- Nếu VN cứ đi theo vết cũ, chờ đợi ý kiến đồng thuận rồi mới dám làm thì quá trình cải cách tiếp tục chậm chạp. Trong khi, nền kinh tế đã đi đến điểm chuyển, không cho phép ta lẩn tránh, trì hoãn được nữa - TS Lưu Bích Hồ và TS Trần Đình Thiên nhận định.

>> "Chỗ cần nhà nước thì không thấy đâu"!

>> Định nghĩa mới về kinh tế thị trường định hướng XHCN

VietNamNet giới thiệu kỳ cuối bàn tròn về kinh tế thị trường định hướng XHCN với TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư và TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN.

Nhà nước ôm hết mới an tâm

Nhà báo Việt Lâm: Ngay trong phiên họp thường kỳ Chính phủ, một số thành viên Chính phủ đã nêu ra lo ngại “chệch hướng” khi bàn về chủ trương xã hội hóa y tế, giáo dục…Nghĩa là ngay các nhà hoạch định chính sách ở cương vị người đứng đầu ngành như vậy mà vẫn còn sợ chệch hướng.

TS Trần Đình Thiên: Dùng từ xã hội hóa là không chuẩn về mặt khoa học. Ngày xưa, xã hội hóa có nghĩa là nhà nước công hữu hóa tài sản của tư nhân thành tài sản chung của xã hội. Bây giờ, ta lại dùng từ xã hội hóa để chỉ những việc nhà nước không làm được nên phải huy động nhân dân góp vốn vào. Hai quá trình này ngược nhau mà dùng chung một khái niệm là không công bằng. Chệch hay với không chệch hướng chính là ở chỗ đó.

TS. Lưu Bích Hồ: Tôi không hiểu tại sao có những đồng chí vẫn còn lo chuyện chệch hướng như Thủ tướng nói bệnh viện có tính chất cổ phần, công ty, trường học phải tự chủ. Theo tôi hiểu chắc là các vị đó lo ngại nhà nước mà buông ra thì tư nhân khống chế, tư nhân khống chế thì không đảm bảo được lợi ích cho quảng đại nhân dân. Suy nghĩ đó cũng có phần nào chính đáng nhưng các vị không hiểu rằng nhà nước không thể ôm lấy để lo tất cả được. Ông phải huy động lực lượng xã hội tham gia đầu tư, cung cấp dịch vụ công. Trong khi đó, nhà nước vẫn phải quản trị bằng cách dung công cụ chính sách để điều tiết, phân phối công bằng, hợp lý. Cách làm như vậy nhiều nước đã thực hiện, ví dụ như các nước Bắc Âu, Đức…chứ chúng ta không phải là người đầu tiên. Ví dụ như các nước Bắc Âu, Đức là những nước có chế độ phúc lợi xã hội rất tốt.

Mấy năm gần đây, Nghị định 25 của Chính phủ về tự chủ của các trường đại học và các đơn vị sự nghiệp công đã triển khai được một bước rất quan trọng. Nhờ vậy, khoa học công nghệ và giáo dục mới sát với thực tiễn hơn. Nếu nhà nước cứ bao cấp hết thì vừa không thể đủ nguồn lực, vừa thiếu hiệu quả, thậm chí lãng phí, tiêu cực.

Rõ rang, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Phải mổ xẻ tất cả những vấn đề đó ra theo tiêu chuẩn cao nhất là hiệu quả. Đã là kinh tế thị trường thì phải có hiệu quả. Hai là, phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Thực ra, trong giai đoạn này, khi chúng ta chưa thực sự có kinh tế thị trường hoàn chỉnh thì vai trò của nhà nước lại rất quan trọng. Song không phải ông cứ đi đầu tư, cứ ôm vào thì ông mới quan trọng mà là ông phải điều hành quản trị nền kinh tế làm sao để nó phát triển tốt, phân bổ nguồn lực hiệu quả, phân phối công bằng, mang lại lợi ích cho đại đa số nhân dân. Việc ấy chúng ta làm còn chật vật, mệt mỏi lắm. Vậy mà ta cứ lo lao vào xây cầu, làm đường trong khi những việc ấy có thể huy động được nguồn lực của người dân.

{keywords}
TS Lưu Bích Hồ. Ảnh: Lê Anh Dũng



Việc đáng làm không làm

Việt Lâm: Nhưng muốn quản trị tốt thì phải thiết kế được luật chơi tốt đúng không?

TS Trần Đình Thiên: Nhận xét của anh Hồ rất xác đáng rằng nhiều người sợ nhà nước buông ra là chết. Thực ra là phân công đúng người đúng việc. Ông nhà nước phải nắm lấy việc của nhà nước, còn việc đầu tư phát triển là của giới kinh doanh, kể cả DNNN.

Nếu bệnh viện hoạt động theo nguyên tắc thị trường với tư cách là một doanh nghiệp xã hội, nhà nước có thể không cần đầu tư cái bệnh viện ấy nữa. Nhà nước buông đầu tư ra nhưng vẫn quản trị với tư cách là quản lý nhà nước điều hành một lực lượng cung ứng dịch vụ xã hội, chứ không phải để cho anh tự tung tự tác.

Vấn đề là xưa nay nhà nước không làm đúng việc của mình. Đầu tư phát triển không phải việc của mình thì cứ xông vào đấy. Chẳng hạn cạnh tranh thị trường mà cứ nhảy xổ vào điều hành giá cả. Kết cục ông càng làm càng rối. Trong khi việc của ông là căn cứ thị trường để đưa ra luật chơi và giám sát luật chơi: ai đầu cơ, lạm dụng chức quyền thì xử lý mạnh tay. Thế nhưng, việc đáng làm lại không làm.

Câu chuyện ở đây là giữa thị trường và nhà nước: việc ai nấy làm, đúng người đúng việc thì hệ thống chạy tốt. Nhà nước ta rất sợ buông ra thì thị trường làm khổ dân, nhất là cách nhìn về thương lái còn méo mó. Ngay cả báo chí hay phê phán thương lái đầu cơ, hành hạ nông dân. Cách nghĩ như vậy không đúng. Cứ để họ vận hành theo nguyên tắc thị trường. Nếu làm sai nguyên tắc thì nhà nước xông vào.

Thẳng thắn mà nói thì năm vừa rồi, cung cách tư duy quản lý nhà nước đã có những bước xoay chuyển tốt, có tính thị trường cao hơn. Chúng ta đã làm được vài việc cụ thể. Mặc dù những việc này chưa có tác động xoay chuyển căn bản, nhưng báo hiệu sự xoay chuyển. Chẳng hạn như tư duy về luật DN đã đi theo hướng mở ra cho dân, tức là tư duy chọn cho chọn bỏ, trừ những lĩnh vực nhà nước ghi rõ không được làm.

Hay là cách tiếp cận đầu tư công. Trước kia một dự án được cho một cục tiền, ví dụ 1000 tỷ nhưng không biết bao giờ mới có 1000 tỷ. Thành ra cứ đề ra 10 năm, mỗi năm rót cho 100 tỷ, không có cam kết gì cả. Kết cục năm nào cũng phải đi xin, năm thì 20 tỷ, năm thì 50 tỷ, dẫn tới công trình chưa làm xong đã hỏng mất rồi. Bây giờ, bỏ cơ chế xin-cho bằng thao tác vô cùng đơn giản: ông cứ tìm được cam kết về vốn theo lộ trình thì tôi sẽ cho phép ông làm và tôi là người giám sát lộ trình. Nếu ông làm sai là chết với tôi! Thế là câu chuyện thay đổi hẳn. Cách tiếp cận này là cách tiếp cận cam kết trách nhiệm, mà kinh tế thị trường quan trọng nhất là những hợp đồng, giao kèo như thế.

Tương tự đối với cổ phần hoá. Xưa nay cứ bàn mãi, bao nhiêu người chịu trách nhiệm nhưng cuối cùng lại là không ai chịu trách nhiệm gì cả nên cổ phần hoá rất chậm chạp. Nay chỉ cần tuyên ngôn đơn giản là ông chịu trách nhiệm cổ phần hoá đúng không? Nếu không cổ phần hoá được thì mời ông đi cho. Hay như phong cách của Bộ trưởng Đinh La Thăng, gây sốc nhưng hiệu quả ở chỗ nếu ông đã nhận làm thì là cam kết trách nhiệm, còn ông không làm được thì ông nghỉ. Nói cách khác, đây là cách điều hành để thị trường có không gian hoạt động, nhà nước giám sát trách nhiệm.

Tôi tin là thái độ của nhà nước với doanh nghiệp đã khác đi nhiều. Ví dụ như chuyện giảm thuế. Suốt từ 2010 đến 2014, chúng ta chỉ giảm được 70 giờ làm thuế mà năm nào ngành thuế cũng có thành tích. Năm vừa rồi, Chính phủ gây sức ép kiểu: nếu ông không giảm được thì ông không ngồi ở đấy nữa. 3 tháng sau giảm được 290 giờ, trong khi 5 năm chỉ giảm được 70 giờ. Hoá ra câu chuyện ở chỗ không chỉ vấn đề giảm giờ giúp cho doanh nghiệp mà cái cách xử sự của bộ máy với doanh nghiệp nó khác hẳn đi. Trước kia, ông làm chậm để kiếm chác, để doanh nghiệp phải hầu hạ. Động cơ lợi ích ngược nên càng không làm ông kiếm ăn càng khoẻ. Giờ đảo ngược động cơ, áp trách nhiệm cá nhân lên là chuyển biến ngay lập tức.

{keywords}
TS Trần Đình Thiên. Ảnh: Lê Anh Dũng


TS Lưu Bích Hồ: Tôi muốn nhấn mạnh ý mà Việt Lâm có đặt ra là vai trò quản trị của nhà nước. Thị trường thì cứ để vận hành đầy đủ, nhưng nhà nước phải quản trị để thị trường thực hiện đúng chức năng của nó.

Tôi lấy ví dụ lúa gạo ở ĐBSCL. Nông dân bán lúa với giá rẻ nhưng đến tay người tiêu dùng là giá cao. Ăn chênh lệch giá đến 2/3 là các khâu trung gian bao gồm các DNNN, các hiệp hội lương thực rồi cả các DN nước ngoài. Từ sản xuất đến khâu thu gom và cung ứng không hình thành được chuỗi mà bị chặt khúc ra. Vậy thì vai trò của nhà nước ở đâu. Tôi thấy các sở nông nghiệp không mấy quan tâm. Trung tâm VEPR của TS Nguyễn Đức Thành đã tổ chức các cuộc điều tra, đưa ra những số liệu đáng tin cậy cho thấy người nông dân thiệt thòi như thế nào. Thủ tướng yêu cầu thu nhập thực tế của người nông dân phải đạt 30% sau khi trừ đi mọi chi phí, nhưng điều tra cho thấy người nông dân chỉ được tối đa 20% thôi. Năm nào chúng ta cũng lặp lại chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa mà không đi sâu thảo luận tổ chức chuỗi ra làm sao, vai trò nhà nước như thế nào.

Khi nói đến thị trường thì không thể bỏ qua hay làm nhẹ vai trò của nhà nước được. Nhưng vấn đề là nhà nước phải thiết kế được luật chơi tốt và quản trị hiệu quả luật chơi đó thì mọi chuyện mới yên ổn. Còn nếu cứ như hiện nay, luật chơi chưa đủ, hay có luật chơi nhưng không quản trị được thì đó không phải là nền kinh tế thị trường mà chúng ta mong muốn.

TS Trần Đình Thiên: Cuộc bàn luận của chúng ta nãy giờ thiếu mất một vế, đó là hội nhập. Mặc dù VN mới thoát khỏi vị thế một nước lạc hậu sang nước thu nhập trung bình thấp nhưng ta đang hội nhập với mức độ cam kết cực kỳ cao (đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP). Chúng ta tham gia vào cuộc chơi có mức độ tự do hoá cao độ, với những đòi hỏi khắt khe nhất về tiêu chuẩn, thể chế, với những ràng buộc thể chế của thế giới ở trình độ cao nhất. Nói cách khác, ta còn đang lúng túng với những vấn đề về cấu trúc thị trường của chính mình mà lại chấp nhận tham gia cuộc chơi toàn cầu hoá, tự do hoá ở mức cao nhất.

Vậy thì kinh tế thị trường của chúng ta sẽ là kiểu gì? Định hướng XHCN của ta phải là một hệ thống hiện đại, đáp ứng được nhu cầu hội nhập ở đẳng cấp cao nhất, giúp cho nền kinh tế linh hoạt nhất và hỗ trợ doanh nghiệp có sức cạnh tranh lớn nhất.

Mặt khác của vấn đề là luật chơi của thế giới như WTO, TPP, các hiệp định thương mại tự do…đã quy định chúng ta phải chơi như thế nào. Nói cách khác, chúng ta sẽ buộc phải chấp nhận một cách tự giác và tuân thủ hệ thống thể chế của thế giới chứ không phải ta muốn chọn thế nào thì chọn. Ông muốn hay không thì ông vẫn phải chơi đúng luật ấy, tức là chỉ có cách chấp nhận kinh tế thị trường ở đẳng cấp cao nhất. Còn ông muốn gọi kinh tế thị trường bản sắc VN hay định hướng XHCN thì bản chất vẫn phải là kinh tế thị trường đẳng cấp cao.

Trong khi đó, nhìn lại ta thì như anh Lưu Bích Hồ nhắc đến chỉ số ICOR đã đủ rùng mình rồi, chứ chưa nhắc đến những chỉ số khác như lương, năng suất lao động (ICOR là chỉ số đo hiệu quả nền kinh tế, ICOR càng cao, hiệu quả càng thấp. ICOR của VN khoảng 5-6 trong khi các nước khu vực khoảng 2-3). Cho nên, nếu chúng ta không giải quyết được vế thứ hai của trò chơi là cạnh tranh và hội nhập tốt thì số phận của nền kinh tế thị trường sẽ bi đát.

Áp lực hội nhập không cho phép đi theo vết xe cũ

Việt Lâm: Điều TS Trần Đình Thiên vừa nói có nghĩa rằng áp lực hội nhập buộc chúng ta phải trả lời cho cụ thể, cho thấu đáo câu hỏi này. Chúng ta có muốn lẩn tránh hay trì hoãn cũng không thể, khi mà hội nhập đẳng cấp cao đã gần kề. Đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương sẽ hoàn tất trong năm nay. Nhưng điều mà nhiều độc giả băn khoăn là chỉ còn một năm nữa, Đại hội Đảng toàn quốc sẽ tiến hành. Bây giờ chúng ta mới xới ra tranh luận để thống nhất đưa vào văn kiện Đại hội định nghĩa về kinh tế thị trường XHCN liệu có kịp không?

TS Lưu Bích Hồ: Câu trả lời của tôi là có thể và cũng có thể là không thể. Có thể ở nghĩa là nếu chúng ta có đủ sự dũng cảm chính trị. Đảng đã phát động cho đảng viên tham gia đóng góp xây dựng Văn kiện Đại hội từ cấp chi bộ và sau này sẽ công bố ra toàn dân. Anh em trong giới trí thức vẫn kỳ vọng nếu như Đảng thấy nhiều ý kiến của nhân dân mà xác đáng thì tiếp thu và tu chỉnh cho những quan điểm tư duy đó thêm rõ ràng và đúng đắn. Đại hội Đảng là cao nhất, cái gì đã có cũng có thể xem xét lại bởi mỗi kỳ đại hội, Trung ương không thể xem xét lại quyết định của kỳ đại hội trước nhưng đến đại hội này thì có thể xem xét lại quyết định của đại hội trước.

Còn không thể ở nghĩa là nếu chúng ta vẫn cứ đi theo vết cũ, tức là cứ phải chờ đến khi có đồng thuận cao thì mới đổi mới được. Chúng ta chưa có cơ chế trưng cầu ý kiến toàn dân, cũng chưa có thể chế để dân trực tiếp góp ý kiến, cho nên các ý kiến đóng góp được phản ánh qua nhiều tầng lớp. Như tôi hiểu thì việc phản ánh qua nhiều tầng nấc như vậy có thể đến khâu cuối cùng sẽ là đa số đều đồng tình hết, không cần sửa gì nữa. Tôi đã trải qua 7 kỳ Đại hội biên tập văn kiện và tôi thấy là mỗi kỳ tiến lên được một bước thôi chứ chưa thể tiến lên như chúng ta mong muốn. Có những điều đã nghĩ ra từ cách đây 15-20 năm nhưng phải chờ đến hôm nay mới kết luận được, thậm chí có những vấn đề còn chưa kết luận được.

Thời gian một năm, ngắn thì ngắn nhưng vẫn kịp. Thậm chí đến Đại hội vẫn có thể thay đổi lại. Ví dụ, Đại hội XI, chúng ta đưa vào cương lĩnh “lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”. Trước đó, trong dự thảo, quan hệ sản xuất được gọi là chế độ công hữu nhưng đến khi ra Đại hội thảo luận, có mấy ý kiến đề nghị phải thay đổi đề xuất đó, vì vừa không phù hợp, vừa là tín hiệu xấu trong mắt các nhà đầu tư. Cuối cùng Đại hội đã biểu quyết và thay đổi.

Bởi vậy, tôi vẫn hi vọng Đại hội lần này sẽ chốt lại được những định nghĩa rất cơ bản, chính xác, khoa học của kinh tế thị trường định hướng XHCN rồi từ đó chúng ta chỉ hoàn thiện thể chế chính sách để triển khai, không bàn cãi nữa. Những vấn đề gì còn chưa thống nhất thì cũng bớt tranh cãi mà lấy thực tiễn là khảo nghiệm.

TS Trần Đình Thiên: Tôi nghĩ là chúng ta có thể làm được bởi bối cảnh lần này khác trước. Chúng ta đang đối mặt với tình thế buộc phải xoay chuyển. Một là vì những đòi hỏi về tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng mà chúng ta tranh luận suốt mấy năm qua đã tích nén lại quá lâu. Hai là vì tình huống buộc chúng ta phải chấp nhận đổi mới rất cao, bởi vì hội nhập đẳng cấp cao đến nơi rồi, buộc chúng phải có lập trường cụ thể hơn, đặc biệt là về mặt thị trường.

Logic của vấn đề đã rõ cả rồi. Nếu không viết cho logic mà câu nọ đá câu kia thì thành buồn cười. Ví dụ như bình đẳng mà lại có phân biệt đối xử thì thế nào gọi là bình đẳng. Nếu không phải định nghĩa cho rõ cái gọi là chủ đạo là thế nào. Mà định nghĩa đó phải không được xung đột với khái niệm bình đẳng, kể cả về mặt lôgic và hình thức.

Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống đã đi đến điểm mà ta viết kiểu gì thì nó vẫn theo cách mà cuộc sống đòi hỏi. VN đã ký cam kết với WTO là thực hiện kinh tế thị trường đầy đủ vào năm 2018. Ta có thể viết sai chính tả thành từ khác nhưng thực chất vẫn như vậy. Tốt nhất là đừng viết sai chính tả nữa.

Cách tiếp cận của Thủ tướng tôi cho là áp lực thực tiễn buộc phải như thế. Vì thế tôi càng có niềm tin.

TS. Lưu Bích Hồ: Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Thiên. Chính cuộc sống sẽ thúc đẩy cải cách. Không ý chí nào có thể cưỡng lại thực tiễn cuộc sống.

Xin cảm ơn hai vị khách mời!

  • VietNamNet