Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình mới đây đã có chuyến thăm đặc biệt tới một căn cứ tàu ngầm, tàu khu trục
tại Tam Á, tỉnh Hải Nam. Giới phân tích coi đó là động thái thúc đẩy tinh thần
và tham vọng của quân đội Trung Quốc (PLA).
Các tin liên quan |
TQ với lá bài quân sự trong tranh chấp hàng hải |
“Tôi muốn tất cả mọi người kết
hợp lý tưởng cá nhân với "giấc mơ tăng cường quân sự", ông Tập nói với lực lượng
hải quân PLA. Lại một lần nữa, ông sử dụng cụm từ "giấc mơ" trong câu
phát biểu thường thấy kể từ lúc nhậm chức, như "giấc mơ Trung
Hoa", hay "giấc mơ phục hưng Trung Quốc".
Các tàu hải quân TQ tại bãi đá James. Ảnh: scmp |
Tại căn cứ Tam Á, ông Tập đã thị sát 11 tàu chiến mới neo đậu ở quân cảng. Phần lớn số này là tàu khu trục loại 054A được trang bị thiết bị cảm biến chống ngầm và những vũ khí tối tân.
Cũng neo đậu ở Tam Á là tàu chiến hải quân mang tên Tỉnh Cương Sơn. Đây là con tàu đổ bộ hiện đại nhất và có tải trọng lớn nhất của Trung Quốc, được thiết kế để tiến hành tác chiến trong hoạt động đổ bộ chiếm giữ đảo.
Điểm nhấn trong chuyến thăm căn cứ quân sự của ông Tập là thị sát một tàu ngầm mới mà giới phân tích nói rất có thể là tàu ngầm hạt nhân loại 94 lớp Kim. Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới có lực lượng tàu ngầm đang phát triển mạnh để theo kịp số lượng và sức mạnh của hạm đội tàu ngầm hải quân Mỹ.
Bắc Kinh coi lực lượng tàu ngầm của họ là nhân tố chìa khóa trong chiến lược ngăn chặn đối với Mỹ và là cánh tấn công chủ chốt trong sức mạnh chiến lược hải quân.
Sự thống trị của hải quân trong tranh chấp Biển Đông là chìa khóa để "phục hưng sự vĩ đại của Trung Hoa", Chuẩn đô đốc Tưởng Vĩ Liệt - chỉ huy Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc nói trong một cuộc phỏng vấn đăng trên nhật báo PLA tháng này.
Theo giới quan sát, một chủ đề tuyên truyền lớn của Trung Quốc là sự phổ biến khái niệm "giấc mơ Trung Hoa" hay "giấc mơ tăng cường quân sự". Tuy nhiên, ngữ nghĩa chính xác của "tăng cường quân sự" lại không hề rõ ràng. Điều này khiến Mỹ trong nhiều năm phải thúc giục các nhà lãnh đạo Trung Quốc làm rõ ý định trong việc củng cố và gia tăng quân sự.
Chỉ huy hạm đội Trung Quốc
Tưởng Vĩ Liệt đã không ngại ngần bộc lộ rõ cảm giác trong việc tuyên bố chủ quyền
hàng hải tại một vùng biển mà nhiều nước khác cũng khẳng định chủ quyền. “Khi
đối mặt với Biển Đông rộng lớn, bạn sẽ thấy lãnh thổ hàng hải của nước chúng ta
trông giống như ngọn đuốc rực lửa", vị đô đốc nói trong bài phỏng vấn ngày 9/4
với nhật báo PLA.
Từ ngày 17/3-1/4, ông Tưởng đã chỉ huy các cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài 16 ngày ở Biển Đông và tây Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên, hải quân PLA điều động một đội tàu chiến đông đảo đến vậy trong cuộc hành trình và phô diễn sức mạnh vòng quanh các vùng lãnh thổ tranh chấp trên biển. Đội tàu của Trung Quốc đã đi tới nơi mà họ gọi là cực nam ở Biển Đông - bãi đá James nằm không xa bờ biển Malaysia (khoảng 80km). Sau đó, đội tàu thực hiện cuộc hành trình qua phía đông tới khu vực họ coi là chuỗi đảo đầu tiên gồm các phần tranh chấp với Nhật Bản, Philippines...
Và, quan chức Trung Quốc giải thích cuộc điều động hải quân này là "đánh dấu lãnh thổ".
Thái An (theo Washingtontimes)