Ở nhiều địa phương, các suất đất dự án thường được mua trước bằng quan hệ. Song, có nhiều người còn có thể nhận suất mà chưa phải trả tiền. Nhận xong, bằng quan hệ và sự uy tín lại có thể rao bán lại ngay lập tức để hưởng chênh lệch.
Cách đây 1 năm, anh D.C. (Hải Dương) nhờ quan hệ và uy tín trong khu vực đã được mua đất thuộc dự án khu đô thị mới tại Hải Dương. Trong đó, anh C có 2 suất đất ưu tiên và 3 suất ki-ốt chợ.
Song, lúc đó, anh C mới chỉ đăng ký chứ chưa thanh toán tiền cho chủ đầu tư. Thậm chí, anh C còn thiếu nhiều tiền, nhưng do được ưu tiên nên anh vẫn nhận.
Theo anh C, dự án lúc đó còn rất mới, nhưng do sóng đầu tư nên rất nhiều người nhảy vào tìm mua.
“Do khu đô thị nằm ngay trung tâm, nên trong một cuộc nhậu với bạn bè, có người biết được tôi vừa đăng ký mua được tại đó thì sẵn sàng trả thêm 300 triệu đồng để mua tại hết”, anh C nói và chia sẻ thêm, tưởng câu chuyện vui trên bàn nhậu, nhưng hôm sau, người bạn đó đã cầm 300 triệu đồng tiền mặt đến năn nỉ anh bán lại.
Quá bất ngờ, nhưng anh C nhẩm tính, 2 suất đất và 3 suất chợ phải trả một số tiền không nhỏ. Nếu vay mượn để thanh toán thì ngoài tiền lãi, anh C còn phải gánh thêm rủi ro giá đất không tăng, thậm chí giảm trong tương lai nếu đây là dự án “xịt”.
“Tôi biết có nhiều dự án ở Hải Dương, lúc mới mua rất “hot”, nhưng để hàng chục năm mới bán được. Suốt 10 năm đó, không chỉ phải gánh lãi vay ngân hàng, khi bán cũng lỗ vài trăm triệu đồng”, anh C cho hay.
Vì thế, anh C đã quyết định bán “lúa non” để ăn chênh lệch ngay 300 triệu đồng.
Không riêng anh C, chị H (Hà Nam) cũng rất có uy tín và có quan hệ rộng tại địa phương. Do đó, việc chị H đầu tư vào khu đất nào rất được nhiều người quan tâm.
Không ít người cho rằng, những nơi chị H mua đều là nơi sẽ có biến động trong tương lai và gần như sẽ theo chiều hướng tích cực. Do đó, nhiều người thường hỏi mua lại đất của chị H để "hưởng lộc".
Thậm chí, theo chị H, có lần khi vừa đi tập thể dục về, chị vô tình ngắm được mảnh đất đẹp nên quyết định đặt cọc 50 triệu đồng để mua. Chỉ sáng hôm sau, đã có người biết được thông tin và ngỏ ý mua lại với giá 850 triệu đồng.
“Tính ra, tôi lãi không miếng đất đó 150 triệu đồng. Không phải miếng đất nào tôi kinh doanh cũng có may mắn đó, nhưng cũng không ít lần tôi được lộc như vậy”, chị H chia sẻ thêm.
Thời điểm sốt đất cách đây 2 - 3 năm, anh M.D (Hải Dương) đã trúng quả lớn khi mua đất tại một khu đô thị ở Hải Dương. Lúc đó, anh D cũng nhờ uy tín mua được 1 lô đất trong khu đô thị tại một huyện.
Giá trị lô đất thời điểm đó chỉ khoảng 600 - 700 triệu đồng. Nhưng chỉ sau 2 năm, giá đã tăng lên 1,3 tỷ đồng và 1 năm sau nữa thì tăng lên gần 2 tỷ đồng.
“Khu đất nằm ngay giữa trung tâm huyện nên rất nhiều người tranh mua. Được anh em quý mến nên tôi mới dễ dàng mua được. Số tiền lãi của miếng đất lúc đó khiến tôi thực sự bất ngờ”, anh D nói.
Uy tín trong công việc là một thứ tài sản vô hình, nhưng đôi khi, nó cũng tạo ra giá trị đáng kể cho những người biết tận dụng cơ hội.
Theo Dân trí
Bán nhà trong quy hoạch: Khách đột ngột bỏ cọc, chủ 'đứng, ngồi không yên'
Nhà nằm trong quy hoạch phải bán vội, nên khi khách bỏ cọc hàng chục triệu đồng không mua nữa thì không ít chủ nhà lại hoang mang, lo lắng thay vì vui mừng.