Trong dân gian, tục dọn dẹp ban thờ cúng tiến hành từ 23 tháng Chạp và hoàn tất trước 30 Tết với quan niệm nhân các Táo quân vắng nhà thì tranh thủ dọn dẹp để năm mới đón Táo quân trở về.
Tết đến, nhà nào cũng bao sái (dọn ban thờ) gia tiên để nơi kết nối âm dương, con cháu với tổ tiên được sạch sẽ, đón tài lộc năm mới.
Nhiều người cho rằng, sau khi cúng tiễn Táo Quân chầu trời, tức là vào ngày 23 Tết mới lau dọn ban thờ, còn trong năm tuyệt đối không động vào bát hương, bài vị thờ cúng vì sợ bị động bát hương, tượng thờ và bị quở trách thì làm ăn không có lộc.
Ảnh minh họa (st) |
Trong dân gian, tục dọn dẹp ban thờ cúng tiến hành từ 23 tháng Chạp và hoàn tất trước 30 Tết, với quan niệm nhân các Táo quân vắng nhà thì tranh thủ dọn dẹp để năm mới đón Táo quân trở về, và dịp này có xê dịch đồ thờ cúng sẽ không mạo phạm đến các thần.
Theo ông Tam Nguyên, chuyên gia tư vấn phong thủy cao cấp, Tổng Thư ký Hiệp hội Phong thủy Dịch học thế giới (Phân hội Việt Nam), từ 20 tháng Chạp tới 30 Tết nên dọn dẹp ban thờ sạch sẽ, thanh tịnh để chuẩn bị bày biện ban thờ đón các cụ về ăn Tết. Ban thờ sạch sẽ, bát hương thanh tịnh, bày lễ đẹp mắt thì các cụ sẽ vui mà ban lộc cho con cháu.
Các cụ xưa cũng cho rằng, ban thờ, bát hương thanh tịnh, bày biện đồ thờ, mâm lễ đẹp mắt mới có lộc. Tránh bày biện lộn xộn vì như thế sẽ làm lộc rơi vãi.
Ảnh minh họa (st). |
Theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA), ban thờ là nơi kết nối tổ tiên với con cháu nên không chỉ dịp Tết mới bao sái, mà cần sạch sẽ quanh năm. Bất cứ lúc nào thấy ban thờ chưa sạch cần khởi tâm xin phép lau dọn ngay, hoặc định kỳ bao sái, chứ không chờ sau lễ cúng Táo quân chầu trời mới lau dọn.
Đầu tiên có thể thắp hương, hoặc chắp tay lễ trước ban thờ khấn rằng: “Tín chủ tên là…, vì ban thờ bị bụi, con xin thành tâm sám hối và kính cáo với các chư vị (thần linh, hộ pháp, hay gia tiên…) cho phép được bao sái để bàn thờ trang nghiêm thanh tịnh. Kính mong các chư vị chứng minh và gia hộ".
Hoặc đặt thanh bông hoa quả lên ba thờ, thắp hương xin phép thần linh, tổ tiên hôm nay bao sái lại ban thờ, bát hương. Mời các vị tạm lánh sang một bên để con cháu thực hiện công việc. Hương cháy hết hãy bắt đầu dọn dẹp, và cần làm cẩn thận, tỉ mỉ.
Các nhà tâm linh đều khuyên, cần chuẩn bị chổi, khăn lau ban thờ chuyên dùng, hoặc dùng khăn mới, chổi mới để bao sái. Hạ bát hương, bài vị và các đồ thờ cúng xuống nơi sạch sẽ đã chuẩn bị trước (chú ý đặt bát hương, bài vị thần phật và gia tiên riêng để không bị lẫn), rồi mới quét bụi bặm, lau rửa ban thờ, đồ thờ cúng. Lau dọn từ trên cao xuống thấp. Lau bài vị của thần phật trước, rồi thay nước mới để lau bài vị của tổ tiên. Tuyệt đối không lau bài vị của tổ tiên trước, vì người xưa cho là “mạo phạm”, tổ tiên bị chèn ép.
Các pho tượng nên dùng khăn mềm lau để tránh xước, bay màu. Hoặc dùng máy thổi hơi đánh bật bụi trong ngóc ngách. Lau rửa sạch sẽ xong thì đặt lại chỗ cũ.
- Nước lã chỉ dùng để lau sạch ban thờ và đồ thờ. Sau đó phải dùng nước ngũ vị hương (nước thơm) để tịnh sái. Có thể ngâm 1 túi bột ngũ vị hương với 2 lít rượu trắng để bao sái ban thờ nhiều lần trong năm. - Một số nơi lau rửa bài vị gia tiên, đồ thờ cúng bằng nước ấm. Hoặc dùng rượu trắng ngâm gừng, hoặc nước vang. - Bao sái xong cần thay nước sạch, thắp đèn/nến, cắm hoa tươi mới và thắp hương mời các cụ về ngự. - Ban thờ là nơi thờ cúng gia tiên, nên những thứ không liên quan đến thờ cúng (như vật phẩm phong thủy) không bày lên ban thờ. - Nếu nhà nào có tang ma thì cuối năm không nên quét dọn (có ý kiêng khói bụi bay vào mắt người đã khuất). |
Theo Gia đình và Xã hội