- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết dự án bôxit Tây Nguyên bị ảnh hưởng rất lớn của khủng hoảng kinh tế thế giới, làm cho mặt bằng giá bị hạ xuống nhưng về dài hạn vẫn có hiệu quả.

>> Bôxit: Không hiệu quả mới dừng

{keywords}

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Không đến mức quá lo lắng về dự án bôxit. Ảnh: Lê Anh Dũng

Dự án được báo cáo tại kỳ họp này thay vì cuối năm như thông lệ với các dự án đầu tư xây dựng quan trọng của quốc gia. “Chắc các ĐB thấy dư luận bàn thảo, quan tâm nhiều nên yêu cầu Chính phủ báo cáo”, Phó Thủ tướng trao đổi với báo chí bên lề QH ngày 22/5.

Theo ông Hoàng Trung Hải, Chính phủ đã giao Bộ Công thương rà soát, đánh giá lại hiệu quả các dự án theo kết luận của Bộ Chính trị để báo cáo Bộ Chính trị. Bộ Công thương đã chuẩn bị báo cáo để Chính phủ trình ra QH. Các ĐB có ý kiến có thể hỏi sau khi xem xét báo cáo.

- Thưa ông, quan điểm của Chính phủ về dự án này như thế nào?

Theo báo cáo của Bộ Công thương, dự án bị ảnh hưởng rất lớn của khủng hoảng kinh tế thế giới, làm cho mặt bằng giá bị hạ xuống, tác động xấu đến hiệu quả của dự án. Tuy vậy, dự án nếu tính về dài hạn thì vẫn có hiệu quả, chỉ làm cho số năm lỗ kế hoạch kéo dài hơn, sẽ ảnh hưởng và gây khó khăn cho tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), vì theo kế hoạch họ bố trí lượng vốn để bảo đảm cho những năm lỗ kế hoạch, bây giờ năm lỗ kế hoạch kéo dài ra, họ phải dàn xếp lượng vốn đó. Nhưng TKV cho biết đã dàn xếp được.

Ngoài ra, thời gian hiệu quả của dự án, tức là thời gian hoàn vốn sẽ kéo dài hơn. Tuy vậy, theo một số dự báo về mặt bằng giá alumin, giá nhôm trên thế giới và tính theo những dự báo bảo thủ nhất thì đều thấy, dự án vẫn còn hiệu quả.

Vì thế, dự án không đến mức quá lo lắng.

Tuy vậy, trong quá trình quản lý dự án, chủ đầu tư phải hết sức thận trọng, quản lý phải hết sức hiệu quả. Vì nói kế hoạch như vậy, nhưng quản lý không tốt, có sơ sẩy thì hiệu quả sẽ bị phá vỡ.

- Những thông tin này đều từ một phía là TKV, vậy có đủ sức thuyết phục?

Từ một phía, nhưng là phía hết sức quan trọng - chủ đầu tư. Họ chính là người chịu trách nhiệm về dự án. Bộ Công thương đã kiểm tra hàng mấy năm chứ không phải một năm, rà soát đi rà soát lại, đánh giá hiệu quả dự án.

Không phải chỉ bôxit Tây Nguyên, mà nhiều dự án khác cũng chịu tác động lớn của suy thoái kinh tế. Trong điều kiện đó, sau khi kiểm tra thấy vẫn còn hiệu quả thì phải tiếp tục, nhưng đi liền với đó là quản lý chặt chẽ.

Nhưng cũng cần khẳng định, nếu điều hành dự án không tốt thì có thể chuyển sang lỗ, không có hiệu quả, vì dự án này là 30 năm chứ không phải 1-2 năm. Vì thế, phải có cách đánh giá, quản lý thật tốt trong thời gian dài.

Đầu tư dự án suốt mấy năm trời rất vất vả, nhưng đó mới chỉ là bắt đầu một quá trình dài hơi 30-40 năm vận hành, hoàn vốn, trả nợ, sinh lời. Nếu lo lắng cho hiệu quả dự án thì tôi cho là không chỉ bôxit Tây Nguyên mà rất nhiều dự án khác. Có dự án ngay ngày đầu đã có lãi nhưng nếu quản lý không cẩn thận, hoặc thị trường về sau có biến động thì đến năm thứ 15 lại lỗ, thậm chí lỗ vào thời điểm chưa kịp hoàn hết nợ.

Tất cả những việc đó đều có khả năng xảy ra với một xác suất xác định. Chính vì vậy, người đầu tư trước hết phải là người theo dõi, tính toán rất chặt chẽ về hiệu quả dự án. Còn những vấn đề khác mà dư luận quan tâm như môi trường, an ninh quốc phòng, thì theo kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho từng bộ để giám sát chặt chẽ trong cả quá trình 30-40 năm cũng như tiếp tục giám sát sau đó.

- Nhưng dù TKV là nhà đầu tư thì tiền vẫn là của dân, của đất nước. Nếu để thất thoát thì TKV sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?

Thế thì phải làm sao, dừng hết lại? Nếu dừng hết lại thì giải quyết được vấn đề gì? Hoặc có ý kiến nói dự án mắc bẫy của Trung Quốc? Bẫy gì thì họ phải chứng minh cụ thể. Cứ nói chung một câu như thế thì rất khó, trong khi các bộ, ngành đều kiểm tra, giám sát.

Thường thì chủ đầu tư phải là người rút ra điều này. Nếu họ phát hiện ra bị hố, họ phải rút kinh nghiệm. Giống như ta xây nhà, thuê thợ, khi phát hiện thợ không làm tốt thì ta chỉ có thể rút kinh nghiệm lần sau.

Dư luận vẫn nghĩ đến khía cạnh TKV là doanh nghiệp nhà nước, do đó lo lắng là dễ hiểu. Nhưng kể cả là doanh nghiệp tư nhân thì chúng ta vẫn phải lo lắng, vì tiền vẫn là của xã hội, dự án không hiệu quả thì đất nước đều phải gánh chịu.

Như tôi đã nói, khi tính toán, Bộ Công thương đã lấy những dự báo bảo thủ nhất (tức là không lạc quan nhất), vì điều này liên quan đến việc có dừng hay không, thì vẫn thấy dự án vẫn còn hiệu quả, vậy nên kiên quyết làm.

Chung Hoàng ghi