Liên quan đến bất cập khi thực hiện Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND ngày 5/12/2017 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa (Quyết định số 60) trên địa bàn Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) khẩn trương nghiên cứu đề xuất nội dung điều chỉnh.
Trước khi trình dự thảo, UBND TP.HCM yêu cầu Sở TN&MT cần rà soát, bổ sung thêm nội dung điều kiện không được tách thửa. Trong đó phải quy định rõ, khẳng định những trường hợp nào không được áp dụng tách thửa đất để ngăn chặn việc tách thửa không đúng quy định.
Một vướng mắc khiến Quyết định số 60 gặp khó khăn khi thực hiện là việc giải quyết tách thửa tại những khu đất thuộc khu vực quy hoạch đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới.
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT), quy hoạch đất dân cư xây dựng mới và quy hoạch chức năng sử dụng hỗn hợp nhằm xác định các khu vực ưu tiên kêu gọi đầu tư xây dựng dự án nhà ở, công trình hoặc tổ hợp công trình sử dụng cho nhiều chức năng.
Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư các dự án này cần lập, trình phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 để xác định cụ thể vị trí, cơ cấu, bố cục các chức năng và chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc cho từng hạng mục.
Việc giải quyết tách thửa tại khu vực quy hoạch đất hỗn hợp, xây dựng mới tại TP.HCM còn vướng mắc. |
Quyết định số 60 quy định, trường hợp quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt xác định thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp và có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, để thu hồi thực hiện dự án thì không được tách thửa đất.
Sau 3 năm kể từ ngày rà soát phê duyệt các quy hoạch này, nếu chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và chưa có thông báo, quyết định thu hồi đất mà cơ quan thẩm quyền không điều chỉnh, huỷ bỏ hoặc có điều chỉnh, huỷ bỏ nhưng không công bố, thì được tách thửa đất.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở QH-KT, thời điểm xác định 3 năm như Quyết định số 60 nêu có nhiều quan điểm khác nhau, gây khó khăn trong quá trình thụ lý, giải quyết hồ sơ tách thửa cho người dân.
Trong khi đó, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 lại quy định, đối với quy hoạch phân khu, định kỳ 5 năm kể từ ngày phê duyệt quy hoạch, cơ quan tổ chức lập cần rà soát làm cơ sở xem xét điều chỉnh.
“Việc xem xét tách thửa đất ở, gồm các trường hợp có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đối với đất hỗn hợp, đất xây dựng mới còn nhiều vướng mắc, chưa thống nhất trong quá trình giải quyết nhu cầu cho người dân”, Giám đốc Sở QH-KT chia sẻ.
Về vướng mắc này, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở QH-KT khẩn trương hướng dẫn UBND quận – huyện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện theo quy hoạch được duyệt, để từ đó có hướng xử lý.
Đối với những khu vực quy hoạch không khả thi phải đề xuất điều chỉnh, xóa quy hoạch, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.
Những khu vực quy hoạch đất hỗn hợp còn tính khả thi, thuận lợi để thực hiện chỉnh trang đô thị nhưng chưa chọn được nhà đầu tư, UBND TP.HCM yêu cầu phải đề xuất lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, cụ thể hoá quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.
Với các khu vực quy hoạch đất dân cư xây dựng mới có tính khả thi thì cần đề xuất kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, địa phương phải quản lý trật tự xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng không phép, sai phép, tự ý phân lô hộ lẻ…
Ai chịu trách nhiệm khi tách thửa trái luật, xây không phép tràn lan ở Thủ Đức?
Hàng loạt vi phạm trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn quận Thủ Đức, TP.HCM được chỉ ra.
Phương Anh Linh