- Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.


{keywords}

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Bảo

 

Ngay sau công bố của Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc về việc nước này sẽ thi hành lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8 với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam, ngay trong chiều nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối.

Ông Lương Thanh Nghị tuyên bố:

“Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Việt Nam phản đối và coi quyết định đơn phương nói trên của Trung Quốc là vô giá trị"

Theo công bố của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, phạm vi cấm đánh bắt từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông. Như vậy, bãi cạn Scarborough đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines cũng nằm trong phạm vi này.

Lệnh cấm sẽ được áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc lẫn ngư dân nước ngoài, trong đó có các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông giàu tài nguyên.

Kể từ 1999, mỗi năm Trung Quốc đều ban hành lệnh cấm đánh cá mùa hè trong các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Bình luận về lệnh cấm đơn phương từ phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, Philippines không công nhận lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario giải thích rằng, Philippines sẽ không tuân thủ lệnh cấm, bởi Philippines có chủ quyền với một phần vùng biển nơi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm.

“Quan điểm của chúng tôi là không công nhận lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, bởi nhiều khu vực trong lệnh cấm đó bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi”, tờ Philippines Star dẫn lời ông Rosario.

Vài ngày gần đây, Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động lấn lượt ở Biển Đông - nơi Bắc Kinh ngang nhiên yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng biển bất chấp sự chồng lấn với các nước khác.

Trung Quốc đã điều hải đội tàu cá 30 chiếc xuống đánh bắt ở Biển Đông, đồng thời chuyển giàn khoan khổng cùng các thiết bị thăm dò khai thác khép kín xuống vùng biển này hay dùng vòi rồng uy hiếp tàu cá của các nước trong khu vực...

  • L.Thư - T.An