- Sau bữa tiệc sinh nhật bạn, em trai tôi uống quá say nên nhờ một người bạn chở về. Trên đường về, do phóng xe quá tốc độ không làm chủ được tay lái, người bạn đó đâm phải xe đi ngược chiều, khiến người này chấn thương nghiêm trọng phải nhập viện cấp cứu.

Công an kết luận, ngoài bạn em tôi có lỗi thì người bị đâm cũng có lỗi do không đội mũ bảo hiểm. Xin hỏi luật sư khi đó em trai tôi đang ngồi đằng sau thì có phải chịu trách nhiệm gì không?

{keywords}
Em tôi ngồi đằng sau xe thì có phải chịu trách nhiệm không? (Ảnh minh họa)

Theo quy định của Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 thì:

“Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Nếu trong trường hợp của người bạn điều khiển xe khi say rượu gây tai nạn chết người có thể sẽ bị truy cứu theo khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự với mức phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Hơn nữa, ngoài bị truy cứu trách nhiệm về mặt hình sự thì phải bồi thường theo quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự 2005.

Nếu trong trường hợp hoàn toàn do lỗi của người bạn gây ra tai nạn này thì người bạn ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự thì còn phải bồi thường đối với thiệt hại của mình gây ra.

Đối với người ngồi đằng sau: Theo quy định trên thì chỉ có người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm mới bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự và phải bồi thường theo quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự 2005 còn người ngồi đằng sau không trực tiếp điều khiện phương tiện thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, nếu như người ngồi đằng sau là chủ của phương tiện đã gây ra tai nạn thì vấn đề bồi thường sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự.

Đồng thời nếu như người ngồi đằng sau là chủ phương tiện giao thông mà việc giao cho người đằng trước điều khiển phương tiện mà người đằng trước không đủ tuổi theo quy định hoặc không có giấy phép lái xe phù hợp thì người ngồi đằng sau cũng có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 30 Nghị định 171/2013 NĐ-CP:

"3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông".

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc