- Khác với nhiều người chọn né tránh đấu tranh, “những kẻ cứng đầu” ấy cảm thấy sự thôi thúc phải đấu tranh lớn hơn và họ đã góp phần vào những bước tiến lịch sử.
Oliver, Linda Brown và bản án lịch sử
Oliver Brown là một thợ hàn, sống ở bang Kansas nước Mỹ. Con gái của Oliver, là Linda phải đi bộ 6 dãy nhà hàng ngày để đón được xe bus đến trường, vì Linda không được phép vào ngôi trường gần nhà mình.
Lý do? Linda là một người da đen và ngôi trường gần nhà là dành cho dân da trắng. Cho đến tận năm 1960, các bang có quyền quy định người da đen không được sử dụng dịch vụ, cơ sở dành cho người da trắng, miễn là bang đảm bảo rằng người da đen cũng có cơ hội tiếp cận các dịch vụ tương đương. Trường của Linda do đó cũng không ngoại lệ.
Là một người luôn muốn dành những điều tốt nhất cho con gái mình, Oliver Brown không chấp nhận sự thật đó. Là một người Mỹ, ông không có thói quen tuân thủ luật một cách mù quáng. Luật ư, nếu nó sai thì phải sửa. Năm 1951, Oliver Brown quyết định kiện Hội đồng Giáo dục thành phố ông sống ra tòa án. Khi đó, Linda mới học lớp ba.
Phải mất tròn ba năm sau với hàng loạt buổi tranh tụng, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ mới ra bản án lịch sử chính thức công nhận phân chia chủng tộc trong môi trường giáo dục là vi phạm hiến pháp về quyền bình đẳng giữa các công dân. Bản án với tên gọi Brown v. Board of Education mở ra một chương mới cho các hoạt động dân quyền về sau. Lúc đó là năm 1954 và khi ấy, Linda đã học lớp bảy, không còn đến ngôi trường gần nhà nữa.
Từ trái qua phải, trên xuống dưới: Elizabeth Eckford trong Bộ 9 Little rock nine, Ruby Bridges, Linda Brown. |
Sự kiện Bộ 9 xáo động chính trường
Ba năm sau ngày phán quyết của Brown, chín học sinh da đen quyết định ghi danh vào học ở Trung học Little Rock Central, một trường vốn dành cho dân da trắng. Lúc này, bất chấp bản án của Tối cao Pháp viện, các tiểu bang vẫn tìm cách để không thực thi nó.
Ngày 4/9/1957, thống đốc tiểu bang Arkansas quyết định gửi Quân đội Vệ binh Quốc gia của tiểu bang Arkansas (quân đội của bang) đến trường trung học Little Rock Central để ngăn chặn 9 học sinh da đen bước vào trường. Nhưng Vệ binh Quốc gia không làm bộ chín này lùi bước. Elizabeth Eckford, 15 tuổi, một thành viên trong bộ chín, đã trở nên nổi tiếng với hình ảnh hiên ngang bước vào trường mặc cho những tiếng la ó, hăm dọa, gạch đá từ những người da trắng phản đối hòa nhập xung quanh.
Nhưng đỉnh điểm của cuộc xung đột tại Little Rock là khi Vệ binh Quốc gia Arkansas quyết định tăng cường lực lượng và phong tỏa trường học ở đây. Chính lúc này, Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Eisenhower, vị đại tướng của Quân đồng minh đổ bộ lên Normandy nước Pháp tròn 13 năm trước, đã ra một quyết định chưa từng có. Ông tuyên bố “liên bang hóa” Vệ binh Quốc gia Arkansas (tức tước quyền chỉ huy lực lượng này từ tay thống đốc bang) và gửi Sư đoàn dù 101, những người anh hùng của Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên, đến Arkansas để hộ tống bộ chín học sinh vào trường.
Trong đội hình của Sư dù 101 năm đó không có bóng dáng lính da đen. Hình ảnh trở thành biểu tượng không kém là khi một tiểu đội lính dù 101 da trắng ôm súng hộ tống bộ chín học sinh từng bước tiến vào trường trong cặp mắt thù địch của những người xung quanh.
Sự kiện Bộ 9 trường trung học Little Rock (Little Rock Nine) đã một lần nữa làm xáo động chính trường Hoa Kỳ và các cuộc thảo luận về dân quyền nhờ đó mà tăng thêm đáng kể.
Ruby Bridges: Không nao núng
Năm 1960, Ruby Bridges trở thành một trong sáu học sinh da đen đầu tiên thi đậu vào trường tiểu học William Frantz vốn dành cho học sinh da trắng ở New Orleans. Kết quả này không làm hài lòng những người dân da trắng ủng hộ phân biệt chủng tộc và gia đình các học sinh nhận rất nhiều lời đe dọa.
Bố của Ruby Bridges cảm thấy rất ngại để cho Ruby đến trường trong tình cảnh như vậy nhưng mẹ của bé thì nghĩ khác. Bà tin rằng làm như vậy không chỉ cho Ruby một môi trường giáo dục tốt hơn mà còn là “cho những đứa trẻ Mỹ Phi khác”.
Kết quả, chỉ mỗi một mình Ruby Bridges đến trường William Frantz.
Ngày cô bé đến trường, rất nhiều người da trắng hăm dọa cô, gào thét, chửi bới, gọi tên cô. Có kẻ còn thề sẽ đầu độc cô. Tình hình nghiêm trọng đến mức tòa án địa phương phải cắt cử ba viên cảnh sát to cao da trắng hộ tống Ruby đến trường.
Toàn bộ giáo viên da trắng trong trường từ chối dạy Ruby Bridges, chỉ trừ cô Barbara Henry. Suốt một năm trời, một cô một trò cùng nhau học trong trường và mỗi bước Ruby đi đều có sự bảo vệ của ba cảnh sát da trắng. Thậm chí, họ còn chỉ cho Ruby ăn thức ăn được chuẩn bị từ nhà do lo sợ cô bị đầu độc. Thật kỳ lạ là đứa trẻ 6 tuổi năm đó không hề nao núng.
Ruby Bridges được ba cảnh sát to cao da trắng hộ tống đến trường |
***
Cả Linda Brown, Ruby Bridges, hay Bộ Chín Little Rock không ai phải chuyển trường.
Tất nhiên, những câu chuyện siêu anh hùng thường cho ta cảm giác họ đương đầu với hệ thống một mình. Nhưng sự thật không phải vậy. Oliver Brown chỉ là một nguyên đơn trong một vụ kiện bao gồm 13 nguyên đơn khác cùng kiện trên toàn cõi liên bang. Ông trở thành đầu đơn chỉ vì tên ông bắt đầu bằng chữ B, đứng trước tên các đồng nguyên đơn khác trong bảng chữ cái.
Vụ kiện của Brown được luật sư Thurgood Marshall, người sau này sẽ trở thành Thẩm phán Tối cao Pháp viện người da đen đầu tiên trong lịch sử, làm đại diện và được tổ chức NAACP hậu thuẫn. Bộ chín ở Little Rock cũng được NAACP giúp đỡ rất nhiều về tinh thần và kĩ năng.
Ruby Bridges sẽ không thể nên người nếu không có cô Barbara Henry và Robert Coles tình nguyện làm chuyên viên tâm lý cho bé. Gia đình của Ruby Bridges có lẽ đã chết đói nếu như bố cô không được một người da trắng trong cộng đồng thuê vào làm sau khi ông bị đuổi việc vì sự việc của Ruby. Và gia đình Ruby chắc sẽ không yên ổn nếu không có những người hàng xóm tình nguyện chăm coi, bảo vệ nhà của cô bé, thậm chí là đi sau lưng xe của cảnh sát chở Ruby để sẵn sàng ứng cứu khi có biến.
Nhưng cho dù NAACP có mạnh mẽ và sự hậu thuẫn của xã hội có lớn đến mấy, những câu chuyện sẽ không bao giờ xảy ra nếu không có sự cố chấp hết mình vì công lý và một nền giáo dục trung thực, cho lẽ phải của những nạn nhân trực tiếp. Nếu nạn nhân né tránh, NAACP cũng không làm gì được. Cùng thời với Brown và Ruby chắc chắn có nhiều gia đình chọn né tránh đấu tranh. Có lẽ Brown, Ruby và bộ chín Little Rock khác những người còn lại là ở chỗ họ cảm thấy sự thôi thúc phải đấu tranh lớn hơn.
Nếu không có người thợ hàn Oliver Brown, sẽ không có bộ chín ở Little Rock. Nếu không có bộ chín ở Little Rock, sẽ không có Ruby Bridges. Nếu không có Ruby Bridges, sẽ không có phong trào dân quyền. Nếu không có phong trào dân quyền, sẽ không có đạo luật Dân quyền, vĩnh viễn bãi bỏ sự phân biệt chủng tộc trên luật pháp ở Mỹ. Và chắc chắn chúng ta sẽ không có Barack Obama. Tất cả, đôi khi chỉ nhờ vào một bước chân đầu tiên của một kẻ cứng đầu.
Lê Nguyễn Duy Hậu
Nữ sinh chuyển trường vì cô giáo im lặng: Cuộc "giải cứu" đau đớn
Dù gia đình làm đơn chuyển trường theo nguyện vọng cá nhân, nhưng việc chuyển trường cho học sinh Phạm Song Toàn là sự thất bại và bất lực của giáo dục.
Trẻ uống nước giặt giẻ lau: Chúng ta quên dạy về lòng tự trọng?
Bạn nghĩ gì khi nghe chuyện một cô giáo lên lớp không giảng bài? Bạn nghĩ gì khi biết một đứa trẻ phải uống nước bẩn từ hình phạt của cô giáo?
Nhà giáo sẽ là người thầy "quyền lực" hay "quyền uy"?
Tại sao học sinh tiểu học Việt Nam lại có tinh thần nhẫn nại và sự chịu đựng bền bỉ đến thế cho dù trong nhiều giờ học giáo viên chỉ đọc đi đọc lại nội dung sách giáo khoa một cách rất nhàm chán?