Rủi ro đất công và chiêu bài “tạm nộp tiền sử dụng đất”
Thời gian qua, nhiều khu đất công, đất có nguồn gốc từ doanh nghiệp có vốn Nhà nước, đưa vào làm dự án, nhưng không thông qua đấu giá. Trong đó, một số dự án đã được “tháo gỡ” bằng việc “tạm nộp tiền sử dụng đất”. Tuy nhiên, điều này kéo theo nhiều bất cập. Trong đó, một số dự án đang triển khai, thậm chí đã bàn giao nhà, bị đưa vào diện thu hồi hoặc xem xét lại pháp lý.
Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, việc “tạm nộp tiền sử dụng đất” chỉ xuất hiện ở một số dự án, một số chủ đầu tư. Đây không phải là việc áp dụng bình thường, theo chính sách tháo gỡ cho mọi doanh nghiệp, nên có sự bất thường.
Nhiều dự án được ưu ái cho “tạm nộp tiền sử dụng đất” |
“Mặt khác, việc quy định “tạm nộp tiền sử dụng đất” không có trong hệ thống văn bản pháp luật. Do đó, việc Cơ quan Nhà nước áp dụng phải đúng theo quy định pháp luật, trường hợp có vướng mắc thì kiến nghị cấp thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật tháo gỡ chung, bình đẳng cho doanh nghiệp, không vì một vài chủ đầu tư mà xé rào, chạy theo doanh nghiệp.
Với những trường hợp này, do không thực hiện đúng quy định pháp luật, nên hàng loạt các văn bản phê duyệt đều không đúng quy định. Việc xử lý các sai phạm phải mang tính nghiêm minh, để các sai phạm này sẽ không tiếp tục xảy ra, lặp lại để hưởng lợi”, luật sư Phượng nêu quan điểm.
Luật sư Phượng cũng cảnh báo, những khách hàng mua tại các dự án này phải chờ việc xử lý của Cơ quan nhà nước. Với dự án chưa triển khai thì nhiều khả năng bị thu hồi đất, dự án đang triển khai thì bị ngưng trệ, vì tạm ngừng thi công, dự án đã bàn giao cho khách đưa vào sử dụng, chưa cấp giấy chứng nhận, thì bị treo việc cấp giấy chứng nhận. Chưa dự kiến được việc giải quyết này sẽ kéo dài bao lâu, với những khách hàng chưa nhận căn hộ có thể xem xét đề nghị chủ đầu tư hủy hợp đồng để thu lại phần vốn của mình nếu thấy cần thiết.
Thuận Việt có vượt mặt chính quyền để trục lợi ở Thủ Thiêm?
Dự án New City (1.330 căn hộ) thuộc khu tái định cư 12.500 căn hộ, của khu đô thị Thủ Thiêm. Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt (Thuận Việt) là 1 trong 3 đơn vị trong liên danh, được giao mặt bằng xây dựng (không phải giao đất cho chủ đầu tư) quỹ nhà tái định cư cho TP.HCM.
Từ tháng 4/2018, Thuận Việt đã ký Hợp đồng mua bán căn hộ New City với khách hàng. Tuy nhiên, pháp lý dự án lúc này vẫn chưa rõ ràng.
Theo Thuận Việt, thời điểm năm 2016, UBND thành phố chủ trương giao cho công ty này làm chủ đầu tư phát triển dự án 1.330 căn hộ với mục tiêu thương mại. Thuận Việt đã hoàn tất việc tạm đóng tiền sử dụng đất theo quy định vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, từ “chủ trương” đến “tạm đóng tiền sử dụng đất” có đủ cơ sở để khẳng định Thuận Việt là chủ đầu tư dự án này chưa?
Luật sư Trần Đức Phượng cho rằng, trong hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành, không có một quy định nào khái niệm “tạm đóng tiền sử dụng đất”, việc “tạm đóng tiền sử dụng đất”. Nhưng trong quá trình quản lý điều hành, thì các cơ quan chức năng lại ưu ái áp dụng cho chủ đầu tư, giống như trường hợp đã nộp hết tiền sử dụng đất.
Mặt khác, văn bản ngày 28/9/2018, của Sở Xây dựng TP.HCM, đã hé lộ một phần khuất tất, liên quan đến pháp lý dự án New City và tư cách Chủ đầu tư mà Thuận Việt đã tự nhận. Theo văn bản này, về phương án giải quyết quỹ nhà không còn nhu cầu sử dụng, Sở Xây dựng cho biết, đối với 1.330 căn hộ thuộc khu 38,4ha, phường Bình Khánh do liên danh Sacomreal - Thuận Việt - Thành Thành Công đầu tư (dự án New City do Thuận Việt tự nhận là Chủ đầu tư - PV), Tổ công tác thực hiện chương trình đầu tư 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư giao Ban quản lý Thủ Thiêm báo cáo tình hình và kiến nghị UBND TP.HCM báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng, đến cuối tháng 9/2018, số phận dự án New City còn phải chờ TP.HCM báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, việc Thuận Việt ký Hợp đồng mua bán căn hộ cho khách hàng từ tháng 4/2018, có phải là vượt mặt để trục lợi, từ khu tái định cư ở Thủ Thiêm?
Long An: Kiểm tra việc MLand Vietland “treo đầu dê bán thịt chó”
Ngày 21/1, trao đổi với VietNamNet, về việc Công ty Mland Vietnam 2 lần mở bán dự án Khu dân cư liên xã Phước Hậu-Long Thượng với tên Long Thượng Riverside và Khu dân cư Long Thượng, với những tiện ích không có trong quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết: “Giữa tuần này sẽ có đoàn kiểm tra do đồng chí Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn. Sau đó sẽ cung cấp thông tin tới phóng viên”.
Trước đó, ông Hùng cũng khẳng định, từ những thông tin VietNamNet phản ánh, ông sẽ cho kiểm tra và mời MLand Vietnam tới làm việc. “Chúng tôi sẽ rà soát lại, cái nào có quy định xử lý thì chúng tôi sẽ cho anh em xử lý. Chúng tôi cũng sẽ kết hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra xử lý. Nếu hành vi đó thuộc về quảng bá thì Sở Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý. Còn về đất đai và môi trường có liên quan thì sẽ thuộc thẩm quyền của Sở TNMT. Còn cái gì thuộc về xây dựng thì chúng tôi sẽ xử lý”, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết.
Trao đổi với VietNamNet sau khi dự án được Mland mở bán vào ngày 6/1, ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN-MT) tỉnh Long An, cho biết, hiện Sở TN-MT chưa nhận được hồ sơ chuyển nhượng dự án Khu dân cư liên xã Phước Hậu - Long Thượng.
“Theo quy trình, Sở TN-MT khi tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra thực tế dự án có đầy đủ hạ tầng, thì mới cấp phép cho chuyển nhượng. Bởi khi chuyển nhượng người dân vào ở thì phải có điện, có nước, có đường đầy đủ. Việc chủ đầu tư và công ty môi giới mở bán dự án khi Sở TN-MT chưa phê duyệt hồ sơ cho phép chuyển nhượng, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng thì thẩm quyền xử lý thuộc Sở Xây dựng hoặc UBND huyện Cần Giuộc”, ông Thông nói.
Quốc Đại
Đại gia Dương Bạch Diệp và chuyện kiếm 1.500 lượng vàng hơn 10 năm trước
- Trong phiên toà cuối năm 2007, bà Dương Thị Bạch Diệp cho biết căn nhà 113 Lý Chính Thắng bà mua 480 lượng vàng, chỉ 4 tháng sau bán 2.100 lượng lời hơn 1.500 lượng vàng.