- Bạn tôi đến nhà người quen chơi, thấy người đó đang lên cơn vật vã vì nghiện ma túy. Thấy vậy, bạn tôi thương tình đồng ý đi mua giúp 0.5g ma túy theo chỉ dẫn của người kia. Nhưng trên đường về, bị cảnh sát khám xét, bạn tôi đã bị phát hiện. Xin hỏi luật sư bạn tôi có phạm tội không? Nếu có thì bị kết án bao nhiêu năm?

{keywords}
Bạn tôi đi mua ma túy hộ thì có coi là phạm tội? (Ảnh minh họa)

Thứ nhất: Hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy

“Tàng trữ trái phép chất ma túy là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất giấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người...) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này”.

Hành vi mua ma túy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 194 BLHS về “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy” nếu kết luận giám định thể hiện là chất ma túy và thỏa mãn các yếu tố quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự.

Thứ hai: Hành vi nhờ mua hộ chất ma túy.

Đối với hành vi nhờ mua hộ chất ma túy, Thông tư liên tịch số 17/ TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP tại điểm c mục 3.7  phần 2 quy định:

Khi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy cần phân biệt

c) Người nào biết người khác đi mua chất ma túy để sử dụng trái phép mà gửi tiền nhờ mua hộ chất ma túy để sử dụng thì người nhờ mua hộ phải chịu trách nhiệm hình sự về số lượng chất ma túy đã nhờ mua hộ. Người đi mua phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số lượng chất ma túy đã mua cho bản thân và mua hộ.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17 thì nếu tàng trữ ma túy thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm g mục 3.6 gồm:

Mục 3.6 Thông tư liên tịch 17 quy định 

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng dưới một gam;

b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng dưới không phẩy một gam;

c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng dưới một kilôgam;

d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng dưới năm kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng dưới một kilôgam;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có trọng lượng dưới một gam;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng từ mười mililít trở xuống

Theo đó, tùy vào số lượng chất ma túy mà người mua hộ cũng như người nhờ mua hộ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được.Trong trường hợp tàng trữ theo mục 3.6 thì người có hành vi tàng trữ sẽ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 21 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng). Nếu quá số lượng tại mục 3.6 bị xử lý hình sự.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc