- Em tôi làm việc trong một công ty Việt Nam về công nghệ thông tin với mức lương 5 triệu đồng/tháng. 

Tuy nhiên, công ty có những quy định rất nghiêm khắc và vô lý như: đi làm muộn 1 phút trừ 10.000 đồng, 2 phút trừ 20.000 đồng, 5 phút trừ 100.000 đồng. Nếu chỗ ngồi chưa kịp dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, có giấy rác vụn bị phạt 100-200.000 đồng.

Do đặc thù công việc thức khuya dậy sớm, tương đối bận rộn nên em tôi và các bạn đồng nghiệp thường xuyên bị phạt, có tháng số tiền phạt bị trừ vào lương lên đến 3 triệu đồng. Đồng thời công ty cũng không chịu đóng bảo hiểm cho nhân viên.

Xin hỏi luật sư công ty này làm như vậy có vi phạm pháp luật không? Em tôi và đồng nghiệp phải làm sao để bảo vệ quyền lợi của mình?

{keywords}
Lương 5 triệu nhưng có tháng bị phạt đến 3 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Thứ nhất: Việc trừ lương do người lao đông đi làm muộn hoặc về sớm.

Điều 128 Bộ Luật Lao động năm 2012 có quy định như sau:

“Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động:

1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.

2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động”.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc người lao động đi làm muộn có thể sẽ bị xử lý kỷ luật theo nội quy của doanh nghiệp. Do đó, khi người lao động đi làm muộn hoặc về sớm chỉ có thể bị xử lý kỷ luật lao động theo nội quy mà doanh nghiệp đã công bố.

Theo Điều 125 Bộ luật lao động 2012 hình thức xử lý kỷ luật lao động: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức; Sa thải.

Điều 101 Bộ luật lao động về khấu trừ tiền lương, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động.

Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.

Thứ hai: Quy định về việc đóng BHXH cho nhân viên.

Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

Căn cứ Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm:

“Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Nếu công ty không thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ - CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

“Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.”

Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh; Công ty Luật Themis; SĐT: 0986663459

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc