Trong năm qua thị trường bất động sản đã chứng kiến nhiều sự kiện nóng từ những cơn sốt đất, tranh chấp chung cư tiếp tục leo thang đến việc chuyển đổi đất vàng và nhiều chính sách khác… Cùng VietNamNet điểm lại những sự kiện bất động sản năm 2018 vừa khép lại.
Rạng sáng 23/3/2018, ngọn lửa bùng phát từ một chiếc xe máy hiệu Attila trong hầm chung cư Carina Plaza ở Quận 8 (TPHCM), sau đó lan rộng thiêu rụi 340 xe máy, 17 ôtô. Vụ hỏa hoạn khiến 13 người chết và gần 100 người bị thương.
Đây là vụ hoả hoạn được coi là nghiêm trọng nhất trong hơn chục năm ở TPHCM, chỉ sau thảm họa cháy trung tâm thương mại ITC năm 2002 khiến 60 người chết.
Vụ cháy cũng là hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy chữa cháy tại các công trình chung cư. Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại khu dân cư.
Năm 2018, thị trường bất động sản điên đảo bởi guồng quay của những cơn sốt giá đất, “oanh tạc” tại nhiều khu vực đặc biệt diễn ra kịch tính tại TP HCM và những nơi dự kiến là đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).
Tại TP. HCM, theo Hiệp hội BĐS TPHCM từ đầu năm 2017 đến tháng 10/2018, đã xuất hiện 2 đợt sốt ảo giá đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép tại một số quận ven và huyện ngoại thành. Đáng chú ý, đất nền tại khu Đông có thời điểm vượt đỉnh cơn sốt đất năm 2017.
Cuối năm 2017 đầu năm 2018, những nơi dự kiến được quy hoạch thành đặc khu đã khiến các nhà đầu tư đổ xô về đây gom đất khiến giá đất tăng chóng mặt với lượng giao dịch tăng gấp nhiều lần.
Tại Vân Đồn, giá giao dịch một số nơi có thời điểm chạm ngưỡng 60 triệu đồng/m2. Cơn sốt xảy ra cả ở những khu vực khu vực đất chưa có sổ, không rõ pháp lý, hoặc đất nông lâm nghiệp chưa chuyển đổi...Tại Phú Quốc có những lô đất chỉ trong vòng một năm tăng tới 18 lần. Tại Bắc Vân Phong giá đất cũng bị đẩy cao gấp 2-3 lần so với năm 2017. Thậm chí có nơi tăng hơn 100 lần mỗi mét vuông trong thời gian 2 năm qua.
Để ngăn chặn cơn sốt đất, cơ quan quản lý ra quyết định dừng giao dịch bất động sản tại cả ba địa phương này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, không để cò đất, xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn.
Đến khi Quốc hội cho biết sẽ chưa xem xét dự án Luật Đặc khu trong kỳ họp tháng 10, thị trường BĐS tại các khu vực này gần như bị đóng băng hoàn toàn, gần như không có giao dịch nào khiến nhiều nhà đầu tư bị mắc kẹt.
Ngày 24/8, Văn phòng Quốc hội cho hay tại kỳ họp thứ 6 diễn ra tháng 10, Quốc hội dự kiến chưa xem xét dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) để tiếp tục xin ý kiến cử tri, nhân dân, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội diễn ra hồi tháng 6, hơn 85% đại biểu tán thành việc lùi thời gian thông qua dự án luật sang kỳ họp thứ 6 (cuối 2018).
Việc lùi thời điểm này để Chính phủ có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp xác đáng; hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh - quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
Năm 2018, nhiều quan chức, cựu quan chức ở loạt tỉnh thành đã phải đối diện với pháp luật khi liên quan các sai phạm liên quan đến đất đai. Có không ít các tướng lĩnh công an, quân đội cũng không tránh khỏi bị kỷ luật do buông lỏng quản lý đất đai liên quan an ninh, quốc phòng.
Tại Đà Nẵng, từ tháng 4/2018 đến nay, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hơn 10 bị can nguyên là lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng và Bộ Công an. Trong đó có ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (giai đoạn 2006 - 2011), ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng...Những người này bị khởi tố vì có liên quan đến việc bán 31 nhà, đất công sản cho Vũ “nhôm”, tức Phan Văn Anh Vũ.
Tại TP. HCM, ông Tất Thành Cang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành uỷ TP.HCM đã bị kết luận sai phạm rất nghiêm trọng trong đó liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm; ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM cùng các thuộc cấp bị khởi tố liên quan đến những sai phạm, gây thất thoát tài sản công liên quan đến đất đai...
Bên cạnh nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo bị khởi tố vì vi phạm quy định về quản lý đất đai, nhiều lãnh đạo ở các tỉnh như: Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Khánh Hoà, Gia Lai... cũng bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
Tại kỳ họp thứ 27 (trong hai ngày 27 và 28/6/2018), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng.
Tại kỳ họp thứ 29 (từ ngày 10/9 đến ngày 12/9), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an (Tổng cục IV) và cá nhân liên quan về các vi phạm đã được kết luận tại kỳ họp 28 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Năm 2018 tranh chấp tại chung cư tiếp tục leo thang đặc biệt tại nhiều chung cư được quảng cáo cao cấp vấn đề tranh chấp cũng xảy ra hết sức căng thẳng như tại chung cư như tại dự án căn hộ cao cấp Artemis số 3 Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội), cư dân và chủ đầu tư dự án Khu trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp Hapulico (Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng xảy ra cuộc chiến kéo dài về vấn đề bầu ban quản trị, chung cư Hòa Bình Green City...
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Xây dựng, tính đến tháng 6, cả nước có 108 dự án chung cư xảy ra tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư. Tỷ lệ xảy ra tranh chấp giữa người mua và người bán theo ước tính có thể lên đến khoảng 30%.
Sau một thời gian phát triển nóng, năm 2018, thị trường căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng kết hợp khách sạn (offictel)… có xu hướng sụt giảm mạnh cả nguồn cung và giao dịch. Hầu hết các điểm nóng về du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…đều có ít dự án mới được phát triển, giao dịch “tụt dốc”.
Nguyên nhân sụt giảm của phân khúc được đưa ra bởi 4 lý do: thứ nhất tính pháp lý cho các căn hộ condotel vẫn chưa được tháo gỡ gây tâm lý e ngại cho giới đầu tư; thứ hai, ngân hàng siết chặt cho vay đầu tư BĐS khiến dòng vốn đổ vào các dự án BĐS nghỉ dưỡng, đặc biệt là condotel bị hụt hơi.
Thứ ba, năng lực phát triển, vận hành dự án BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn còn hạn chế dẫn đến sự ngờ vực của khách hàng có nhu cầu đầu tư lâu dài; thứ tư, giá bán của các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng đã bị đẩy lên mức quá cao trong những năm vừa qua.
Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận kiểm tra vụ khiếu nại của công dân về khu đô thị này. Trong quá trình lập quy hoạch và triển khai, TP HCM đã để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi một số hộ dân sinh sống trên địa bàn, phát sinh khiếu nại gay gắt, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Về ranh quy hoạch, UBND TP điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền; tăng 4,3 ha tại khu phố 1, phường Bình An không đúng quy hoạch. Việc thu hồi đất với phần diện tích 4,3 ha là chưa đủ pháp lý, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khu tái định cư 160 ha thuộc 5 phường cũng có sai phạm trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất. Thành phố giao sai đất dẫn đến thiếu đất tái định cư cho dân.
Sau đó, TP HCM đã nhận trách nhiệm, xin lỗi nhân dân và đang đưa ra hướng xử lý nhằm yên dân, tạo điều kiện tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng Thủ Thiêm thành một khu đô thị hiện đại.
Năm 2018, thị trường BĐS nóng lên khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng thương mại đồng loạt rao bán nợ xấu bất động sản, với giá trị tài sản lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Phát súng đầu tiên là việc VAMC thông báo bán đấu giá cao ốc Saigon One Tower giữa trung tâm TP.HCM để xử lý khoản nợ xấu hơn 7.000 tỷ đồng sau 7 tháng bị thu giữ.
Trong tháng 9/2018, Agribank và VietinBank cũng dồn dập rao bán nợ, phát mãi tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu.
BIDV cũng tìm tổ chức bán đấu giá khoản nợ gần 1.200 tỷ đồng được đảm bảo bởi dự án 584 Lilama SHB Plaza (TP. HCM).
Toà tháp Tokyo Tower tòa nhà cao thứ 3 Hà Nội cũng bị ngân hàng PVcomBank (Hà Nội) siết nợ.
Nội dung: Ban Bất động sản - Thiết kế: Diễm Anh
Sốt đất lan cả nước, dân đầu cơ 'ôm bom' chờ đặc khu
Năm 2018, thị trường bất động sản điên đảo bởi guồng quay của những cơn sốt giá đất, “oanh tạc” tại nhiều khu vực đặc biệt diễn ra kịch tính tại TP HCM và những nơi dự kiến là đặc khu kinh tế.