Quan điểm trên được ông Dương Đức Hiển - Giám đốc kinh doanh bất động sản nhà ở Savills Việt Nam chia sẻ khi trao đổi về việc đầu tư vào phân khúc đất nền – một sản phẩm bất động sản “rộ” lên thời gian qua gây sốt ảo ở nhiều khu vực. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, thị trường bất động sản chứng kiến vụ lừa đảo tại địa ốc Alibaba bị phát giác và khởi tố. Theo điều tra ban đầu, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT công ty CP địa ốc Alibaba giữ vai trò là chủ mưu và 1 số người đã tổ chức ra “Tập đoàn địa ốc Alibaba” kinh doanh bất động sản theo hình thức đa cấp, mua đất nông nghiệp rồi tự vẽ ra các dự án “ma” nhằm lừa đảo khách hàng hám lợi đóng tiền vào.
Tính đến cuối tháng 6/2019, anh em Nguyễn Thái Luyện - Nguyễn Thái Lĩnh và đồng bọn đã lừa 6.700 khách hàng để chiếm đoạt số tiền khoảng 2.500 tỷ đồng.
“Đừng đi vay tiền để đầu tư đất nền. Bởi vay tiền để mua được mảnh đất xong sau đó lại không có tiền để xây dựng, để kinh doanh… mà để đất đó không bán được sẽ thành nợ xấu, gây nhiều hệ luỵ”. |
Ông Hiển chỉ ra rằng, sai lầm trong câu chuyện đầu tư đất nền chính là việc mua đi bán lại để tăng giá. Những mảnh đất không được đầu tư phát triển xây dựng, không có tính thương mại nhưng lại được mua đi bán lại, đẩy giá lên cao và sau đó thế chấp tại ngân hàng là nguyên nhân gây phát sinh bong bóng.
“Tôi chỉ nhìn vào đất nền giống như một lương khô, tôi đầu tư mua một mảnh đất để sau này cho con cái thay vì việc mua xong và kỳ vọng trong vòng 1-2 tháng hay 6 tháng, 1 năm bán nó đi để kiếm lời gấp đôi. Không có câu chuyện đó xảy ra. Nếu cả nước tập trung đầu tư đất nền sẽ dẫn đến việc nhiều người sở hữu rất nhiều đất nhưng không “đẻ” được ra tiền” – ông Hiển nói.
Theo vị Giám đốc kinh doanh bất động sản nhà ở Savills Việt Nam, đất nền chỉ là một trong những sản phẩm của rất nhiều sản phẩm bất động sản. Nhà đầu tư có dòng vốn dư thừa thì có thể quan tâm đầu tư đất nền thay vì sử dụng đòn bẩy tài chính.
“Đừng đi vay tiền để đầu tư đất nền. Bởi vay tiền để mua được mảnh đất xong sau đó lại không có tiền để xây dựng, để kinh doanh… mà để đất đó không bán được sẽ thành nợ xấu, gây nhiều hệ luỵ. Nếu có dòng tiền ổn định đầu tư đất nền cũng nên xác định đầu tư trung hạn cho đến dài hạn, thay vì chỉ tìm cách đầu tư trong ngắn hạn rồi lại tìm cách bán đi” – ông Hiển nhấn mạnh.
Thổi giá đất nền địa phương đắt ngang trung tâm Hà Nội
Một thực trạng được ông Hiển đưa ra hiện nay tại nhiều thị trường địa phương, một số nơi dù chưa có yếu tố thương mại hay chưa thể cho thuê nhưng mức giá cũng đắt không kém gì đất Hà Nội. Thậm chí so sánh với đất trung tâm Hà Nội nhiều khi còn đắt không kém.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, từ năm 2018 đến nay, sốt đất nền không còn là độc tôn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang mà đã sôi động trên hầu hết các vùng miền, không chỉ ở vùng ven như Bắc Ninh, Thái Nguyên mà còn lan tỏa cả đến những vùng sân xa hẻo lánh như Tây Nguyên, Tây Bắc,...
“Khe hở giữa câu chuyện đầu tư vào đất nền và không kiểm soát được sẽ khiến bong bóng gần hơn những sản phẩm bất động sản được phát triển từ các dự án rất nhiều”, ông Hiển đánh giá.
Trước những cơn sốt đất nền trên thị trường thời gian qua, ông Hiển đưa ra khuyến cáo, cần phải tìm hiểu kỹ về dự án.
Trước khi đầu tư phải xem quy hoạch khu đó như thế nào, bao giờ sẽ phát triển, xung quanh dự án đất nền đó có những cái gì đảm bảo yếu tố mang lại thương mại cho khu đó không.
“Theo quy định, dự án phải công khai minh bạch, nhất là những giấy tờ pháp lý như quyết định 1/500, chấp thuận đầu tư, giấy phép xây dựng, sổ đỏ… Những gì không rõ ràng thì tốt nhất đừng nên đầu tư” – chuyên gia của Savills Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hiển, tâm lý của nhiều nhà đầu tư hiện đang đầu tư theo phong trào, chủ quan.
“Đầu tư bất động sản không thể nào là câu chuyện ngắn hạn. Với tôi, các dự án bất động sản ít nhất phải là trung hạn (3 – 5 năm) trở lên. Nếu cứ nghe nói có dự án đất nền ở chỗ này chỗ kia sốt nhưng khi tới nơi giấy tờ giấy phép chưa đầy đủ, xung quanh chưa có gì hạ tầng chưa xong nhiều chỗ xuống vẫn còn thấy ruộng thì mua gì. Theo tôi tất cả những nhà đầu tư khi tham gia đầu tư đất nền đặc biệt những dự án còn chưa có giấy phép là những nhà đầu tư quá chủ quan và nhẹ dạ” – ông Hiển đánh giá.
Hồng Khanh
Sốt đất vùng ven, tiền chênh ngập mặt, cảnh báo ‘ôm bom’
- Ôm tiền rời thành phố lớn, nhiều đại gia bất động sản có xu hướng dịch chuyển về vùng ven. Xu hướng này được dự báo sẽ khốc liệt hơn trong năm 2019.