Lập trường cứng rắn của Trung Quốc trong tranh chấp hàng hải, thể hiện qua cuộc đụng độ năm 2012 với Philippines ở Biển Đông và Nhật Bản ở Hoa Đông tồn tại song song với quá trình chuyển giao lãnh đạo ở nước này.


Giờ đây, lập trường ấy đã đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh với những tác động lớn tới láng giềng của Trung Quốc và liên quan đến cả Mỹ.

Sự thành công trong việc tăng cường yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Philippines và trong thách thức quyền kiểm soát quần đảo tranh chấp của Nhật giải thích vì sao chính sách mới của Trung Quốc có khả năng tiếp diễn trong thời gian tới. Tuy nhiên, về lâu dài, nhiều vấn đề tồn tại bất lợi trong và ngoài nước có thể khiến giới lãnh đạo Trung Quốc xem xét một cách khôn ngoan để thay đổi chính sách đối ngoại một lần nữa, theo hướng tiếp cận ôn hoà hơn với láng giềng.

Bắc Kinh luôn tuyên bố chính sách đối ngoại của họ là nhất quán nhưng thực tế cho thấy họ luôn thay đổi. Mao Trạch Đông thay đổi chính sách đối ngoại cho phù hợp với phong trào cách mạng và các mục tiêu khác; Đặng Tiểu Bình thay đổi khi tìm kiếm lợi ích của Trung Quốc trong tam giác Mỹ - Xô - Trung. Các nhà lãnh đạo thời hậu Chiến tranh Lạnh đã tăng cường quan hệ thông thường với láng giềng ở châu Á nhưng phản ứng với sự quả quyết của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan và Biển Đông năm 1995 lại tạo dựng một khái niệm an ninh mới. Trong đó, Mỹ và đồng minh vẫn là mục tiêu nhưng Bắc Kinh cảm thấy cần thay đổi hướng theo cách tiếp cận trỗi dậy hoà bình, sau này họ gọi là phát triển hoà bình để cố trấn an Mỹ cùng đồng minh cũng như các láng giềng châu Á.

{keywords}
TQ hiện tại ưa dùng lối tung lực lượng đông đảo áp chế đối phương, giành lợi thế trong tranh chấp chủ quyền hàng hải. Ảnh: wordpress


Lấy cứng rắn làm cột trụ

Tập trung vào hoà bình, phát triển và hợp tác luôn được nhấn mạnh trong chính sách đối ngoại Trung Quốc nhưng đi kèm theo đó những năm gần đây là sự hăm doạ và ép buộc nhằm mở rộng chủ quyền hàng hải tại Biển Đông và Hoa Đông. Trong ngắn hạn, các nguyên tắc trong chính sách an ninh và đối ngoại của Trung Quốc đã mở rộng và tiếp tục thay đổi, phản ánh các ưu tiên quốc nội khác nhau, những thách thức và tính toán cũng như cách chấp thuận của láng giềng và khu vực bên ngoài.

Năm 2012 chứng kiến sự cứng rắn của Trung Quốc dường như đã trở thành cột trụ trong chính sách mà nước này ứng xử với khu vực. Ở trường hợp của Philippines, hành động của Trung Quốc liên quan tới các lời đe doạ ngoại giao, trừng phạt kinh tế vốn không bị ràng buộc bởi các chuẩn mực quốc tế, và tung lực lượng đông đảo áp chế lực lượng an ninh cùng ngư dân Philippines.

Trong trường hợp của Nhật Bản, hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra ở hơn 100 thành phố Trung Quốc dẫn tới bạo lực và đập phá các tài sản lợi ích của nước ngoài. Điều này là chưa từng có kể từ thời Cách mạng Văn hoá. Ở đây cũng có các biện pháp kinh tế không bị quy chuẩn thế giới ràng buộc và sự triển khai các lực lượng thách thức trực tiếp với Nhật Bản trong việc kiểm soát quần đảo tranh chấp. Thay vì nhìn vào hành động khiêu khích của chính mình, báo chí Trung Quốc đổ lỗi cho láng giềng và các nỗ lực của Mỹ để kích động Philippines, Nhật Bản, các chính phủ châu Á khác tranh giành chủ quyền của Trung Quốc.

Trung Quốc đã thành công trong việc sử dụng sự hăm doạ và áp chế nhằm giành lợi thế kiểm soát với một số khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Họ cũng thiết lập mô hình triển khai lực lượng quân sự thời gian ngắn và các áp lực khác để tích cực khẳng định chủ quyền và tranh chấp quyền kiểm soát với Nhật ở Hoa Đông.

Philippines tiếp tục lớn tiếng chỉ trích và Nhật Bản thì kiên quyết phản đối. Nhưng hầu hết các chính phủ liên quan đều thừa nhận rằng, lý luận “cùng thắng” của Trung Quốc nhấn mạnh hợp tác trên nền tảng chung đã khiến họ tránh hành động với các vấn đề khá nhạy cảm của Trung Quốc về Đài Loan, Tây Tạng hay Tân Cương. Trung Quốc trong khi đó lại không ngừng mở rộng cuộc tranh chấp hàng hải trên biển.

Các quốc gia Đông Nam Á đã có thành công hạn chế trong đàm phán với Trung Quốc. ASEAN tập trung vào quá trình thuyết phục để Trung Quốc nhất trí về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, và triển vọng đàm phán toàn diện về thoả thuận mang tính ràng buộc pháp lý sẽ là phép thử lòng quyết tâm cũng như tính đoàn kết của các thành viên ASEAN cũng như với cam kết vì ổn định khu vực của Trung Quốc. Cho tới nay, Bắc Kinh dường như hài lòng với khả năng quản lý tiến trình này.

Chính sách của Mỹ tập trung vào việc xoa dịu căng thẳng trong khi đào sâu quan hệ an ninh và tăng cường các hợp tác khác với đồng minh, các bạn bè trong khu vực theo khuôn khổ chiến lược “tái cân bằng” tại châu Á - Thái Bình Dương. Lãnh đạo Mỹ cũng nỗ lực thuyết phục Trung Quốc về sự ôn hoà thể hiện qua quá trình trao đổi cấp cao Trung - Mỹ.

Dường như, không có ai định nhắc nhở Trung Quốc về việc cần phải thay đổi chính sách cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hiện nay.

Đâu là ưu tiên?

Giữa bối cảnh đó, các láng giềng Trung Quốc và những cường quốc liên quan sẽ cần rất thận trọng xác định hành động của họ liên quan tới tranh chấp hàng hải. Không may là, những tham số trong yêu sách hàng hải của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng. Do đó, các nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông sẽ tiếp tục phải đối mặt với những hành động có thể đủ minh chứng cho sự hăm doạ và áp chế từ Trung Quốc.

Trong khi đó, những động lực cho sự cứng rắn trong tranh chấp hàng hải của Trung Quốc như chủ nghĩa dân tộc ở đội ngũ tinh hoa, ở công luận cùng khả năng quân sự, phòng vệ bờ biển, ngư nghiệp, khai thác dầu khí đồng loạt trỗi dậy. Nó như dấu hiệu báo trước cho sự sẵn sàng hơn của Bắc Kinh nhằm sử dụng sự ép buộc để giành lợi thế tại những vùng biển gần. Tinh thần dân tộc luôn là một lực lượng ổn định và có khả năng “gây rối” như đã từng thấy qua làn sóng biểu tình ở Trung Quốc phản đối Nhật Bản năm 2012.

Tuy vậy, về lâu dài, có nhiều dự đoán rằng, những diễn biến trong nước và quốc tế có thể khiến lãnh đạo Trung Quốc lần nữa lại thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng ôn hoà hơn. Nhật Bản là một sức mạnh ghê gớm và đội ngũ lãnh đạo đã sẵn sàng giành chiến thắng trong bầu cử tháng 7/2013 để tiếp tục dẫn dắt đất nước thời gian tới. Liên minh an ninh Mỹ - Nhật ngày một mạnh mẽ hơn.

Ở Đông Nam Á, một liên minh rộng lớn của các nước tuyên bố chủ quyền cũng như trung lập vẫn luôn khẳng định theo đuổi nỗ lực thiết lập bộ quy tắc ứng xử ở vùng tranh chấp. Bộ quy tắc này sẽ hạn chế sự quả quyết của Trung Quốc. Vành đai phía đông của Trung Quốc - từ Triều Tiên tới Indonesia được coi là khu vực quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh hiện đại - thì căng thẳng và bất ổn. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng phải dồn sức giải quyết nhiều vấn đề trong nước liên quan tới tham nhũng, suy giảm kinh tế, bất ổn xã hội và môi trường.

Những nhà lãnh đạo tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình, khi phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, đã biết đặt ra các ưu tiên. Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đã xác định và tập trung vào vấn đề chính, làm dịu căng thẳng ở những khu vực khác để nỗ lực giải quyết mục tiêu chính hiệu quả hơn.

Thái An (theo Atimes)