Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng điều này không nên bởi nó sẽ gây khó khăn trong việc quản lý chung cư.
Cho phép Startup kinh doanh tại chung cư
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây kiến nghị cho phép doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, có ít lao động (dưới 5 người), được đăng ký kinh doanh tại căn hộ chung cư.
Theo HoREA, khoản 11, Điều 6 Luật Nhà ở quy định "cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở” nên các địa phương đã không còn cho phép đăng ký kinh doanh doanh nghiệp tại căn hộ chung cư.
Tuy nhiên, điều này đang tác động đến hoạt động khởi nghiệp trong giới trẻ. Thực tế, doanh nghiệp khởi nghiệp thường có ít vốn, ít lao động, sử dụng công nghệ thông tin, mạng Internet để kết nối và kinh doanh. Bên cạnh các hệ sinh thái khởi nghiệp, chia sẻ không gian làm việc thì giới trẻ còn có nhu cầu khởi nghiệp từ căn hộ gia đình để tiết kiệm chi phí.
Nói thêm với VietNamNet về đề xuất này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết, trên thị trường bất động sản xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh căn hộ có điểm chung là “vừa ở vừa kinh doanh”. Điển hình như nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh, hay là văn phòng kết hợp lưu trú (officetel).
Vì thế, các doanh nghiệp SME (quy mô siêu nhỏ từ 1-3 người), doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) đăng ký kinh doanh tại chung cư và trao đổi thông tin chủ yếu qua điện thoại, không gian mạng thì sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến tính riêng tư hay sự an toàn của chung cư.
“Nếu thiếu địa điểm làm việc, các doanh nghiệp buộc phải thuê làm ở các hệ sinh thái khởi nghiệp. Mức giá cho một ghế ngồi tối thiểu 2,5 triệu đồng/tháng và một không gian làm việc riêng dao động từ 5-8 triệu đồng/tháng, bao gồm các dịch vụ đi kèm khác. Thật sự, các mức giá này nằm ngoài khả năng của những bạn trẻ bước đầu khởi nghiệp”, ông Châu chia sẻ.
Ông Châu cũng cho biết, thị trường bất động sản đang nở rộ hình thức kinh doanh cho thuê nhà theo phương thức "chia sẻ phòng thuê" (Airbnb). Đây là hình thức kinh doanh cho thuê chung cư tự phục vụ, sử dụng công nghệ Airbnb, phương thức thuê khá linh hoạt, hai bên giao dịch thỏa thuận bằng hợp đồng thuê nhà và thanh toán qua mạng, không cần gặp mặt nhau, căn hộ thông minh có trang bị khóa số, thời gian thuê linh động theo giờ/ngày/buổi/tuần…Hình thức kinh doanh này tương tự như hình thức cho thuê truyền thống và Airbnb vẫn phải đăng ký kinh doanh nhưng không vi phạm Luật Nhà ở.
Vì vậy, đề xuất lần này sẽ giúp hé mở vấn đề “tạo dựng giá trị cho phân khúc bất động sản căn hộ” nhằm tận dụng nguồn cung căn hộ sẵn có theo điều kiện kinh tế gia đình. Đồng thời, gián tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp họ không ràng buộc quá nhiều vào địa điểm làm việc, công việc trở nên tiện lợi hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí và không phải lo canh cánh về gánh nặng mặt bằng, thiết kế văn phòng cố định như trước.
Nhiều ý kiến trái chiều
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng giám đốc Công ty Savista cho rằng, không nên cho phép các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa) sử dụng căn hộ chung cư làm trụ sở, văn phòng làm việc. Bởi lẽ, nếu diễn ra hoạt động này thì khó có thể khống chế được số lượng nhân viên tăng đột biến (trên 5 người). Điều này gây khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát số lượng người ra vào giao dịch.
“Nếu không lường trước được những rủi ro thì có thể kéo theo những diễn biến phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Thêm vào đó, việc lồng ghép kinh doanh tại căn hộ có thể làm ảnh hưởng đến không gian yên tĩnh của cư dân căn hộ”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Dũng nói rằng nếu chủ căn hộ đứng ra kinh doanh qua mạng và tự thực hiện giao hàng, không thuê mướn nhân viên thì vẫn có thể được phép hoạt động kinh doanh bình thường. Còn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu ở và kinh doanh thì có thể được bố trí quy hoạch ở các vị trí hợp lý, nơi người ra vào dễ dàng như các khu vực gần shophouse ở tầng trệt, khu vực thương mại. Qua đó, việc quản lý an ninh trật tự và số lượng người ra vào cũng sẽ tiện lợi và dễ dàng hơn.
“Hiện nay, trên thị trường xuất hiện loại hình kinh doanh căn hộ với tên gọi là officetel, tức là người mua sử dụng căn hộ vừa để ở vừa kinh doanh. Loại hình này đang bị vướng pháp lý về tính sở hữu lâu dài, nhưng nếu officetel được triển khai vào thực tế cuộc sống sẽ giải quyết phần lớn nhu cầu để ở và làm việc cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, không tốn chi phí mặt bằng và đi lại. Việc làm rõ hành lang pháp lý về giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, cũng như có lộ trình cụ thể để đưa ra những phương án hoàn thiện, hợp thức hóa tên gọi là điều hết sức cần thiết”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Tương tự, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết quan điểm chung cư vừa để ở vừa kinh doanh là hết sức rối, thậm chí làm thay đổi thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng ban đầu như cấu trúc và hạ tầng vật chất của căn hộ. Bởi thiết kế chung cư ban đầu đã tính toán cụ thể, tức là chỉ áp dụng điều kiện cơ sở vật chất cho mục đích để ở. Và việc xây dựng dự án đã tính toán tổng thể số lượng người ra vào thang máy, công tác vệ sinh và phòng cháy chữa cháy.
“Nhà nước cần đưa ra định nghĩa rõ ràng về officetel, có thể xem là một office hoặc căn hộ nhà ở, tránh nhầm lẫn giữa căn hộ nhỏ và officetel, cũng như hạn chế xảy ra trường hợp nhiều doanh nghiệp sử dụng căn hộ ở cũng không được mà kinh doanh cũng không được. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện người dân sinh sống và làm việc ở các khu vực nội thành, nơi thường có giá đất cao, dân số đông, mỗi căn hộ thiết kế có diện tích sàn xây dựng tối thiểu 30m2 sẽ là hợp lý, thay vì 45m2 như trước đây”, ông Quang nhận định.
Linh Anh
Dắt chó ‘đi bậy’ ở chung cư bị phạt 3,5 triệu
Một chung cư ở bang Memphis (Mỹ) đã tiến hành thu nhập toàn bộ DNA của thú nuôi đề giải quyết triệt để tình trạng động vật bừa bãi.