Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Quy định rõ trường hợp dự án, công trình được miễn giấy phép xây dựng để tránh bị lạm dụng
Luật Xây dựng ban hành năm 2014, có hiệu lực năm 2015, sau hơn 4 năm thực hiện đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng.
Tuy nhiên, cùng với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động hội nhập quốc tế, một số nội dung của Luật đã bộc lộ không ít hạn chế. Vì vậy, Luật Xây dựng năm 2014 cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Theo các đại biểu, về cơ bản, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật có tính khả thi cao. Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát thêm về tính khả thi, tính cụ thể như: phân loại, cấp công trình xây dựng; xây dựng công trình cấp bách; quản lý trật tự xây dựng; quy định trách nhiệm của các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng công trình; bổ sung chế tài để nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng…
Vấn đề được cho nhiều ý kiến là quy trình cấp giấy phép xây dựng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, thời gian cấp giấy phép còn dài; còn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, không đúng giấy phép; tình trạng được cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường hay Chứng nhận thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy; việc thực hiện quyết định phạt vi phạm hành chính nhiều nơi còn chưa quyết liệt, triệt để.
Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định việc miễn giấy phép xây dựng với đối với các công trình đã được thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, quy trình cấp giấy phép đã đơn giản hơn, bỏ bớt các công đoạn không cần thiết.
Bên cạnh đó là quy định rõ trường hợp dự án, công trình được miễn giấy phép xây dựng để tránh bị lạm dụng, buông lỏng quản lý; rà soát, bổ sung quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng và thực hiện nghiêm kỷ cương trong quá trình tổ chức triển khai.
Một trong những vấn đề khác được nhiều đại biểu cho ý kiến tại các cuộc thảo luận tổ là về các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, chung cư, khu đô thị.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn) dẫn chứng tình trạng quá tải các nhà cao tầng trên đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Nội) và cho rằng đây là "điển hình mâu thuẫn" giữa Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch hiện hành. “Anh làm quy hoạch cứ làm, còn kết cấu hạ tầng giao thông như thế nào không cần biết.
Vì vậy mới xảy ra tình trạng cả trục đường thiết kế ban đầu rất đẹp, nhưng rồi bao nhiêu nhà cao tầng mọc lên, xảy ra ùn tắc giao thông triền miên” - đại biểu nói, đồng thời cho rằng, luật cần giải quyết được những vướng mắc tồn tại trong thực tiễn.
Cũng về đầu tư xây dựng các khu đô thị, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, việc hình thành các khu đô thị đã có quá trình phát triển lâu dài tại nước ta. Pháp luật về xây dựng hiện hành cũng đã điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng các khu đô thị.
Đây là một loại dự án đầu tư xây dựng nói chung nhưng có đặc điểm khác biệt như đa dạng về hình thức và mục tiêu đầu tư, thời gian triển khai dài, nhiều công trình có công năng phục vụ hỗn hợp, có quy mô lớn, có yêu cầu cao về tính đồng bộ kết nối hạ tầng, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội khu vực đầu tư...
Trên thực tế có một số dự án xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang khu đô thị... đang gặp vướng mắc về đồng bộ kết cấu hạ tầng, bàn giao, quản lý vận hành, khai thác dẫn đến chậm triển khai và đưa công trình vào sử dụng dẫn đến lãng phí tài nguyên và nguồn lực, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân.
Khó khăn chủ yếu là trong pháp luật hiện hành thiếu quy định về lập, thẩm định dự án đầu tư xây dựng có nhiều công trình với công năng khác nhau và nghiệm thu, bàn giao công trình thuộc dự án.
Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn này, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng bổ sung các quy định liên quan đến dự án đầu tư xây dựng khu đô thị cũng là điều hợp lý.
Cho ý kiến về việc sửa đổi luật, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết đây là luật liên quan tới rất nhiều luật, trong đó có nhiều luật đang chờ trình Quốc hội xem xét, vì vậy cần phải tính toán rất kỹ các quy định, tránh chồng chéo, gây mâu thuẫn pháp luật.
Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng có văn bản gửi đại biểu Quốc hội chỉ rõ dự thảo luật liên quan hay chồng chéo với những luật nào.
Sửa đổi luật nhằm thích ứng biến đổi khí hậu
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Luật Phòng, chống thiên tai có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2014. Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007.
Hai Luật này cùng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai, quản lý đê điều.
Hai luật cơ bản phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo an sinh, xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành hai luật, điều kiện kinh tế - xã hội trong nước, quan hệ quốc tế đã có nhiều thay đổi, nhận diện và diễn biến tình hình thiên tai và yêu cầu thích ứng biến đổi khí hậu rõ nét hơn nên một số quy định tại hai Luật hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay.
Về phạm vi sửa đổi, dự án Luật được Chính phủ trình Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung tại 23 khoản tại 19/47 Điều của Luật Phòng, chống thiên tai và 8/48 điều của Luật Đê điều.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, có một số vấn đề cần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế và yêu cầu phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều trong tình hình mới như: Các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng; Huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn lực tài chính từ khu vực doanh nghiệp cho công tác phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều; Cơ chế khai thác lợi ích từ việc đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai, đê điều để đầu tư trở lại cho công tác phòng, chống thiên tai; Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuyên môn hóa nguồn nhân lực trong phòng, chống thiên tai; Áp dụng khoa học- công nghệ trong phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều để tạo sự chủ động trong quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực cho phòng, chống thiên tai…
Tại các tổ thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với việc sửa đổi 2 Luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần thể hiện rõ nét hơn một số nội dung như: Đổi mới nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai “đặt yêu cầu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu… ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển”; Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai đến năm 2030 đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực; nâng cao năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; Tập trung đầu tư công trình phòng, chống thiên tai, công trình đê điều; huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này…/.
Theo TTXVN
Cấm để xe dưới hầm chung cư, Hà Nội, TP.HCM ‘vỡ trận’ bãi gửi xe?
Theo PGS. TS Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), sẽ còn lâu dài chúng ta mới tính đến việc hạn chế để ô tô dưới tầng hầm chung cư, cao tầng.