- Tôi và Phương yêu nhau gần một năm thì tính chuyện lâu dài. Tôi từng dẫn em về nhà gặp gỡ nên bố mẹ tôi hoàn toàn hài lòng về em. Nhưng cho đến ngày chính thức ra mắt gia đình Phương, tôi mới phát hiện ra "bố vợ tương lai" chính là người giữ vị trí cao nhất trong công ty mình (trước đó, em chỉ nói đơn giản, rằng bố mình làm kinh doanh buôn bán).
Nhưng may mắn, cả hai bên gia đình đều không phản đối mối quan hệ này, và vun vén cho hai đứa sớm kết hôn với nhau. Dù bố mẹ tôi đủ sức lo được đám cưới, gia đình Phương vẫn nói sẽ sẵn sàng hỗ trợ phía nhà trai nếu có khó khăn về mặt tài chính, bởi em là con út nên được chiều chuộng vô cùng.
Tuy nhiên, tôi không ngờ một điều rằng, khi chỉ còn một tháng nữa là đến đám cưới, thì bố mẹ em gọi tôi đến nhà yêu cầu một chuyện. Theo đó, gia đình Phương sẽ hồi môn cho con gái mình một mảnh đất ngay trung tâm thành phố và một số tiền không hề nhỏ. Bố em muốn trước khi đăng kí kết hôn, chúng tôi cần có một thỏa thuận tiền hôn nhân kèm theo điều kiện.
Cụ thể, sau khi kết hôn theo đúng quy định của pháp luật, nếu một trong hai bên ngoại tình, có người thứ ba mà người kia có đủ bằng chứng thì sẽ ly hôn. Người ngoại tình không được nhận bất kì một tài sản nào ngoài tài sản chung hai vợ chồng cùng gây dựng. Đồng thời, người đó cũng không được quyền nhận nuôi con cái hay thưa kiện ra tòa.
Nghe bố Phương nói, tôi cảm thấy không được thoải mái cho lắm. Vì tình cảm giữa hai đứa là thật sự, tôi chưa từng có suy nghĩ nào khác về điều kiện gia đình người yêu mình. Thậm chí, tôi còn có cảm giác bị xúc phạm bởi lời đề nghị của ông. Nhưng nếu từ chối thỏa thuận này, tức là tôi cũng từ chối đám cưới của mình.
Xin luật sư cho biết, nếu bản thỏa thuận đó được soạn như trên thì pháp luật có cho phép không không?
Tôi muốn lấy Phương nhưng lại không hài lòng về bản thỏa thuận đó (Ảnh minh họa) |
Theo khoản 1 Điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì:
“1. Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 của Luật này.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật này”
Điều 47 quy định về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng thì trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản phải bao gồm:
a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
d) Nội dung khác có liên quan.
Căn cứ các quy định nêu trên, bạn có thể lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận để xác định tài sản chung và tài sản riêng của mỗi người, nhưng phải lập trước khi kết hôn bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Trong đó, nội dung của văn bản thỏa thuận phải tuân thủ theo khoản 1 Điều 48 nêu trên.
Việc thỏa thuận nội dung “nếu một trong hai bên ngoại tình, có người thứ ba mà người kia có đủ bằng chứng thì sẽ ly hôn. Người ngoại tình không được nhận bất kì một tài sản nào ngoài tài sản chung hai vợ chồng cùng gây dựng. Đồng thời, người đó cũng không được quyền nhận nuôi con cái hay thưa kiện ra tòa” là không phù hợp. Pháp luật nói chung cũng không có điều khoản nào quy định về những nội dung trên.
Bên cạnh đó, quyền nuôi con và việc chia tài sản sau khi ly hôn sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc trong Luật hôn nhân và gia đình. Theo điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì sau khi ly hôn thì vợ, chồng vẫn có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái không ai có thể hạn chế quyền này của cha mẹ. Đồng thời, việc phân chia tài sản chung, tài sản riêng được phân chia theo nguyên tắc quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình: do các bên thỏa thuận hoặc có thể yêu cầu Tòa án chia.
Như vậy, anh chị có thể thỏa thuận về chế độ tài sản lập thành văn bản và công chứng hoặc chứng thực. Còn các nội dung khác nói trên là không phù hợp với quy định của pháp luật nên văn bản ấy sẽ không được công chứng, chứng thực.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc