Nó cần một sự âm thầm, lặng lẽ, kín đáo thì nay lại trở nên có cái gì đó ồn ã, buôn thần bán thánh, phô trương, biến tướng đến phản cảm. Vô tình khiến nó đã đi xa những gì Phật pháp hằng dạy con người chúng ta.
Tôi là người không am tường về mặt tâm linh trong đạo pháp nói chung, cho nên buộc phải tìm hiểu qua sách vở.
Theo luật nhân quả của đạo Phật, việc con người ta cầu cúng cũng không hề đem lại an lạc, cũng không giúp cải thiện trí tuệ và không giúp ta đổi dời được vận mệnh. Có lẽ, chỉ mong qua đó mà tĩnh tâm và nên tự mình tránh đi những điều ác, ráng làm được thật nhiều điều lành. Gieo nhân lành, làm việc phúc đức để giúp chúng ta gặt được nhiều trái ngọt.
Triết lý của nhà Phật thật giản đơn cho mọi con người trên thế gian muốn coi mình là Phật tử, chẳng có gì cao siêu, thần bí.
Chen chân lễ đền Bà Chúa kho. |
Vì vậy, khi đi chùa, chúng ta rất cần tôn trọng những quy định của nhà Phật. Ta không nên chen chân, tỳ vai thích cánh để dâng hương và lễ vật như lâu nay thường thấy, thậm chí còn bò lên đầu người đi lễ, bất chấp tất cả, nhìn rất phản cảm.
Chúng ta cũng không nên đốt quá nhiều hương để tự chuốc khí độc vào môi trường ta đang đứng, đang sống. Một nén hương hay một bó hương, với ai đó, tôi nghĩ cũng là chút lòng thành của mình trước đức Phật, mong được chứng giám, đâu phải cứ thật nhiều mới là lòng thành!
Chúng ta cũng không nên đốt quá nhiều vàng mã tới mức kiểu như ở lễ hội Bà Chúa Kho tại Bắc Ninh. Nó vô cùng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, cụ thể là từ rừng (giấy làm ra từ gỗ, từ tre nứa...).
Báo chí vừa đưa ra một con số khiến chúng ta không khỏi không suy nghĩ, đó là chuyện chỉ riêng tại Hà Nội, mỗi năm người dân đốt một khối lượng vàng mã tương đương 400 tỷ đồng. Và báo chí cũng bình luận, “thực sự chúng ta đã trở thành cường quốc về vàng mã!”. Nghe đã thấy thật buồn thay cho đất nước vốn có truyền thống văn hiến lâu đời như Việt Nam mình.
Có lẽ nào người ta lại nghĩ đốt nhiều hương, nhiều vàng mã, nhiều đồ đạc bằng giấy gửi xuống cõi âm thì mình sẽ gặp nhiều điều tốt đẹp, hy vọng được nhận bổng lộc hơn người khác sao?
Riêng tại Hà Nội, mỗi năm người dân đốt một khối lượng vàng mã tương đương 400 tỷ đồng. |
Chúng ta cũng nên tạo một nếp sống bình dị hơn, nên đi lễ chùa vào những ngày ít người đi và nên đến những nơi còn ít người đến. Người nhà Phật thường khuyên chúng ta như vậy và phải chăng đó mới là đi chùa đúng cách để tìm lại chút bình an cho tâm hồn mỗi người mà ta hướng đến.
Vì thế, mỗi năm, cứ đọc báo lại thấy nói có những ngôi chùa mới, to đẹp hơn ra đời khiến tôi lại càng suy nghĩ. Có thể do phật tử muốn tích đức mà cung tiến xây nên. Điều này cũng tốt thôi. Song không hẳn tất tật số tiền đó đều là những đồng tiền sạch sẽ. Đành rằng, đây cũng là một cách làm để cái tâm của mình thêm an lành, khỏi âu lo.
Khi tôi trao đổi xung quanh vấn đề này với chuyên gia văn hoá, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), chị cho rằng đạo Phật tập trung vào cái tâm sáng, buông bỏ sân si, tích đức để các kiếp luân hồi ngày càng thoát khỏi bể khổ. Việc xây chùa to, đốt nhiều mã, cầu cúng liên miên là không theo tinh thần đạo Phật, thậm chí là tích "nghiệp", mà nghiệp này sẽ càng ngày càng nặng thêm, vì con người càng ngày càng khao khát danh vọng, tiền tài, địa vị. Phật tại tâm, nên việc đốt vàng mã là không phải hướng đến Phật, mà để thoả mãn sự ham muốn ở thế giới trần tục của con người. Thứ nữa, việc làm chùa to, phủ lớn thể hiện tâm lý của xã hội mà đồng tiền chiếm vị trí thống soái, tâm lý thích "hoành tráng".
Cách đây dăm năm, ở một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng có xảy ra một câu chuyện rất khó lý giải. Ngôi đền này được xây dựng cũng là từ gốc gác có sẵn nhiều thế kỷ để thờ Đức Thánh Trần. Thế nhưng nó rất nhỏ và xuống cấp. Người dân cung tiến dần dần nhiều năm, sau cũng tích cóp được khá nhiều. Nhưng có một người cung tiến “một nhát” đã chiếm quá nửa kinh phí (40/70 tỷ đồng), đủ xây đền mới khang trang, nên ông ta đòi được giành lấy xây phần chính điện.
Đến khi làm xong giai đoạn một, Ban quản lý đền mời ông về thúc chuông do vừa được đúc xong. Nào ngờ đâu, ông vừa mới thúc chuông thì cái dùi gõ chuông bằng thân gỗ nhập khẩu gốc Nam Phi đục đẽo rõ công phu bỗng nhiên nứt thớ toác ra trước sự kinh hãi của nhiều người dự. Họ không thể biết tại sao khúc gỗ lim to đã được lựa chọn rất kỹ lại có thể vỡ được.
Về sau, khi chính thức khánh thành đền, vị tài trợ nọ không về được vì trước đó nhiều năm bị lâm trọng bệnh, lúc đó đã ở giai đoạn cuối. Ngày đó, chuyện về ông ta cũng đang lùm xùm do dính vào một vụ bê bối khá đình đám. Thế là người dân nơi này bàn tán, bình luận đủ chuyện. Họ bảo rằng, có lẽ do ông ta cung tiến “tiền bẩn” nên Thánh “chê”, không nhận (!!).
Tôi cũng không tin chuyện kỳ bí này nhưng đó lại là chuyện có thật.
Chùa Tam Chúc (Hà Nam) lớn nhất thế giới chưa xây xong đã có hàng vạn người tới lễ. |
Tôi thấy không hề vui và không hề cảm thấy tự hào khi hay tin rồi đây nước ta sẽ có một ngôi chùa lớn nhất thế giới được xây dựng. Là bởi Việt Nam đâu phải Thánh đường của Giáo hội Phật giáo thế giới, nên cần phải có chùa lớn đến vậy trên mảnh đất chỉ với hơn 90 triệu dân này.
Tôi và chúng ta cần (và cả mong mỏi nữa), có chăng, đó là nước ta sắp tới sẽ có những nhà hảo tâm tự nguyện xây dựng một bệnh viện công nghệ cao cấp hiện đại nhất thế giới phục vụ cho cả người nghèo thì ý nghĩa hơn nhiều (bằng cách thu tiền của người giàu bù đắp sang hoạt động từ thiện)...
PGS Phạm Quỳnh Phương cũng không hoàn toàn đồng tình với quan điểm tôi vừa đề cập trên đây mà cho rằng, chỉ khi nào mình bỏ được cái ý tưởng muốn cái gì cũng phải "nhất thế giới" đi, thì lúc đó con người ta mới có thể sống chậm lại, biết trân trọng và vun đắp cho những gì mình đang có, biết quan tâm đến giá trị hơn là tầm vóc, mới hạn chế được những tiêu cực của một xã hội lấy đồng tiền và sự giàu có về vật chất làm thang đo. Việc thực hành tôn giáo tâm linh chỉ là sự thể hiện những khủng hoảng của một xã hội lấy danh vọng và đồng tiền làm thang đo. Đây là điều rất không tốt – PGS Phương bày tỏ.
Tôi cũng chưa bàn đến chuyện người đứng ra xây đền chùa sẽ dùng nguồn kinh phí nào, có minh bạch không và sau đó người đứng ra thu chi của những ngôi đền, chùa như thế rồi sẽ tính sao? Vì theo tôi biết, Nhà nước cũng không thể thu từ nguồn này được một cắc nào. Việc đó xin được đề cập ở một bài khác.
Còn việc đất nước mình ngày một có thêm nhiều đền, chùa, tôi nghĩ không hẳn đã là điều hay. Bởi lẽ nó càng chứng tỏ dân mình vẫn còn đang đắm chìm vào những hy vọng đổi đời bằng thứ tâm linh không có thật, ảo tưởng và mê tín. Điều này hoàn toàn không phải như Phật dạy chúng sinh. Nó hoàn toàn mơ hồ vì không bằng tự thân động não, động tay chân để có cuộc sống tốt hơn. Ở một góc độ nào đấy, tôi nghĩ đó là điều rất không tốt, rất không lành mạnh khi mà con người chúng ta đã và đang hồ hởi bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Theo Dân Việt
Nhập nhèm phía sau ngôi chùa lớn nhất thế giới
Chùa Tam Chúc, dự án tâm linh 5.000ha, do “đại gia” Xuân Trường làm chủ đầu tư, chưa hoàn thành đã mở cửa đón khách gây nhiều ý kiến trái chiều.