Ước mơ an cư chôn chân trong những căn hộ chưa hình thành

Mong muốn mua được một căn hộ giá rẻ, phù hợp với nhu cầu tài chính của gia đình nên nhiều cặp vợ chồng ở TP.HCM chọn lựa mua những căn hộ tại dự án mới bắt đầu mở bán để đỡ một khoản tiền chênh lệch. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua hàng trăm hộ gia đình ở TP.HCM dù đã bỏ tiền tỷ vào các dự án chung cư đang xây nhưng lại rơi vào cảnh nhà không có mà tiền cũng nằm im trong các khối bê tông phơi mưa phơi nắng nhiều năm liền.

Điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Văn T. (ngụ quận 2, TP.HCM) mua một căn hộ tại quận 8 vào đầu năm 2017. Thời điểm đó vợ anh T. đang mang thai đứa con đầu lòng, tiền bạc không dư dả nhưng vì khát khao có nhà nên vợ chồng anh T. cũng vay mượn đóng cho chủ đầu tư khoảng 20% số tiền, sau đó ít tháng sau đóng thêm 30% nữa để hưởng chiết khấu, tổng số tiền đã đóng khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, dự án từ khi mở bán cho đến nay đã được 3 năm nhưng vợ chồng anh T. vẫn chưa có nhà. Con gái đầu lòng của anh T. giờ đã được gần 3 tuổi, vợ anh T. đang mang thai thêm bé thứ 2 nhưng cả nhà vẫn phải dắt díu nhau đi ở nhà thuê. Trong khi số tiền đã đóng cho chủ đầu tư thì khó đòi lại nên anh T. cũng không thể mua nơi nào khác mà đành cắn răng chờ đợi thêm.

“Mua nhà bây giờ như đi đánh cược vậy, chả ai biết đường nào mà lần. Giờ không mua những dự án đó thì dân cũng chẳng có tiền mà mua những chung cư xây xong rồi. Mà chung cư đã sử dụng rồi đâu phải chỗ nào cũng có thể mua, chỗ thì tranh chấp phí bảo trì, chỗ thì không có sổ đỏ, chỗ thì xuống cấp nước tràn lênh láng ra cầu thang nên chúng tôi đành chấp nhận chờ thôi”, anh T. than thở.

{keywords}
Khách hàng căng băng rôn đòi nhà tại dự án Park Vista

Tương tự như trường hợp của vợ chồng anh T. là chị Nguyễn Thị Hương (ngụ quận Tân Bình) kể rằng cuối năm 2016, vợ chồng chị mua căn hộ chung cư tại quận Bình Tân. Tuy nhiên, hiện tại chủ đầu tư dự án vướng tranh chấp Hợp đồng phân phối sản phẩm với một công ty khác nên dự án đang bị phong tỏa. Thời gian qua, vợ chồng chị Hương phải bỏ công bỏ việc đi đòi nhà nhưng hiện tại chủ đầu tư vẫn chưa giải quyết xong vụ việc tranh chấp nên vợ chồng chị vẫn phải ở nhà thuê, hàng tháng vẫn phải ôm thêm một khoản tiền lãi từ lần vay tiền mua chung cư vào năm 2017.

“Biết là rủi ro đó nhưng phần đa khách hàng vẫn phải nhẫn nhịn chờ đợi chứ không dám lên tiếng tố chủ đầu tư. Ai cũng muốn có nhà, chủ đầu tư thì hứa lần lữa mãi. Họ nói cuối năm nay có nhà nhưng tôi thấy tranh chấp vẫn còn phức tạp nên có lẽ còn rất lâu mới được nhận bàn giao”, chị Hương kể.

Hay trường hợp của anh Trần Văn Quang, mua một căn hộ chung cư ở quận 4 vào đầu năm 2017, đã đóng cho chủ đầu tư 60% (tương đương gần 1 tỷ đồng) nhưng đến nay dự án chưa xây xong móng vì vướng thủ tục pháp lý. Hàng tháng vợ chồng anh Quang vẫn phải trả tiền thuê nhà, trong khi đó căn nhà mà vợ chồng anh ao ước rằng đến năm 2020 sẽ được dọn vào ở đến nay vẫn chưa hình thành.

Nan giải bài toán ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng vẫn chấp nhận đánh cược

Theo phân tích của các chuyên gia, rủi ro này đến từ việc khách hàng do quá cần nhà, lại ưa giá rẻ nên thường bỏ qua yếu tố pháp lý, chấp nhận đóng tiền cho chủ đầu tư dù biết rõ nhiều dự án chưa chưa đủ điều kiện mở bán. Khi xảy ra chuyện thì mọi sự đã rồi, khách hàng chỉ còn biết phó mặc cho số phận. Có những dự án sau khi nhận tiền của khách hàng thì 8-10 năm sau mới xây xong nhà. Có những dự án đứng luôn tại chỗ 3-5 năm. Một số chủ đầu tư trả lại tiền cho dân nhưng một số dự án vì đã thế chấp ngân hàng, chủ đầu tư cũng hết khả năng chi trả nên mọi rủi ro đều là khách hàng phải gánh chịu.

Trong khi đó, nhiều loại hợp đồng khách hàng đã ký thực chất là sự biến tướng từ Hợp đồng mua bán căn hộ. Dự án chưa đủ tính pháp lý, chưa được nghiệm thu phần móng để thực hiện Hợp đồng mua bán căn hộ nên khách hàng thường phải ký một loại hợp đồng có tên là Hợp đồng giữ chỗ, Hợp đồng đặt cọc… nên có muốn kiện tụng cũng vô cùng khó khăn. Thậm chí, nhiều luật sư sau khi tiếp nhận những vụ kiện liên quan đến Hợp đồng mua bán căn hộ cũng phải lắc đầu.

Theo kinh nghiệm của Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, một điều đáng nói là trên thực tế nhiều người không phải không hiểu Luật hay không tìm hiểu pháp lý nhưng vẫn quyết lao vào vì nhu cầu cần nhà quá cấp thiết. Nhiều người biết rõ một số dự án thậm chí còn chưa có GPXD nhưng vẫn mua. Bên cạnh đó, một số khác lại có suy nghĩ mua để đầu cơ lướt sóng, chờ cơ hội bán ra kiếm lời để đủ tiền mua những căn hộ khác đã xây sẵn. Do đó, họ quyết liều một ván cờ với hy vọng mọi việc êm xuôi thì sẽ có nhà trong vài năm.

“Nếu muốn không rơi vào những trường hợp trên thì chỉ còn cách là ngồi chờ đến khi nào đủ tiền mới mua nhà. Nhưng góp được đủ tiền thì nhà tăng giá quá cao rồi làm sao mua được nữa.

Cứ thế khách hàng vẫn cứ chấp nhận lao đầu vào mua thôi. Khổ nhất là người ít tiền dành dụm cả đời mới mua được rồi lại bị chôn tiền vào các dự án đó. Giờ tôi mua thì cũng giống họ, tự mò và phán đoán, chả ai siêu sao với thị trường này được”, Luật sư Trần Đức Phượng nói.

Khánh Hòa

Khách hàng Green Town Bình Tân ‘ngồi trên đống lửa’ vì chủ đầu tư né tránh thi hành án

Khách hàng Green Town Bình Tân ‘ngồi trên đống lửa’ vì chủ đầu tư né tránh thi hành án

Công ty TNHH IDE Việt Nam (Công ty IDE) chây ì thi hành án khiến khách hàng tại dự án Green Town Bình Tân gặp nhiều rủi ro.