Cả Lầu Năm Góc và PLA (quân đội Trung Quốc) đều đang hướng tới một cuộc chiến
tổng lực và theo đuổi chiến lược toàn diện đắt đỏ để nắm thế chủ động trong
trường hợp xảy ra chiến tranh.
Hiếm khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên gần gũi, thân mật hơn hiện
tại. Mới đây, trong cuộc đối thoại chiến lược, hai siêu cường đã nhất trí các
biện pháp mạnh đối phó với biến đổi khí hậu bằng cắt giảm khí thải.
Ở hội nghị
thượng đỉnh tháng trước giữa ông Barack Obama và Tập Cận Bình, các nhà lãnh đạo
cuối cùng đã chấp thuận về một cách tiếp cận với Triều Tiên. Trung Quốc cũng
đang từng bước tăng giá trị đồng nhân dân tệ, giảm bớt sự mất cân bằng toàn
cầu... Đó có lẽ là một khoảng thời gian chung sống hòa bình.
Vậy tại sao quân đội hai nước lại chuẩn bị chiến tranh?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: wordpress |
Đối với Mỹ, điều nói trên diễn ra dường như chưa cần tới sự chấp thuận hay tán
thành từ Nhà Trắng hoặc Quốc hội. Lầu Năm Góc hiện đang đặt nền móng cho một
chiến lược toàn cầu thông qua kế hoạch chi tiết gọi là khái niệm Tác chiến Không
Hải. Trong khi đó, lực lượng Lục quân và Không quân chịu trách nhiệm bảo vệ sự
hiện diện của 320.000 lính Mỹ ở khu vực bằng cách sẵn sàng cho cuộc tấn công
tổng lực trên mặt đất và trên không đối với Trung Quốc nếu xảy ra mối đe dọa ở
Biển Đông hoặc các vùng lân cận.
Trong một bài báo phân tích chi tiết đăng trên Tạp chí các vấn đề quốc tế Yale
mùa hè này, chuyên gia chính sách quân sự và xã hội học nổi tiếng Amitai Etzioni
đặt câu hỏi: “Ai phê chuẩn việc chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc?”. Câu trả
lời mà chính ông đưa ra khá thẳng thắn: Tổng thống Mỹ Obama đã nói về một “trục
châu Á” nhưng dường như không mang mục tiêu chính trị hay thể hiện mong muốn
tiến hành hành động quân sự đối đầu với Trung Quốc. Trong thực tế, hoạt động
chính trị và ngoại giao đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại.
“Mỹ đang chuẩn bị một cuộc chiến với Trung Quốc, một quyết định trọng yếu mà tới
thời điểm này vẫn chưa có sự xem xét thấu đáo từ các quan chức có tên trong Nhà
Trắng hay Quốc hội”, giáo sư Etzioni viết. “Trong khi đó về công luận lại không
hề tồn tại cuộc tranh cãi nào kiểu như nên hay không sử dụng chọn lựa quân sự
chống lại chương trình hạt nhân Iran, hay chuyện bàn thảo năm 2009 về gia tăng
hiện diện quân sự tại Afghanistan”.
Tuy nhiên, theo ông, kế hoạch Tác chiến Không Hải gây nhiều tốn kém và rủi ro.
“Thử hình dung kết quả của kế hoạch này là khả năng chấm dứt một cuộc xung đột
với Trung Quốc khá giống với các Mỹ làm để kết thúc Thế chiến II: Quân đội Mỹ
đánh bại Trung Quốc và đưa ra các điều kiện đầu hàng”. Etzioni đưa ra kết luận,
đây là sự thay đổi lớn từ các cách tiếp cận thời Chiến tranh Lạnh, khi xung đột
hạt nhân luôn được thận trọng kiềm chế và né tránh.
Nhiều nhân vật quân sự có tiếng khác ở Mỹ cũng cảnh báo rủi ro về kế hoạch trên.
“Tác chiến Không Hải dồn Trung Quốc tới chân tường”, James Cartwright, nguyên
phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân nói. “Nó không có ích lợi cho
bất kỳ ai”. Trong khi đó, một báo cáo của lực lượng thuỷ quân lục chiến cảnh
báo, kế hoạch “tốn kém tới mức phi lý trong thời bình” và nếu được sử dụng như
dự định, nó sẽ “gây ra sự phá hủy tàn khốc và khôn lường với con người và kinh
tế, bởi phần nào đó, nó có thể khiến chiến tranh hạt nhân leo thang xa hơn".
Còn người Trung Quốc lập tức đưa ra phản ứng tương đương: “Nếu quân đội Mỹ xây
dựng Tác chiến Không Hải để đối phó với PLA”, tướng Trung Quốc Gauyue Fan cảnh
báo, “thì PLA sẽ buộc phải xây dựng kế hoạch chống Tác chiến Không Hải”.
Và hiện tại, điều đó đang diễn ra. Không lâu sau khi lên nắm quyền năm ngoái,
ông Tập Cận Bình dường như đã từ bỏ cam kết “trỗi dậy hoà bình” của người tiền
nhiệm khi trực tiếp chỉ huy Quân ủy trung ương, và chỉ thị cho quân đội tập
trung vào các khả năng “chiến đấu thực tế”, “chiến đấu và chiến thắng trong các
cuộc chiến”.
Như thông tin đáng chú ý trên Nhật báo Phố Wall, ông Tập đã khôi phục một nhóm
các tướng lĩnh, cố vấn quân sự hiếu chiến, những người chủ trương tán thành một
chiến lược quân sự dựa trên việc sẵn sàng đối phó trực tiếp với Mỹ. Ông thậm chí
“thích” Đại tá Lưu Minh Phúc - người đưa ra thúc giục cạnh tranh quân sự trực
tiếp Trung - Mỹ trong một cuốn sách bị cấm lưu hành, nhưng giờ đây lại bày bán
khắp nơi.
Có lẽ khá nực cười khi suy đoán hai siêu cường đang ở thời khắc hòa bình trong
khi quân đội mỗi nước lại dốc lòng chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực.
Hãy nhớ lại thời năm 1914, khi thế giới lao vào chiến tranh chỉ bắt đầu từ điều
rất nhỏ.
Thái An (theo globeandmail)