kiếm cách tiếp cận chung để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Tờ Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc hôm thứ năm đăng tải bài bình luận trong đó nói rằng, hội nghị ASEAN "không phải là nơi thích hợp" để giải quyết các tranh chấp hàng hải. ASEAN đã và đang thúc đẩy Bắc Kinh hướng tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Trung Quốc không tỏ ra có nhiều hứng thú nhưng gần đây hứa hẹn sẽ thảo luận vấn đề này với khối vào cuối năm.

Brunei, Philippines, Việt Nam và Malaysia đều có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền hầu như bao trùm vùng biển này. Ngoài ra, họ còn có tranh chấp với Nhật ở biển Hoa Đông.

Thái An (theo WSJ, VOA)