Xuân Cầu thế chấp hơn 31.000m2 đất dự án Xanh Villas
Tại thông báo số 10086/TB-VPĐKĐĐ-TTLT ngày 29/8, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, chủ đầu tư dự án Xanh Villas thuộc xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội) đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất vào ngày 29/8/2019.
Bên nhận thế chấp là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa.
“Tài sản thế chấp là quyền sử dụng 5 thửa đất tại dự án Xanh Villas, gồm: Thửa 115, 114, 119, 120, 117 với tổng diện tích thế chấp là hơn 31.000m2”, thông báo của Văn phòng Đăng ký đất đai nêu rõ.
Công ty Xuân Cầu thế chấp ngân hàng quyền sử dụng 5 thửa đất tại dự án dự án Xanh Villas (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất). |
Được biết, dự án Xanh Villas có tổng diện tích gần 50ha được chia thành 3 khu A, B, C với hơn 400 biệt thự đơn lập và song lập có diện tích từ 200m2 đến hơn 1000m2. Đây là dự án đầu tay của Công ty Cổ phần đầu tư Xuân Cầu khi công ty này từ việc kinh doanh xe máy đã lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, xây dựng vào năm 2006.
Dự án Xanh Villas đã nhận giải thưởng ở hạng mục “Dự án công trình xanh tốt nhất 2018” của Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018.
Ngoài ra, tại thông báo số 10129/TB-VPĐKĐĐ-TTLT ngày 29/8, Văn phòng Đăng ký đất đai cũng đã thực hiện đăng ký thế chấp 384 căn hộ nhà ở hình thành trong tương lại thuộc tòa NO2 và NO3 dự án đầu tư xây dựng nhà ở Ecohome 3 ở phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House).
Tài sản thế chấp là 384 căn nhà ở hình thành trong tương lai thuộc tòa NO2 và NO3 gồm nhà ở xã hội, nhà cho thuê và nhà ở thương mại tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Nam Thăng Long.
Tập đoàn Nam Cường liên tục mang đất "cắm" ngân hàng
Trước đó, tháng 6/2019, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường đã thế chấp quyền sử dụng 2 thửa đất thuộc Khu đô thị mới Dương Nội tại Ngân hàng TMCP Quân đội – chi nhánh Hoàng Quốc Việt. 2 thửa đất số 33, 39 khu S-04 Khu B Tập đoàn Nam Cường thế chấp có diện tích hơn 8.600m2.
Năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng công bố danh sách chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội đang thế chấp bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai.
Khu đô thị mới Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) của Tập đoàn Nam Cường sau 10 năm vẫn còn nhiều hạng mục chưa được hoàn thiện.
|
Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường thế chấp quyền sử dụng đất đối với 6 thửa đất tại Yên Nghĩa và La Khê (Dương Nội, Hà Đông). Bên cạnh đó, Nam Cường cũng thế chấp quyền sử dụng đất đối với 27 thửa đất tại Khu Đô thị mới Dương Nội (khu A), thế chấp bằng quyền sử dụng đất Khu đô thị mới Dương Nội (quận Hà Đông).
Khu đô thị mới Dương Nội rộng hơn 197 ha, có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng do Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ năm 2008.
Tuy nhiên, đến nay dự án Khu đô thị mới Dương Nội vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện, nhiều khu đất vẫn bỏ hoang, chưa được triển khai xây dựng.
Cũng trong tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh đã thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là dự án nhà ở phía Đông hồ Nghĩa Đô, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (tên thương mại là dự án D’.Palais de Louis). Bên nhận thế chấp là Ngân hang TMCP Sài Gòn – Hà Nội – Chi nhánh Vĩnh Phúc.
Dự án tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội (đối diện công viên Nghĩa Đô) được giới thiệu là “căn hộ đế vương” dát vàng với những nội thất đẳng cấp thế giới. Dự án có 242 căn hộ với diện tích mặt bằng căn hộ từ 120 – 260m2 và 2 căn Penthouse rộng hơn 1000m2.
Vào khoảng cuối năm 2009, Tân Hoàng Minh khởi công dự án D’.Palais de Louis. Dự án từng gây xôn xao thị trường khi mỗi m2 căn hộ được rao bán với giá trên 145 triệu đồng.
Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ khá lâu so với ban đầu chủ đầu tư tuyên bố. Liên lục phải giãn tiến độ khiến năm 2014, Tân Hoàng Minh phải trả lại tiền đặt cọc cho khoảng 60 nhà đầu tư do tiến độ không như cam kết. Đến khoảng năm 2016, D’. Palais de Louis - Nguyễn Văn Huyên mới tiến hành mở bán trở lại.
Việc chủ đầu tư mang dự án đi thế chấp không còn là chuyện mới trên thị trường. Hàng loạt dự án có thế chấp ngân hàng đã được cơ quan chức năng công bố thời gian qua. Theo nhiều chuyên gia, đây là việc hết sức bình thường bởi để có nguồn tài chính xây dựng dự án, hầu như chủ đầu tư nào cũng mang dự án đi thế chấp.
Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi hiện nay đang tồn tại một thực tế là nhiều doanh nghiệp vô tư bán nhà đã thế chấp cho khách hàng mà không thực hiện giải chấp, dồn khách hàng vào cảnh dở khóc dở cười trước nỗi lo mất nhà.
Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo, trước khi xuống tiền, người mua cần tự tìm hiểu kỹ về dự án và năng lực, uy tín của chủ đầu tư.
Đồng thời, để hạn chế tối đa những rủi ro mà khách hàng phải gánh chịu, cần minh bạch, công khai thông tin những dự án đang bị thế chấp. Việc công khai phải rõ ràng,chi tiết và cập nhật thường xuyên để người dân nắm rõ chứ không phải công khai một cách chung chung, chỉ nêu mỗi tên dự án.
Điều 147, Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/7/2015 có quy định, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Thông tư 26/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ rõ: Chủ đầu tư được thế chấp dự án hoặc nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai trên thửa đất ở hợp pháp của mình được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở đó. Tuy nhiên, theo quy định, trước khi bán căn hộ hình thành trong tương lai đã thế chấp ngân hàng, chủ đầu tư có trách nhiệm phải thực hiện giải chấp hoặc được ngân hàng có văn bản chấp thuận cho bán. Người mua nhà cần chú ý điểm này để tránh rủi ro khi mua các sản phẩm nhà ở, bất động sản. |
Hồng Khanh
Loạt ‘ông lớn’ mang dự án ở Hà Nội đi 'cắm' ngân hàng
Trong đó, có một loạt “ông lớn” bất động sản như Hải Phát, Nam Cường, Thủ Đô Invest, Văn Phú Invest, Cty TNHH Gamuda Land Việt Nam...