Sau khi ngân hàng thông báo siết nợ dự án Tokyo Tower (quận Hà Đông, Hà Nội) đã diễn ra cuộc họp giữa ngân hàng và người mua nhà tại dự án. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề khiến khách hàng băn khoăn, lo lắng, có phản ánh việc một căn hộ được bán cho 2 khách hàng. Không ít khách hàng hoài nghi về tiến độ.
>> Toà nhà cao thứ 3 Hà Nội bị PVcomBank siết nợ
Siết chặt tín dụng vào bất động sản, BT giao thông
Như VietNamNet đã đưa tin, Ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng Việt Nam (PVcomBank) mới đây cho biết đã thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo tại dự án Tokyo Tower (Hà Đông, Hà Nội) để xử lý nợ xấu.
Sau khi có thông báo về viết siết nợ dự án Tokyo Tower, ngày 8/10, đã diễn ra cuộc họp giữa PVcomBank và hơn 100 khách hàng mua nhà tại dự án.
Theo phản ánh của khách hàng Phụ lục thoả thuận quản lý thanh toán tiền mua căn hộ nêu rõ số tài khoản, ngân hàng…vẫn có việc một căn hộ được bán cho 2 khách hàng. |
Theo PVcomBank, với vai trò là ngân hàng tài trợ và bảo lãnh dự án, trong quá trình xử lý tài sản để thu hồi nợ, PVcomBank sẽ đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của người mua nhà. Các bên sẽ tiến hành lựa chọn chủ đầu tư mới và đề nghị chủ đầu tư mới đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người mua nhà theo các hợp đồng đã ký.
Theo kế hoạch, sau khi chốt công nợ được 30 ngày, ngân hàng sẽ chọn đối tác. Sau khi chốt được, sẽ mất khoảng 4-6 tháng để hoàn thiện. Như vậy tổng cộng sẽ mất khoảng 6-7 tháng để cư dân nhận được nhà.
Tuy nhiên, sau cuộc họp trên nhiều khách hàng cho rằng, các vấn đề ngân hàng đưa ra vẫn chỉ mang tính chất chung chung, chưa được làm rõ. Không ít khách hàng hoài nghi về tiến độ. Cùng với đó là vấn đề liên quan đến việc bảo lãnh.
Theo phản ánh của khách hàng, khi ký hợp đồng mua nhà, cư dân đã nhận được Thư cam kết phát hành bảo lãnh số 11271/PVB-K.KHDN vào ngày 23/10/2015 từ PVcomBank về việc cam kết phát hành bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai với dự án Tokyo Tower.
Khi không được nhận nhà đúng hẹn, dù cư dân liên tục kiến nghị nhưng dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Vì vậy, nhiều cư dân chấm dứt hợp đồng mua bán và yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả số tiền đã bỏ ra mua nhà và khoản tiền phạt hợp đồng bằng 10% giá trị căn hộ.
Tuy nhiên, do chủ đầu tư mất khả năng tài chính, cư dân đã đề nghị PVcomBank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Thế nhưng, phía PVcombank đã từ chối bảo lãnh với lý do thời hạn bảo lãnh theo Thư bảo lãnh được Ngân hàng phát hành vào ngày 29/12/2015 đã hết thời hạn.
“Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ, những người dân mua nhà gần như không ai được biết và nhận được Thư bảo lãnh này của Ngân hàng. Cho tới nay, chủ đầu tư và ngân hàng không cung cấp cho chúng tôi bất cứ văn bản nào ngoài hợp đồng mua bán căn hộ và 01 thư cam kết bảo lãnh số 11271/PVB- K.KHDN ngày 23/10/2015.
Do vậy, chúng tôi không biết nội dung trong thư bảo lãnh này có những nội dung gì, có những điều khoản gì mà chúng tôi cần phải thực hiện để đủ điều kiện được bảo lãnh” – khách hàng cho hay.
Khách hàng cũng đặt vấn đề: Thư bảo lãnh có liên quan đến quyền lợi của người mua nhà vậy mà chúng tôi lại không hề được thông tin. Theo ngân hàng thì đây là trách nhiệm của chủ đầu tư. Trong khi các khoản thanh toán của người mua nhà được chuyển vào tài khoản mở tại PVcomBank. Ngân hàng là người nhận tiền nhưng cũng không có khuyến nghị gì đến khách hàng rằng hiện tại ngân hàng đã ký hợp đồng bảo lãnh với chủ đầu tư, có khuyến cáo đối với khách hàng là yêu cầu chủ đầu tư cung cấp bảo lãnh riêng cho từng căn hộ.
Thậm chí đến bây giờ, khách hàng cho biết vẫn chưa được thấy thư bảo lãnh chính thức từ phía chủ đầu tư hay ngân hàng cung cấp.
“Theo thông tin mà chúng tôi có được, điều kiện bảo lãnh với người mua nhà là phải có chứng từ gốc mà chứng từ gốc cả ngân hàng và chủ đầu tư đều không cấp cho người mua nhà. Thì người mua nhà lấy đâu ra chứng từ. Như vậy có phải là câu kết không?” – chị H – khách hàng mua nhà tại dự án bức xúc cho hay.
Một căn hộ bán cho nhiều khách hàng?
Anh D ở huyện Bình Lục (Hà Nam) cho hay, gia đình anh ký hợp đồng với chủ đầu tư để mua một căn hộ tầng 19 tại dự án Tokyo Tower (do chị gái đứng tên-PV) , nhưng mới đây khi anh yêu cầu phía ngân hàng giải chấp căn hộ để vay vốn thì tá hỏa phát hiện căn hộ đã ký hợp đồng mua đã từng bán cho một khách hàng khác.
Chủ đầu tư cam kết đến quý IV/2017 sẽ bàn giao nhà cho dân về ở. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn ngổn ngang chưa thể hoàn thành và bàn giao. |
Theo anh D, phía ngân hàng cho hay căn hộ mà gia đình anh mua trước đó đã từng bị chủ đầu tư bán cho Công ty Bảo Việt.
Vấn đề này cũng đã được đưa ra tại cuộc họp giữa PVcomBank và hơn 100 khách hàng mua căn hộ tại dự án được tổ chức vào ngày 8/10 vừa qua. Nhiều khách hàng vô cùng ngạc nhiên trước thông tin trên.
Chị H – một khách hàng tại dự án sau khi tham gia cuộc họp cho biết, về việc một căn hộ bán cho nhiều khách hàng ngân hàng trả lời sẽ làm việc với chủ thể riêng nhưng sự việc này cho thấy ở đây có sự không rõ ràng, không minh bạch.
“Theo phụ lục hợp đồng đều ghi rõ tài khoản khi chuyển tiền. Cụ thể khách hàng chuyển tiền về đâu, tại ngân hàng nào, số tài khoản nào. Khi khách hàng chuyển tiền vào theo từng tiến độ ngân hàng đều nắm được. Ngân hàng đều có đầy đủ thông tin của khách hàng. Thậm chí, khi khách hàng nộp tiền đều ghi là căn hộ nào nhưng tại sao ngân hàng không cảnh báo cho khách hàng mà vẫn thu tiền?” – khách hàng đặt vấn đề.
Trao đổi với luật Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh, vị này cho rằng, phía PVcombank không có trách nhiệm trong công tác xây dựng, bàn giao nhà cho cư dân, hiện nay ngân hàng đang thực hiện trách nhiệm trong việc bảo lãnh thanh toán.
Tuy nhiên theo luật sư Truyền, theo Điều 56, Luật Kinh doanh bất động sản 2014: Bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai ghi rõ, hợp đồng bảo lãnh có thời hạn cho đến khi nhà ở được bàn giao cho bên mua, bên thuê mua. Thực tế dự án, cư dân vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao nhà nên hợp đồng bảo lãnh vẫn trong thời gian còn hiệu lực.
Dự án chung cư Tokyo Tower đã nhiều lần đổi tên trước đây là dự án Tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp Vinafor, hay Hanoi LandMark 51tại địa chỉ số 55 đường 430, P.Vạn Phúc, Q.Hà Đông. Dự án cao 51 tầng, trong đó có 5 tầng dành cho trung tâm thương mại, dịch vụ, 688 căn hộ. Dự án được giới thiệu là tòa nhà cao nhất quận Hà Đông và là tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội, sau Landmark 72 và Lotte Center. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Đà 101 và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam – Vinafor. Được biết, đây không phải là dự án duy nhất mà Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 mang đi thế chấp. Mới đây, Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội công bố danh sách 92 các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội đang thế chấp ngân hàng bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai, trong đó Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 cũng đang thế chấp 1 dự án khác ở quận Hoàng Mai. Cụ thể, liên danh Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 và Công ty cổ phần Ecoland đã thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là Dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại Eco Lakeview, số 32 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (không bao gồm phần tài sản là 8.609m2 sàn và các lợi ích khác của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam).
|
Hồng Khanh
Toà nhà cao thứ 3 Hà Nội bị PVcomBank siết nợ
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) vừa thông tin đã thu giữ tài sản là dự án Tokyo Tower (tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội) để xử lý nợ.
BIDV rao bán dự án 584 - Lilama SHB Plaza để siết nợ
Giá khởi điểm dự kiến của khoản nợ gồm toàn bộ gốc, lãi và phí tại thời điểm ký hợp đồng đến thời điểm 31/05/2018 gần 1.175 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc hơn 769 tỷ đồng và dư nợ lãi hơn 405 tỷ đồng.
Loạt ‘ông lớn’ mang dự án ở Hà Nội đi 'cắm' ngân hàng
Trong đó, có một loạt “ông lớn” bất động sản như Hải Phát, Nam Cường, Thủ Đô Invest, Văn Phú Invest, Cty TNHH Gamuda Land Việt Nam...