- Nhìn vào các mặt trận khác của chiến trường Trung-Mỹ, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cũng như quan hệ liên Triều sẽ là tiến trình lâu dài đầy khó khăn, vì lợi ích của các bên còn quá cách xa nhau.
Trung Quốc kêu gọi họp khẩn cấp tình hình Triều Tiên
Triều Tiên sẵn sàng tên lửa, Mỹ - Hàn bắt đầu tập trận
VN ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về tình hình Triều Tiên
Có
thể! Nếu các vận động ngoại giao cuối tuần qua phát huy tác dụng. Nhưng
nhìn vào các mặt trận khác của chiến trường Trung-Mỹ, vấn đề hạt nhân
của Triều Tiên cũng như quan hệ liên Triều sẽ là tiến trình lâu dài đầy
khó khăn, vì lợi ích của các bên còn quá cách xa nhau.
28.11: Hàng không mẫu hạm và bốn tàu chiến khác của Mỹ bắt đầu tập trận cùng các tàu chiến và phi đội chống tàu ngầm của Hàn Quốc.
27.11: Các thành viên của Hội quân nhân Hàn Quốc xuống đường biểu tình đòi chính phủ phải mạnh tay hơn với Bắc Triều Tiên.
26.11: Đại bác đợt hai của Bình Nhưỡng lại dội xuống Hoàng Hải khi tro bụi của buổi đấu pháo trước đấy (23.11) chưa kịp lắng dịu trên đảo Yeonpyeong.
Dư luận quốc tế tiếp tục giải mã những động thái của “các vai diễn chính” trong đợt tương tranh chết người lần này, theo cả nghĩa đến lẫn nghĩa bóng.
Diễn tập lên kế hoạch từ trước
Cuộc tập trận Hoguk giữa Mỹ và Hàn Quốc kéo dài đến 2.12, với sự tham gia của hàng không mẫu hạm USS George Washington, biểu tượng sứ mạnh quân sự của Mỹ tại hải phận nhạy cảm về chiến lược giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên.
Với tình trạng “chưa chiến tranh nhưng cũng không phải là hòa bình”, tổng thống Mỹ Barack Obama và tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trước đó đã trao đổi điện đàm và hai bên giữ nguyên quyết định tiến hành cuộc tập trận vốn đã lên kế hoạch khi vụ pháo kích chưa diễn ra, bất chấp những lời cảnh cáo mạnh mẽ từ phía Triều Tiên.
Vài tháng trước đây, do sự phản đối kịch liệt của Trung Quốc nên đã có lúc Mỹ tỏ ra lưỡng lự đối với cuộc tập trận này. Thay vào đó, Mỹ đưa ra phương án gửi hàng không mẫu hạm tới biển Nhật Bản, sau đó mới chuyển về Hoàng Hải.
Sự lưỡng lự này một mặt, gây ra thất vọng cho phía Hàn Quốc về cam kết của Mỹ đối với đồng minh; mặt khác gieo rắc tâm lý hoài nghi trong toàn khu vực cho rằng Mỹ phải thoái lui trước các đòi hỏi ngoại giao mạnh bạo của Trung Quốc.
Có vẻ nghịch lý là căng thẳng liên Triều xẩy ra đúng vào thời điểm Trung Quốc đưa ra lời kêu gọi khẩn trương khôi phục thương lượng sáu bên (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên) về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Các nguồn tin ngoại giao khẳng định rằng vòng tham vấn đầu tiên đã khởi sự. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa đồng ý hoàn toàn chừng nào Triều Tiên chưa có những bước đi cụ thể chứng tỏ thiện chí.
Tour châu Á của đặc sứ Stephen Bosworth chính là để thực thi sứ mệnh ngoại giao giữa “các vai diễn chính”.
Việc Triều Tiên tiết lộ nhà máy làm giàu uranium là “con dao hai lưỡi”.
Một mặt, đó là dấu hiệu cho thấy các cuộc thương thuyết có thể nhóm họp. Triều Tiên muốn thể hiện sức mạnh hạt nhân với các thành viên trong đàm phán sáu bên, qua đó nâng cao vị thế của mình trên bàn thương lượng.
Mặt khác, khi thấy cách phản ứng không thuận của Mỹ đối với “con bài tẩy” này và cho rằng Mỹ sẽ vẫn chưa chịu ngồi vào đàm phán, Triều Tiên liền tiến thêm một bước nữa bằng vụ đấu pháo. Và lần này có thể Triều Tiên đã đi quá đà.
Cuộc tập trận kịch tính bắt đầu từ hôm qua dường như muốn chuyển tới các bên liên quan những thông điệp khác nhau.
Với đồng minh, Mỹ muốn tái khẳng định cam kết bảo vệ Hàn Quốc trong mọi tình huống.
Với đối tác, Mỹ muốn Trung Quốc “kìm giây cương” đối với Triều Tiên, và hãy chứng tỏ Trung Quốc là một cường quốc có trách nhiệm trước những thời khắc trọng đại của hòa bình thế giới.
Với đối thủ, Mỹ muốn chứng tỏ mình không dễ bị bắt bí, kể cả khi có thay đổi trong quá trình chuyển giao quyền lực ở Bình Nhưỡng.
Trận đánh trong toàn bộ chiến trường
Cuộc đấu pháo kèm theo những tuyên bố sặc mùi thuốc súng, vụ đụng độ giữa tàu cá Trung Quốc và tàu chiến Nhật tại vùng biển Senkaku hay chiến hạm Cheonan/Hàn Quốc bị cho là do Triều Tiên đánh chìm hồi đầu năm, tất cả như là những phòng tuyến được dựng lên trong một trận đánh.
Trận đánh này không chỉ quy tụ vào bán đảo Triều Tiên, không chỉ khủng hoảng trong ngoại giao Trung-Nhật, căng thẳng quan hệ Nhật-Nga, Biển Đông dậy sóng… Tất cả là những bộ phận cấu thành toàn bộ chiến trường Trung-Mỹ.
Chiến trường này rộng lớn hơn nhiều. Trùm các căn cứ quân sự ở nước ngoài, Mỹ “ưu tiên” cho châu Á - Thái Bình Dương 124 cơ sở ở Nhật và 87 ở Hàn Quốc, cùng với hàng chục căn cứ ở Úc, Philipines, Malaysia, Singapore, Thái Lan (Mỹ có tất cả 865 căn cứ tại 90 quốc gia/vùng lãnh thổ).
Rút bài học từ sự “trỗi dậy” về kinh tế của Bắc Kinh khiến Washington phải bó tay (điển hình là cuộc chiến tiền tệ), Mỹ đã hình thành vòng cung ngăn chặn xu hướng “ôm phản lao ra biển” của Trung Quốc, không để sai lầm về cạnh tranh kinh tế “lây” sang lĩnh vực quân sự.
Báo cáo quốc phòng 4 năm một lần khẳng định thế kỷ qua, Mỹ luôn là siêu cường ở châu Á. Do đó, Mỹ không dễ dàng gì chia sẻ chiếc bánh với người mới.
Đô đốc Timothy Keating đã khẳng định quan điểm này khi trả lời đề nghị của một tướng Trung Quốc về việc “Trung Quốc sẽ lo gìn giữ hòa bình từ Hawaii về phía Tây, còn Mỹ lo từ Hawaii sang phía Đông”.
Năm ngoái Mỹ tiến hành hơn 40 cuộc tập trận, chủ yếu ở châu Á-Thái Bình Dương. Năm nay, con số này vẫn được duy trì và tăng cường thêm mà tâm điểm là các cuộc diễn tập giữa Mỹ với Nhật và Hàn Quốc.
Mặt trận Triều Tiên vẫn yên tĩnh. Bởi lý do là tất cả các bên liên quan đều không muốn chiến tranh nổ ra.
Mỹ/Trung còn những trận đánh mỏi mệt hơn. Nhìn vào các mặt trận khác của chiến trường Trung-Mỹ, những vật cược cao hơn còn ở phía trước.
Bắc/Nam Triều Tiên hơn ai hết cũng hiểu rằng, người thất bại đầu tiên trong cuộc chiến tranh giữa hai miền chính là người dân Triều Tiên.
Đó là cơ sở để các ngoại trưởng Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Nga và Hàn Quốc suốt tuần qua nhộn nhịp điện đàm nhằm hạ nhiệt tình hình hiện được coi là “bên miệng hố chiến tranh”./.
- TS Đinh Hoàng Thắng