3 phương án nghìn tỷ
Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) vừa gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo bổ sung phương án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các bộ, ngành trung ương tại thủ đô Hà Nội.
Theo đó, VIUP đề xuất đề xuất 3 phương án di chuyển bộ, ngành. Thứ nhất di chuyển trụ sở các bộ, ngành về khu vực Tây Hồ Tây. Thứ hai, di chuyển về khu vực Mễ Trì Hạ. Phương án thứ ba, di chuyển các bộ ngành về cả hai khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì Hạ.
Cụ thể, tại phương án thứ nhất, VIUP đề xuất trụ sở 12 bộ, ngành gồm: Kế hoạch – đầu tư, Công thương, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Lao động và Thương binh xã hội, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và truyền thông, Giáo dục và đào tạo, Ủy ban Mặt trận tổ quốc VN sẽ được chuyển về Tây Hồ Tây. Riêng Bảo hiểm Xã hội VN đang xây dựng tại Mễ Trì Hạ.
Chi phí tài chính dự kiến di dời trụ sở các bộ ngành thấp nhất tốn gần 12.000 tỷ đồng, cao nhất tốn khoảng 17.000 tỷ đồng (Ảnh: Trụ sở Bộ Xây dựng hiện nay tại số 37 Lê Đại Hành, TP Hà Nội). |
Theo phương án này, phạm vi quy hoạch là 35 ha, bình quân mỗi cơ quan từ 1,5-2 ha/cơ quan. Tổng số người làm việc dự kiến khoảng 14.000 người, số người người làm việc bing quân 1.000 – 1.500 người/cơ quan; tầng cao bình quân dự kiến khoảng 15-20 tầng/cơ quan; tầng ngầm 3-4 tầng/cơ quan.
Chi phí tài chính dự kiến cho phương án này là khoảng 11.897 tỉ đồng. Nguồn vốn được huy động từ chuyển đổi 50 ha tại khu vực Mễ Trì thu về 10.000 tỉ đồng, vốn chuyển đổi đất trụ sở cũ khoảng 1.897 tỉ đồng.
Phương án 2, VIUP đề xuất chuyển 12 trụ sở bộ, ngành và Bảo hiểm Việt Nam về khu vực Mễ Trì Hạ, phạm vi quy hoạch 55 ha, bao gồm toàn bộ khu đất Mễ Trì Hạ, bình quân 1 cơ quan 1,8-3 ha/ha, diện tích còn lại bố trí hồ điều hòa, nhà khách, nhà công vụ, công viên cảnh quan. Tổng số người làm việc ở 13 cơ quan dự kiến khoảng 15.000 người, số người làm việc bình quân 1.000 – 1.500 người/cơ quan.
Với phương án này, nhu cầu tài chính khoảng 14.326 tỷ đồng, nguồn vốn chuyển đổi 20 ha đất khu vực Tây Hồ Tây khoảng 8.000 tỷ đồng, vốn chuyển đổi cơ sở cũ 6.326 tỷ đồng.
Phương án 3, VIUP đề xuất sẽ bố trí 13 cơ quan tại 2 khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì Hạ, trong đó 20 ha tại Tây Hồ Tây bố trí 6 bộ, ngành, bình quân 2-3 ha/cơ quan, tầng cao 9-12 tầng; khu vực Mễ Trì Hạ diện tích 55 ha sẽ bố trí 7 cơ quan, diện tích 3-4 ha /cơ quan, tầng cao trung bình 12-15 tầng.
Với phương án này, việc chuyển đổi 13 cơ quan cần nhu cầu tái chính 17.000 tỷ đồng, trong đó vốn chuyển đổi cơ sở cũ 12.000 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 5.000 tỷ đồng.
Chưa có đánh giá tác động về giao thông
Theo VIUP, cả 3 phương án quy hoạch hiện chưa có chi tiết tính toán, phân tích, đánh giá về tác động giao thông tại các khu vực lập quy hoạch.
Phương án phân chia khi di dời trụ sở 13 bộ, ngành khỏi nội thành ở cả khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì, VIUP đánh giá sẽ tạo ra được mặt bằng diện tích tương đối rộng cho các cơ quan xây dựng trụ sở làm việc. Đồng thời, giảm tải, phân tán lượng người làm việc tại 2 khu vực, không bị chất tải lớn tại hạ tầng 2 khu vực nêu trên.
Sơ bộ, VIUP đánh giá khu vực Tây Hồ Tây nằm trong tổng thể khu đô thị mới Tây Hồ Tây được quy hoạch phát triển hạ tầng đồng bộ, bao gồm các tuyến đường đối ngoại, tuyến đường chính đô thị, đường sắt đô thị, giao thông công cộng. Các dự án hiện có tại khu vực có mật độ dân số trung bình. Đây là khu vực có khả năng kết nối nhanh với trung tâm chính trị Ba Đình, có cơ sở hạ tầng hỗ trợ thuận lợi, đang được đầu tư phát triển hiện đại.
Tuy nhiên, việc phát triển mới 10.000 - 14.000 người làm việc nằm trong kế hoạch tính toán của khu vực Tây Hồ Tây thì cơ sở hạ tầng đô thị khu vực này khó đáp ứng được.
Còn khu vực Mễ Trì nằm trong vùng phát triển đô thị mở rộng phía tây của Hà Nội, kế cận với tuyến đường vành đai 3, trục hướng tâm đại lộ Thăng Long, đường Tố Hữu,… các tuyến đường này hiện đang bị áp lực tắc nghẽn giao thông khá trầm trọng. Nguyên nhân là khu vực này chưa được phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hình thành theo các dự án riêng lẻ, thiếu kết nối, các dự án đầu tư gần đây có quy mô rất lớn, nhiều công trình cao tầng, nên khu vực Mễ Trì chịu ảnh hưởng quá tại hạ tầng của các khu vực lân cận.
Hồng Khanh
Quận Thanh Xuân ‘nóng’ các khu đất sau di dời
Cử tri quận Thanh Xuân đề nghị thành phố quản lý chặt chẽ các khu đất của các đơn vị sau di dời. Tổ chức đấu giá công khai minh bạch, để tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.