Hãng tin Kyodo dẫn tài liệu mật của chính phủ Philippines cho biết, nước này thận trọng theo dõi chặt chẽ “mục tiêu rõ ràng” của Trung Quốc trong việc gia tăng hiện diện quân sự tại Biển Đông, nhất là ở bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Philippines buộc phải xây dựng “kế hoạch dự phòng” vì lo ngại Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn bằng vũ lực. Ảnh: wordpress |
“Trung Quốc liên tục duy trì sự có mặt của ít nhất 2-3 tàu hải giám và một tàu khu trục ngay gần bãi cạn để tuần tra giám sát và đánh bắt trái phép”, tài liệu nhấn mạnh.
Các hình ảnh cho thấy, tàu hải quân Trung Quốc hoạt động trong khu vực cũng như nhiều tàu cá chất đầy trai và san hô thu hoạch từ bãi cạn. “Mọi hành động này đều được sự giám hộ của các tàu chính phủ Trung Quốc”, tài liệu khẳng định.
Kể từ tháng 2, quân đội Philippines đã chú ý về việc Trung Quốc tăng cường điều tàu thực thi pháp luật hàng hải, tàu hải quân ở bãi cạn Thomas 2. Theo đó, các tàu này hoạt động trong vùng tranh chấp khoảng 24 lần từ 2010-2012, gần gấp ba lần so với năm 1995-2009.
Các quan chức an ninh Philippines tuyên bố bảo vệ bãi cạn bằng mọi giá. Theo tài liệu trên, hành động của Trung Quốc khiến Manila phải xây dựng “kế hoạch dự phòng” vì lo ngại Bắc Kinh có thể bao vây hay chiếm giữ bãi cạn bằng vũ lực.
Kế hoạch bao gồm cải tổ khẩn cấp các trang thiết bị quân sự, hải quân và không quân để tăng cường khả năng của quân đội trong vùng tranh chấp.
“Chúng tôi không muốn lắp lại như bãi cạn Scarborough”, tài liệu đề cập tới việc Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn cách ngoài khơi đảo Luzon 124 hải lý từ năm ngoái.
Tướng Rustico Guerrero, chỉ huy bộ Tư lệnh miền Tây của Philippines tuyên bố, Trung Quốc chưa có dấu hiệu sẽ nắm giữ bãi cạn Thomas 2.
Quân đội Philippines luôn trong tình trạng báo động và giám sát chặt chẽ tình hình. “Hãy yên tâm rằng chúng tôi sẽ không rời Ayungin”, ông nói tới bãi cạn với cái tên địa phương. “Chúng tôi sẽ duy trì các đơn vị và tiền đồn của mình”.
Tìm kiếm ủng hộ của châu Âu
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario mới đây đã có cuộc gặp với các thành viên nghị viện châu Âu. Châu Âu tuyên bố ủng hộ quan điểm của Philippines về giải pháp hoà bình và căn cứ vào luật pháp để giải quyết các tranh chấp hàng hải, bao gồm cả quyết định tìm kiếm sự phân xử của toà án quốc tế.
Ông Del Rosario đã thông tin ngắn gọn trước Ủy ban châu Âu về quá trình tố tụng mà Manila theo đuổi để tìm kiếm giải pháp hợp pháp và bền vững cho tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Ông đã đánh giá cao sự ủng hộ của EU với lập trường của Philippines về vấn đề này.
Hồi tháng 3, nghị viện châu Âu đã đưa ra tuyên bố tương tự, nhấn mạnh tính chú trọng luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp hàng hải.
Đòi giải pháp song phương
Tờ Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc hôm qua đăng tải bài phân tích với tiêu đề “Manila nên giải quyết với Bắc Kinh tốt hơn là tìm kiếm sự trợ giúp của Mỹ”.
Theo báo này, gần đây, Philippines tuyên bố sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng, mở rộng khả năng tiếp cận cho quân đội nước ngoài nhất là Mỹ và Nhật Bản vào các căn cứ, cầu cảng và cơ sở quân sự. Sau khi nêu một loạt động thái từ Manila, báo này cho rằng, quốc gia Đông Nam Á đang suy nghĩ một chiều về việc Washington luôn sẵn lòng giúp đỡ Manila.
Bài viết lập luận, theo quan điểm tư duy và chiến lược của Mỹ trong bối cảnh toàn cầu cũng như khu vực, Trung Quốc luôn có tầm quan trọng hơn so với Philippines, và việc Mỹ lao vào cuộc chiến với Trung Quốc là nằm ngoài sức tưởng tượng của cộng đồng quốc tế.
Báo Trung Quốc nói, nếu Philippines cố gắng hợp tác và đàm phán song phương với Trung Quốc, có thể sẽ dễ dàng cho hai bên trong việc thúc đẩy các lợi ích chung và tìm ra giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ.
Thái An (tổng hợp)