Muôn kiểu lừa đảo
Giữa thời điểm dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên khắp cả nước, ngoài những tổ chức, cá nhân chung tay cùng Đảng, Nhà nước và Chính phủ trên dưới một lòng hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vẫn còn đó những đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo từ thiện. Thủ đoạn của những đối tượng này hầu hết đều sử dụng công cụ mạng xã hội nhằm đăng tải những bài viết sai sự thật, bịa đặt những câu chuyện mang sức lan toả mạnh mẽ, lấy đi nhiều nước mắt của các nhà hảo tâm.
Điển hình nhất là trong những ngày qua, câu chuyện một nhóm giả mạo Facebook bác sĩ Trần Khoa (tự nhận đang công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy). Nhóm đối tượng này đã “vẽ” ra câu chuyện bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ, nhường cho sản phụ để lấy nước mắt cư dân mạng.
Vụ bác sĩ Khoa rút ống thở của cha mẹ để cứu sản phụ sinh đôi là không có thật, các đối tượng đã sử dụng ảnh và nội dụng ghép để lừa đảo lòng tin của mọi người |
Câu chuyện nhanh chóng được lan toả khắp mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Nhiều người không khỏi xúc động khi đọc được. Cùng với việc đưa ra câu chuyện cảm động thu hút lượng like, share tương tác khổng lồ, nhóm đối tượng đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh do chính nhóm này dàn dựng nên.
Chỉ đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc, nhóm đối tượng mới chấm dứt hành vi trục lợi từ thiện. Không ít các nhà hảo tâm đã chuyển tiền vào tài khoản nhóm đối tượng trên.
Câu chuyện “bác sĩ Khoa” không phải trường hợp lừa đảo duy nhất trong mùa dịch Covid-19. Thậm chí, các đối tượng khác còn nghĩ ra rất nhiều cách khác nhau nhằm chiếm đoạt tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm.
Nắm bắt được tình hình dịch bệnh diễn ra rất phức tạp trên địa bàn TP.HCM, nơi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ nhất được cả nước ưu tiên hỗ trợ nhân lực vật lực, nhiều đối tượng đã sử dụng danh nghĩa cá nhân tự động nhân danh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương TP.HCM và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương để quyên góp tiền, hiện vật. Bằng sự vào cuộc rốt ráo từ các cơ quan chức năng, những hành vi lừa đảo này nhanh chóng bị phát giác.
Trước đó, A05 phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam, bắt giữ Trần Văn Lâm (23 tuổi, ngụ tỉnh Hà Nam) để điều tra về hành vi lập Fanpage Facebook kêu gọi người dân ủng hộ tiền từ thiện rồi chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 6,6 tỷ đồng.
Rõ ràng, có thể nhận thấy, trong mùa dịch Covid-19, các đối tượng lừa đảo từ thiện đều sử dụng những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt bằng cách dàn dựng nhiều bài viết sai sự thật lấy đi nước mắt nhiều người với sức lan toả lớn trên mạng xã hội. Bởi các đối tượng này rất biết cách lợi dụng tâm lý đám đông, sự kém hiểu biết và cả sự nhẹ dạ, cả tin, dễ thương cảm của nhiều người nhằm dễ dàng chiếm đoạt số tiền lớn. Không phủ nhận mạng xã hội đem đến cho mọi người nguồn thông tin phong phú song không ít trong số đó là những thông tin thiếu sự kiểm chứng, dẫn đến việc các đối tượng lừa đảo dễ dàng “dắt mũi” nhiều người.
Khi “người giàu” cũng xin ăn
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP.HCM và Hà Nội đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Điều này vô hình chung khiến những người nghèo, lao động tự do lâm vào tình trạng thiếu thốn do ảnh hưởng trực tiếp đến việc mưu sinh.
Chính vì vậy, nhiều nhóm thiện nguyện đã san sẻ một phần gánh nặng cho xã hội bằng việc cung cấp lương thực, thực phẩm, đồ thiết yếu cho những người nghèo tại Hà Nội và TP.HCM. Hoạt động thiết thực đó phần nào giúp cho những người nghèo được hỗ trợ kịp thời để yên tâm chống dịch.
Trên địa bàn Hà Nội, nhiều phóng viên ghi lại cảnh những người có điều kiện đến tranh phần của người nghèo. Các tình nguyện viên làm nhiệm vụ không khỏi bất ngờ trước việc nhiều người đi xe tay ga, ăn mặc gọn gàng lịch sự đến "xin" đồ. Hay nhiều người đi tập thể dục không thiếu thốn gì sáng sớm cũng ghé qua những điểm từ thiện để lấy đồ. Vì vậy, số lượng hàng hoá thiết yếu ở nhiều điểm tập kết đồ từ thiện đến tay người nghèo chẳng được là bao.
Nhiều chiêu lừa đảo trên mạng xã hội để lợi dụng lòng tốt của mọi người |
Tại TP.HCM nơi dịch bệnh hoành hành, trong khi nhiều người nghèo, lao động tự do rơi vào cảnh khốn cùng thì một bộ phận những người có điều kiện vẫn đến tranh từng suất gạo, thùng mỳ tôm. Thậm chí, qua hệ thống loa phát thanh, chủ phát gạo, mỳ cũng liên tục nhắc nhở việc phát gạo chỉ dành cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn song dường như “người giàu” vẫn lạnh lùng bỏ ngoài tai.
Anh Chu Bá Định, phụ trách câu lạc bộ từ thiện Thiên Thần chia sẻ: “Việc từ thiện không chỉ cần cái tâm thương cảm, đồng cảm với từng hoàn cảnh khó khăn mà cần sự tỉnh táo để lòng tốt ko bị lợi dụng. Với tốc độ phát triển khủng khiếp của mạng xã hội dẫn đến việc thông tin lan toả nhanh chóng, đôi khi chỉ cần 1 vài hình ảnh mang sức lay động đã lấy đi nước mắt của nhiều người.
Sự thương cảm trong khoảnh khắc đôi khi khiến nhiều người thiếu cảnh giác dẫn đến việc các đối tượng lừa đảo dễ dàng lợi dụng nhằm chiếm đoạt tài sản. Đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì mọi thứ quá muộn và đối tượng lừa đảo đã thực hiện được hành vi của mình. Tôi nghĩ làm từ thiện trong mùa dịch này rất cần sự tỉnh táo để suy xét sự việc thấu đáo nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra với các mạnh thường quân"
Chị Phương Linh, thành viên trong nhóm "Hà Nội giúp nhau mùa dịch" đề xuất: "Chúng ta cần phối hợp với chính quyền địa phương bởi họ nắm rõ được tình hình dân cư đang sinh sống ở đó. Sau đó sẽ lập danh sách đến tận nơi để trao từng người, tránh trường hợp nhiều người đáng nhận thì không được nhận còn người không đáng nhận thì lại được nhận, như thế lòng tốt của mọi người sẽ bị lợi dụng và mất công sức bỏ ra".
Nhiều nhóm thiện nguyện kết hợp với địa phương đang hoạt động rất hiệu quả |
Vẫn biết rằng tình hình dịch bệnh phức tạp, khó khăn đều là chung của tất cả mọi người, nhưng sự kém nhận thức của một bộ phận không nhỏ những người có điều kiện phần nào khiến sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm dành cho người nghèo trở nên kém hiệu quả. Chưa kể, nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nhận được quà do có sự giành giật của những “người giàu”.
Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, mọi hoạt động giúp đỡ người nghèo đều rất đáng quý. Thế nhưng để những hoạt động này phát huy được hiệu quả với những người thực sự cần, ý thức san sẻ từ mỗi người là điều vô cùng quan trọng.
Phạm Bắc
Vợ chồng cùng chống dịch: "Đã nhất là thấy các bệnh nhân được xuất viện"
Nghe vợ thông báo đã đăng ký đi bệnh viện điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, anh Quý cười, nói: "Anh cũng thế!". Vậy là sau đó, hai vợ chồng gửi con nhỏ về nhà ngoại ở Củ Chi, cùng nhau "lên đường".