Nhiều khu chợ bỏ hoang ở các trung tâm huyện, thành phố trên khắp cả nước dù có vốn đầu tư tới hàng chục tỷ đồng khiến người dân không khỏi xót xa.
Trung tâm thương mại chợ Rộ, huyện Thanh Chương (Nghệ An) khánh thành năm 2010 nay bị bỏ hoang, thành nơi tập kết và xưởng cưa gỗ mọc lên. Khu chợ bỏ hoang này có vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn chưa được đi vào sử dụng sau khi hoàn thành. Ảnh: Zing. Theo Zing News, kế hoạch xây dựng khu Trung tâm thương mại chợ Rộ thuộc xã Võ Liệt (Thanh Chương, Nghệ An) được phê duyệt ngày 20/12/2007, nhằm thay thế cho chợ cũ đã bị xuống cấp. Tháng 8/2008, Công ty cổ phần thương mại đầu tư miền Bắc có trụ sở ở Hà Nội chính thức trúng thầu và khởi công xây dựng dự án. Ảnh: Zing. Dự án có tổng vốn đầu tư 13,96 tỷ đồng, được quy hoạch trên diện tích đất 30.081 m2 với 10 công trình chính bao gồm: đình chợ lớn, đình chợ nhỏ, ki-ốt dịch vụ, nhà vệ sinh, khu giải khát, trạm điện, trạm nước, nhà bảo vệ, hệ thống sân nền và bờ bao quanh. Đến thời điểm này, các công trình chính đã hoàn thành nhưng bị bỏ hoang còn các công trình khác như nhà vệ sinh, trạm điện, trạm nước, nhà bảo vệ vẫn còn bỏ dở. Ảnh: Zing. Ngày 19/5/2010, chủ đầu tư tiến hành lễ khai trương Trung tâm thương mại chợ Rộ. Tuy nhiên, sau lễ khai trương rầm rộ, khu chợ tiền tỷ này chỉ hoạt động èo uột với vài ki-ốt nhỏ lẻ rồi bỏ hoang từ đó đến nay. Toàn bộ diện tích đất xung quanh khu chợ do bị bỏ không lâu ngày nên hoang tàn, ảm đạm. Trong chợ làm nơi tập kết đủ thứ, thậm chí cho bò ở. Ảnh: Zing. Chợ Nghĩa Hiệp (xã Nghĩa Hiệp - Yên Mỹ - Hưng Yên) được đầu tư với tổng chi phí lên đến 20 tỷ đồng nhưng sau 5 năm hoàn thành chợ vẫn bỏ hoang. Chợ được xây dựng bằng nguồn vốn cân đối ngân sách của xã do chính UBND xã này làm chủ đầu tư. Hiện nay, công trình đang xuống cấp dần, cỏ dại mọc đầy. Ảnh: Một thế giới. Nguyên nhân chợ tiền tỷ bỏ hoang được người dân xung quanh cho biết vì vị trí không thuận lợi, không tiện đường của người dân. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng không hoàn thiện, thiếu hệ thống điện, nước, khu vệ sinh. Ảnh: Báo Dân Sinh. Người dân Nghĩa Hiệp cho hay, dân rất mong muốn có được khu chợ khang trang để vào buôn bán nhưng khu chợ Nghĩa Hiệp không hợp lý và thiếu thốn quá nhiều thứ nên vào được vài hôm tiểu thương phải chuyển ra chợ truyền thống. Các hạng mục của chợ xã Nghĩa Hiệp đang sập sệ, hoen rỉ. Ảnh: Báo Dân Sinh. Tại Thanh Hóa cũng có không ít khu chợ có số vốn đầu tư hàng chục tỷ để rồi …đắp chiếu. Ví dụ như Chợ Già tại xã Hoằng Kim (huyện Hoằng Hóa), được xây dựng đúng các tiêu chí về diện tích sân vườn, cây xanh, nhà kho, khu để xe, nhà vệ sinh, nơi thu gom xử lý rác thải... Tuy nhiên, được khánh thành đã gần 4 năm nay với tổng số vốn đầu tư 14 tỷ đồng rồi bỏ hoang. Ảnh: Thanhhoa24h. Hay vào năm 2011, Chợ Voi trên địa bàn xã Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được khánh thành với tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ đồng, diện tích gần 10.000m2 nhưng đến nay tình trạng họp chợ thất thường, gần như bỏ hoang. Ảnh: Thanhhoa24h. Tương tự, chợ Quảng Thạch, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương được đầu tư xây dựng hoành tráng trên diện tích 4.000 m2 với tổng số vốn trên 1,6 tỷ đồng. Chợ được xây vào năm 2008, nhưng chỉ sau 1 tháng đưa vào hoạt động đã bị các tiểu thương chê, tự dời sang các chợ ở các xã lân cận buôn bán, nên bị bỏ hoang từ đó đến nay và hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Thanhhoa24h. Trên địa bàn Thành phố Pleiku (Gia Lai), chợ Hoa Lư được đầu tư xây dựng với kinh phí 12,5 tỉ đồng, khuôn viên rộng gần 6.000 m2, cách chợ cũ hơn 100m. Tuy nhiên, hơn 3 năm sau khi khánh thành, chợ vẫn bỏ hoang. Ảnh: Thanh Niên. Chợ Hương Khê 30 tỷ đồng: Ở huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), chợ Hương Khê được xây dựng xuất phát từ dự án xây sân bóng đá không thành và cũng như số phận của nhiều khu chợ ngẫu hứng khác, chợ Hương Khê bỏ hoang từ khi xây dựng cho đến nay, người dân lấy đây làm nơi thả trâu, bò và đang dần xuống cấp. Ảnh: Một thế giới. |
Theo Kiến thức