-Thông tin 77 dự án tại TP.HCM đang bị thế chấp ngân hàng đang gây tâm lý hoang mang với nhiều khách hàng. Tuy nhiên, đây có phải điều đáng ngại và người dân cần phải làm gì khi biết chuyện này?

Trong 1 buổi hội thảo về bảo vệ quyền lợi người mua nhà mới đây, nhiều doanh nghiệp và nhà quản lý đều nhìn nhận thực tế, khoảng 90% các dự án bất động sản hiện nay đều thế chấp để vay vốn xây dựng. Ông Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư VietHome, đặt nghi vấn, nếu khi công bố mà hầu hết dự án đều thế chấp thì có giải quyết được vấn đề gì hay không?

“Cái gốc của vấn đề là phải làm sao có hành lang pháp lý chặt chẽ giữa chủ đầu tư, ngân hàng và khách hàng. Nếu chủ đầu tư vay nhưng vẫn làm tốt và có thêm nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ thì càng có lợi cho khách hàng. Nếu việc công bố thông tin không khéo léo có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực” - ông Đào đánh giá.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Trần Thái Bình, Công ty Luật LNT & Partner, cho rằng, công bố thông tin để làm minh bạch thị trường là tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là nói dự án nào, của ai, thế chấp ở đâu, từ lúc nào… như các thông tin vừa qua của cơ quan chức năng thì chỉ có hại nhiều hơn là có lợi.

{keywords}

Thế chấp dự án là hoạt động bình thường của chủ đầu tư

“Theo quy định pháp luật thì chủ đầu tư được phép thế chấp dự án hình thành trong tương lai để vay vốn. Qua đó, ngân hàng cũng đã có thẩm định tính khả thi của dự án rồi mới cho vay. Do vậy, chủ đầu tư có thế chấp dự án hay không, không phải điều đáng lo ngại. Điều người dân cần biết là căn hộ họ mua có bị thế chấp hay không?

Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản đã quy định, chủ đầu tư dự án trước khi bán nhà hình thành trong tương lai, phải nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng để cơ quan này xác nhận đáp ứng đủ điều kiện huy động vốn. Trước khi bán căn hộ, chủ đầu tư cũng phải làm thủ tục giải chấp căn hộ đó tại ngân hàng và phải có ngân hàng bảo lãnh. Do vậy, quy định pháp luật hiện rất chặt chẽ trong việc này.

Nếu cơ quan nhà nước muốn hỗ trợ người dân thì cần tạo cơ chế thuận tiện hơn nữa, để người dân có thể kiểm tra, cập nhật xem trong những dự án đang thế chấp, thì căn nào đang thế chấp, căn nào đã giải chấp… chứ không phải cung cấp thông tin chung chung gây hoang mang.

Những người đã mua nhà hoặc sắp mua nhà nên làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu họ cung cấp văn bản của cơ quan chức năng hoặc văn bản của ngân hàng, nơi chủ đầu tư thế chấp dự án, chứng minh căn hộ của họ không bị thế chấp. Còn chuyện chủ đầu tư thế chấp những phần còn lại, theo quy định, không phải là yếu tố đáng quan ngại” - Luật sư Bình phân tích.

Một thực tế khác đang diễn ra là, có chủ đầu tư phải thế chấp dự án, để làm thủ tục bảo lãnh cho khách hàng, theo quy định của Điều 5, Luật Kinh doanh Bất động sản, nhưng không vay vốn. Ông Lê Hoàng Châu, dẫn trường hợp của Công ty Gia Hòa, chủ đầu tư dự án The Art (Q.9) là ví dụ điển hình. Đến nay, dự án vẫn thi công với tiến độ tốt dù không vay vốn, đó là tín hiệu tốt. Nhưng khách hàng chỉ nghe loáng thoáng dự án đang thế chấp mà không nắm thông tin cụ thể thì họ có thể nghĩ khác.

“Việc chủ đầu tư thế chấp dự án là điều hết sức bình thường và nên chủ động công khai chi tiết, tránh trường hợp công bố thế chấp nhưng không rõ là thế chấp phần nào. Điều này hoàn toàn không phải là tiêu chí đánh giá uy tín năng lực của chủ đầu tư mà phải xem thực tế các dự án họ đã và đang triển khai.

Mặt khác, dự án đã thế chấp không có nghĩa là chủ đầu tư không được bán. Ngân hàng cũng cần thu về dòng tiền, nên nếu ngân hàng cho phép chủ đầu tư bán và kiểm soát dòng tiền này thì chủ đầu tư vẫn được phép bán. Do vậy, khách hàng hoàn toàn yên tâm, khi chủ đầu tư thực hiện việc huy động vốn theo đúng quy định” - ông Châu nói.

Quốc Tuấn