- Cách đây 1 tuần bạn tôi có uống rượu và tham gia giao thông. Bạn tôi không say nhưng khi CSGT kiểm tra nồng độ cồn thì lại vượt quá mức cho phép.

Bạn tôi một mực cãi lại người CSGT đó, thậm chí có còn túm mũ hất xuống đường, tát người cảnh sát và bị công an phường ở gần đó giữ lại. Hiện tại, bạn tôi đang có nguy cơ bị khép vào tội chống người thi hành công vụ.

Xin hỏi luật sư liệu trong trường hợp này, bạn tôi có khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự không? Mức phạt khoảng bao nhiêu? Bạn tôi có bị phạt cộng gộp cả lỗi vi phạm luật giao thông không?

{keywords}
Bạn tôi có nguy cơ bị kết tội chống người thi hành công vụ (Ảnh minh họa)

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau: 

Thứ nhất: Hành vi uống rượu khi tham gia giao thông

Đối với người điều khiển phương tiện ô tô khi tham gia giao thông, nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì bị xử lý theo quy định tại Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể như sau: 

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; 

- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; 

- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. 

Đối với người điều khiển phương tiện xe máy khi tham gia giao thông, nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì bị xử lý theo quy định tại Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở

Như vậy, tùy thuộc vào phương tiện được điều khiển cũng như mức độ cồn vượt quá mà bạn của bạn phải chịu mức xử phạt hành chính tương ứng. 

Thứ hai: Hành vi chống người thi hành công vụ.

Hành vi túm mũ hất xuống đường và tát người cảnh sát giao thông có thể được xác định là hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ. 

Tùy vào hậu quả xảy ra trên thực tế, cũng như mức độ nguy hiểm của hành vi mà bạn của bạn có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 2-5 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 257 Bộ luật hình sự, cụ thể: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…” 

Tư vấn bởi luật sư Hoàng Tuấn Anh, công ty Luật Themis; SĐT 0986663459; email [email protected].

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc