Bất động sản thương mại “hội tụ” nhiều yếu tố đảm bảo tỉ suất sinh lời cao như lợi thế về vị trí, hạ tầng, tiện ích… Nguyên nhân là bởi loại hình này sử dụng những lợi thế trên để kinh doanh thương mại, cung cấp dịch vụ cho cộng đồng. Chính bởi thế, bất động sản thương mại thường tọa lạc ở vị trí đắc địa như những tuyến phố lớn, sầm uất, ngã tư các con đường nơi dân cư đông đúc lại qua.
Khách sạn, nhà hàng, mặt bằng bán lẻ trong các trung tâm thương mại, nhà mặt phố kinh doanh, nhà phố thương mại… là những loại hình tiêu biểu của bất động sản thương mại. Yếu tố sinh lời qua các hoạt động kinh doanh, cùng với đó là sự gia tăng giá trị theo thời gian nên phân khúc này luôn nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư. Đây là sân chơi của những nhà đầu tư vốn lớn, kì vọng tỉ suất sinh lời lớn, đồng nghĩa rủi ro lớn hơn so với các phân khúc khác.
Theo tìm hiểu của PV, đại dịch Covid-19 bùng nổ khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản thương mại đang lao đao. Nhiều người trong số họ đang phải rao bán cắt lỗ sản phẩm để thoát khỏi gánh nặng trả lãi ngân hàng.
Tháng 10/2019, bà Hồng Ngân xuống tiền mua một căn nhà mặt phố Thái Hà với giá 18 tỷ. Vốn thực có của bà khi đó là hơn 13 tỷ, số tiền còn lại bà vay trung hạn ngân hàng. Số tiền lãi bà phải trả ngân hàng mỗi tháng là khoảng 40 triệu đồng, chưa kể tiền gốc. Căn nhà mặt phố trước đó được chủ cũ cho thuê 450 triệu đồng/năm. Bà Ngân tính toán dùng tiền cho thuê kết hợp với khoản thu từ việc kinh doanh riêng để trả gốc và lãi ngân hàng.
Tuy nhiên, tháng 2 vừa qua, do dịch bệnh phức tạp, việc kinh doanh của người thuê khó khăn khiến họ buộc phải trả lại căn nhà phố. Công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành của bà thì phá sản. Do đó, bà Ngân không có nguồn thu để trả cả gốc và lãi căn nhà mặt phố. Dịch bệnh kéo dài khiến căn nhà rao thuê hơn 2 tháng qua nhưng người hỏi không nhiều. Bà Ngân xác định chấp nhận cắt lỗ tương đối nếu gặp khách thiện chí.
Bất động sản thương mại “hội tụ” nhiều yếu tố đảm bảo tỉ suất sinh lời cao như lợi thế về vị trí, hạ tầng, tiện ích… Ảnh minh họa (Báo Pháp luật) |
Trong khi đó, ông Phạm Văn Công (quận 7, TP.HCM) đầu tư kinh doanh khách sạn tại Nha Trang từ 2 năm nay. Khách sạn của ông có đến 70-80% nguồn khách là người Trung Quốc. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến hoạt động du lịch đóng băng, nguồn khách Trung Quốc không có buộc ông phải đóng cửa khách sạn. Hơn 2 tháng qua, ông không có nguồn thu để trang trải các chi phí bảo trì khách sạn và trả lương nhân viên.
Đầu tháng 4, không còn chịu được áp lực từ việc trả lãi và gốc ngân hàng, ông Công buộc phải nhờ đến môi giới rao bán khách sạn.
Môi giới Nguyễn Thị Linh cho biết, từ giữa tháng 3, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu rao bán các bất động sản thương mại chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc điểm chung của những nhà đầu tư này là đều đang sở hữu những bất động sản giá trị lớn và đều đang vay nợ ngân hàng.
Dịch bệnh khiến kịch bản đầu tư của họ không diễn ra như dự tính. Họ chịu áp lực lớn từ ngân hàng và buộc phải rao bán để trả nợ. “Họ đều kì vọng có thể bán ngang với giá thị trường. Thế nhưng dịch bệnh gây ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế, không có quá nhiều người có sẵn nguồn tiền mặt để mua những bất động sản giá trị lớn này”, chị Linh cho biết.
Cũng theo chị Linh, trong khi những người có sẵn nguồn tiền và đang đi săn bất động sản trong thời điểm này nhằm “bắt đáy” thì nhiều người vẫn đang giữ tâm lý chờ đợi hoặc muốn người bán phải giảm giá thêm so với mặt bằng chung. Môi giới này cho biết thêm, số lượng giao dịch thành công từ các bất sản thương mại giá trị lớn mà chị biết ở thời điểm dịch bệnh tuy có nhưng chưa quá nhiều.
Nếu dịch bệnh còn kéo dài 1 đến 2 tháng nữa thì sẽ có nhiều nhà đầu tư buộc phải rao bán cắt lỗ, thậm chí cắt lỗ sâu để có thể bán được sản phẩm.
Theo ThanhnienViet
Vỡ nợ, cắt lỗ, nhà vì Covid-19: Cảnh báo chiêu trò mới!
Cắt lỗ, bán tháo, vỡ nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… là những thông tin xuất hiện trên các website mua bán bất động sản trong thời gian gần đây khiến dư luận tỏ ra hoài nghi, liệu rằng đây là một chiêu trò nhằm thu hút người mua?