- “Không gian mạng và việc tự do thông tin trên mạng internet mang lại những tiềm năng to lớn cho việc phát triển kinh tế, mang lại nhiều cơ hội phát triển cho đất nước” – GS Derek Reveron chia sẻ.
LTS: Theo số liệu thống kế của Công ty bảo hiểm Lloyd là một trong những công ty bảo hiểm lớn trên thế giới ở nước Anh ước tính các cuộc tấn công mạng với quy mô lớn trong những năm gần đây có giá trị thiệt hại lên đến 50 tỷ đô la.
Cũng theo số liệu thống kê của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCert), Việt Nam đã phải hứng chịu hơn 10 nghìn cuộc tấn công an ninh mạng trong năm 2017, ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu đô la Mỹ. Bộ Công An cũng cho hay năm qua Việt Nam có hơn 100 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng.
Chưa bao giờ an ninh mạng lại có tác động sâu rộng đến an ninh, kinh tế và văn hoá các quốc gia đến như vậy. Làm thế nào để phòng vệ và ngăn ngừa được những cuộc tấn công là vấn đề đau đầu của các quốc gia phát triển và đang phát triển, Việt Nam cũng không nằm ngoài nỗi lo đó.
Trước vấn đề nóng này, chương trình bàn tròn trực tuyến của VietNamNet xin trân trọng giới thiệu bạn đọc chủ đề “Chiến lược phòng vệ an ninh mạng cho một quốc gia” với sự tham gia của GS Derek Reveron – Nhà chiến lược phòng vệ về an ninh mạng đến từ Học viện Hải quân và Đại học Harvard, Hoa Kỳ.
Mời quý vị và các bạn xem Phần I tại đây video sau:
Cơ hội phát triển đất nước
Nhà báo Lan Anh: Xin được bắt đầu cuộc toạ đàm bằng câu nói của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: “Không có an ninh trên không gian mạng đồng nghĩa không có an ninh quốc gia”, ông có thể phân tích tầm quan trọng, vai trò của an ninh trên không gian mạng trong việc bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia?
GS Derek Reveron: Tôi cho rằng hầu hết các quốc gia ngày nay đều phải đối mặt với những hiểm họa từ an ninh mạng và không giống với những mối hiểm họa khác, vấn đề an ninh mạng ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia, các chính phủ. Chúng ta đang dành rất nhiều thời gian trên internet nhưng chưa có một phương thức nào để đảm bảo sự an toàn cho chúng ta.
Trong những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ tấn công mạng, chẳng hạn vài năm trước có vụ việc Bắc Triều Tiên bị tình nghi thực hiện cuộc tấn công mạng vào hãng Sony Pictures, và gần đây chính phủ Nga cũng bị tình nghi dùng những vấn đề liên quan tới an ninh mạng ảnh hưởng tới kết quả bầu của của Mỹ cũng như châu Âu. Chính phủ Mỹ cũng có những cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã có nhiều tác động và lấy rất nhiều thông tin bảo mật quốc gia.
GS Derek Reveron và Phó Tổng biên tập báo VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nhà báo Lan Anh: Mỹ và Trung Quốc là những cường quốc mạnh về an ninh mạng trên thế giới. Ông có thể phân tích chính sách của chính phủ Hoa Kỳ về an ninh mạng có những điểm gì nổi bật và đáng chú ý?
GS Derek Reveron: Ở Mỹ có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực Internet như Apple, IBM hay Microsoft và hầu hết các doanh nghiệp này chịu sự ảnh hưởng của Internet rất lớn. Do đó, về mặt chính sách, phía chính phủ Mỹ có chủ trương hạn chế tối thiểu việc ban hành chính sách quy định ngành Internet, bởi vì khi có quá nhiều chính sách sẽ ảnh hưởng đến sự tự do của các doanh nghiệp. Vì vậy, các chính sách liên quan đến an ninh mạng được đưa ra bởi các doanh nghiệp là chính.
Nhà báo Lan Anh: Ông có thể chia sẻ một câu chuyện cụ thể về doanh nghiệp ở Mỹ khi bị tấn công thì việc ứng cứu sự cố được diễn ra như thế nào?
GS Derek Reveron: Trước hết tôi phải nói rằng trách nhiệm để ứng phó với an ninh mạng là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, tùy theo quy mô của cuộc tấn công mà những công ty nào không đủ năng lực tự khắc phục xử lí những vụ tấn công đó thì họ có thể nhận được sự hỗ trợ từ Ủy ban an ninh mạng của Mỹ tức là một cơ quan tương tự như phía an ninh của Việt Nam, hay Bộ Công an của Việt Nam hoặc là những đơn vị FBI.
Tôi cũng nói thêm, tùy theo quy mô của từng vụ tấn công chẳng hạn cuộc tấn công đó được cho rằng từ một chính phủ nước ngoài thì sẽ có sự can thiệp của CIA hoặc Nhà trắng. Còn nếu cuộc tấn công đó được xác định từ một tổ chức ở nước ngoài thì có thể FBI sẽ tham gia và xác định tổ chức đó nằm ở nước nào và làm việc với chính quyền nước đó. Trong lịch sử Mỹ đã có những trường hợp chẳng hạn như chính phủ của những nước Đông Âu cũng phối hợp với FBI để xử lý những vụ việc như thế này.
Nhà báo Lan Anh: Sau đó Mỹ đã có những thiết chế thế nào để xử lý những tội phạm mạng, giải quyết những tranh chấp trên mạng thưa ông?
GS Derek Reveron: Trong luật của Mỹ, việc lấy cắp những thông tin trên mạng là vi phạm luật của quốc gia. Chính phủ Mỹ sẽ sử dụng những hình thức phạt cho những đối tượng tấn công. Trong lịch sử cũng có trường hợp FBI tìm ra những hacker đến từ Nga, Trung Quốc từ đó chính phủ Mỹ đã làm việc với chính phủ Nga và Trung Quốc để yêu câu những quốc gia này phải có biện pháp xử lý những vấn đề an ninh mạng nhằm giảm thiểu hacker.
Nhà báo Lan Anh: Còn Trung Quốc thì sao? Tôi được biết Trung Quốc nổi lên như một biểu tượng sức mạnh to lớn trong thế kỷ XXI là nhờ có không gian mạng, theo ông những điểm lợi hại trong chính sách an ninh mạng của Trung Quốc là gì?
GS Derek Reveron: Chính phủ Trung Quốc thì hoàn toàn trái ngược với chính phủ Mỹ. Chính phủ Trung Quốc đưa ra rất nhiều quy định liên quan tới thông tin mạng trên internet, giới hạn nhiều thông tin. Quả thực, khi đến Việt Nam tôi thấy rất phấn khởi vì Việt Nam có thể sử dụng Facebook một cách tự do trong khi đó, ở Trung Quốc tôi hoàn toàn không sử dụng được trang mạng xã hội này.
Gs Derek Reveron: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng tự do trong thông tin sẽ mang tới rất là nhiều cơ hội phát triển cho các quốc gia". Ảnh: Lê Anh Dũng |
Đó là lí do mà tôi thích mô hình Việt Nam hiện nay. Bởi vì, không gian mạng hay những thông tin trên mạng internet mang lại những tiềm năng to lớn cho việc phát triển kinh tế, mang lại những cơ hội phát triển cho đất nước. Chẳng hạn, tôi có thể tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay và khi trở về Boston, tôi vẫn có thể xem lại buổi phỏng vấn này trên mạng internet.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng tự do trong thông tin sẽ mang tới rất là nhiều cơ hội phát triển cho các quốc gia.
Phối hợp giữa các nguồn lực
Nhà báo Lan Anh: Tôi được biết ông đã có những nghiên cứu rất kỹ lưỡng để đưa ra chiến lược phòng vệ an ninh mạng của một quốc gia, ông có thể phân tích những điểm đáng chú ý trong chiến lược của ông là gì?
GS Derek Reveron: Để có một chiến lược an ninh quốc gia chính xác trước hết phải xác định được những đơn vị liên quan tới vấn đề an ninh mạng chẳng hạn như ở Việt Nam có những công ty viễn thông như Viettel. Việc đầu tiên chính phủ Việt Nam cần xác định những nhóm liên quan đến vấn đề này. Sau đó, có thể cần có sự tham gia của Bộ Ngoại giao Việt Nam bởi vì những vấn đề an ninh mạng thường mang tính toàn cầu chứ không chỉ ở một quốc gia và Bộ Ngoại giao sẽ làm việc với chính phủ nước khác. Như vậy chiến lược an ninh mạng của mỗi quốc gia phải phù hợp với cơ chế pháp luật cũng như văn hóa của từng nước.
Thông thường ở Mỹ quy định các doanh nghiệp thường chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh mạng của chính doanh nghiệp đó. Ở Châu Âu, họ lại có những quy định chặt chẽ về vấn đề tự do, về bảo mật thông tin cá nhân. Chẳng hạn, khi người Châu Âu tra cứu trên Google thấy tên của họ thì họ hoàn toàn có quyền yêu cầu Google phải bỏ tên họ trong kết quả search để đảm bảo quyền bảo mật thông tin cá nhân.
Nhà báo Lan Anh: Như những gì ông đã phân tích thì tôi hiểu rằng một chiến lược phòng vệ an ninh mạng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các nguồn lực từ chính phủ, doanh nghiệp đến người dân là rất quan trọng?
GS Derek Reveron: Đúng vậy. Vấn đề phối hợp giữa các đơn vị liên quan rất quan trọng. Chính phủ cần đưa ra những vấn đề quan trọng, thiết yếu, từ đó xác định các nhóm hoặc các đơn vị có liên quan để hợp tác với nhau. Chẳng hạn là ngân hàng, vì ngân hàng là đối tượng thường hay bị tấn công về an ninh mạng nhất do nhiều kẻ xấy muốn lấy cắp tiền từ ngân hàng. Khi một ngân hàng có vấn đề có thể liên kết với các ngân hàng khác cùng xử lý vấn đề này. Rõ ràng rất quan trọng để đảm bảo những thông tin được trao đổi giữa các đơn vị liên quan.
GS Derek Reveron là Trưởng khoa An ninh Quốc gia, Học viện Hải quân Mỹ (Naval War College), ông cũng đồng thời là Giáo sư thuộc Trung tâm Belfer Center – trường Đại học Harvard (Trung tâm Belfer Center là Trunng tâm về chiến lược an ninh, quan hệ quốc tế quan trọng và có uy tín, có ảnh hưởng nhất trong số các trường đại học trên thế giới). Giáo sư là thành viên Hội đồng các nhà Tư tưởng của Diễn đàn Toàn cầu Boston và thành viên Nhóm Sáng kiến Xã Hội Vạn Vật Trí Tuệ Nhân Tạo (AIWS). Ông là sĩ quan phục vụ trong Hải quân trừ bị, ông đã từng công tác tại Bộ tổng tham mưu, Trụ sở tối cao của Liên minh Châu Âu, Bộ Tư lệnh Miền Nam Hoa Kỳ, Bộ Tư lệnh Hải quân Trung tâm Hoa Kỳ và Ban Sứ mệnh Đào tạo NATO-Afghanistan (NATO Training Mission-Afghanistan). Ông nhận bằng Thạc sỹ về Khoa học chính trị và bằng Tiến sĩ về phân tích chính sách công từ Đại học Illinois ở Chicago. |
(Mời xem tiếp Phần II đăng ngày mai)
VietNamNet
Thực hiện: Lan Anh
Video: Xuân Quý, Bạt Tuấn, Huy Phúc, Đức Yên