- Dự án bôxit Nhân Cơ đang đầu tư mà dừng nửa chừng thì cũng chưa đến được kết luận gì. Nếu giờ Chính phủ thấy có thể kết luận được rõ ràng là mô hình này không hiệu quả thì mới dừng - Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường QH Võ Tuấn Nhân chia sẻ bên hành lang QH ngày 22/5.
Ông Võ Tuấn Nhân: Bôxit là vấn đề dư luận quan tâm, dù không thuộc danh mục dự án bắt buộc phải báo cáo QH nhưng vẫn phải báo cáo khi có yêu cầu.
Hồ chứa bùn đỏ an toàn nhưng tốn kém
Là người tham gia phiên họp giữa Bộ Công thương, TKV với các nhà khoa học, hẳn ông đã nghe thông tin nhiều chiều về dự án khai thác bôxit Tây Nguyên. Đứng trước nhiều luồng thông tin như vậy, UB đã đi thực địa để nắm tình hình chưa thưa ông?
- Vừa rồi đoàn của UB đã lên Tây Nguyên và đánh giá sơ bộ.
Phải nói rằng với việc thiết kế hồ xử lý bùn đỏ như hiện nay là an toàn, nhưng lại tốn kém về chi phí.
Theo dự kiến ban đầu thì việc thiết kế đầu tư hồ bùn đỏ với tiêu chuẩn thấp thôi nhưng khi đang làm thì xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary nên Chính phủ đã yêu cầu làm thêm đánh giá tác động môi trường, đánh giá độ an toàn của hồ chứa, nâng thiết kế lên ở mức rất chuẩn cho nên chi phí đã bị nâng lên hơn trăm tỷ.
Việc xử lý như thế chúng tôi đánh giá là tốt nhưng nó làm tăng mức giá đầu tư lên, có liên quan đến hiệu quả của dự án.
Tất nhiên, UB chúng tôi chỉ có ý kiến về vấn đề môi trường, công nghệ, còn hiệu quả dự án thì UB Kinh tế đánh giá. Xử lý môi trường chỉ là một khía cạnh, không phải là quyết định gì nhiều đến toàn dự án.
Chúng tôi là những người trực tiếp đi giám sát dự án này, có báo cáo gửi QH kỳ họp trước. Khi đó, chính nhờ ý kiến của báo chí, dư luận nên Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt về khâu đảm bảo môi trường đối với bôxit Tây Nguyên. Tôi tin công trình như thế sẽ không để xảy ra sự cố như ở Hungary. Đó là điểm tích cực cần ghi nhận.
Dự án Tân Rai coi như đã xong nhưng với Nhân Cơ, nhiều chuyên gia đang đề nghị tạm dừng bởi nhiều lý lẽ khác nhau. Ý kiến của ông?
- Đây là 2 dự án mà Bộ Chính trị đã cho phép thí điểm. Đã thí điểm thì phải có các tiêu chí, sau đó mới nhân rộng để làm những cái khác nữa. Dự án ở Nhân Cơ chưa xong, cần chỉ ra tiêu chí rõ ràng để sau này khi ra sản phẩm mới thấy được rõ ràng đầu tư như thế, hi sinh như thế thì kết quả ra thế nào, có mang lại hiệu quả xứng đáng không. Còn đang đầu tư mà dừng nửa chừng thì cũng chưa đến được kết luận gì. Nếu giờ Chính phủ thấy có thể kết luận được rõ ràng là mô hình này không hiệu quả thì mới dừng.
Đánh giá thực chất, minh bạch
Trong lúc đang có nhiều ý kiến xới xáo lên câu chuyện khai thác bôxit, theo ông có cần phải đưa ra QH bàn rộng rãi để có quyết định chính xác?
- Rất nên. QH cần thảo luận để từ ý kiến đại biểu, Chính phủ cần có sự tiếp thu, chỉ đạo, điều chỉnh. Nhất là khi bàn về kinh tế xã hội nên đề cập những nội dung còn khúc mắc như thế này, xem như vậy chủ trương đầu tư công, khai thác bôxit có gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… không.
Cá nhân tôi mong bôxit cũng như các vấn đề khác có đánh giá một cách thực chất, minh bạch hóa và khách quan, khẳng định những cái được, chưa được, hướng khắc phục có khả dĩ không chứ không phải đánh giá chung chung. Đã làm như thế đến nay có thể kết luận được gì thì phải nêu rõ.
Tuy nhiên, trả lời báo chí vừa rồi, phía TKV cũng có nêu lý do dự án này không thuộc thẩm quyền quyết định của QH mà đã phân cấp cho Chính phủ nên không cần thiết phải đem ra bàn ở nghị trường?
- Nếu một công trình quan trọng quốc gia mà QH quyết định chủ trương đầu tư thì đương nhiên định kỳ phải có báo cáo, không cần nhắc. Nhưng một dự án có tác động, có dư luận xã hội còn nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau thì vẫn được đưa ra thảo luận trong phiên bàn tình hình kinh tế xã hội.
Trong trường hợp không thuộc dự án QH quyết định chủ trương đầu tư thì thẩm quyền của UB Thường vụ QH cũng là yêu cầu báo cáo để QH rõ. Bôxit là vấn đề dư luận quan tâm, dù không thuộc danh mục dự án bắt buộc phải báo cáo, thẩm tra định kỳ hàng năm nhưng vẫn phải báo cáo khi có yêu cầu.
Ngọc Lê