- Tôi thuê nhà của một người, nhưng khi ký hợp đồng thì hợp đồng đó không có công chứng, phần ghi tên người cho thuê lại là tên của công ty người đó lập ra, không có dấu, chỉ có chữ ký của người đó (là người đại diện).
Vậy nếu sau này xảy ra tranh chấp, hợp đồng đó có hiệu lực không? Nếu không thì giải quyết theo hướng hợp đồng vô hiệu hay vẫn theo thỏa thuận trong hợp đồng?
Hợp đồng không dấu, tranh chấp thì làm thế nào? (Ảnh minh họa) |
Thông tin bạn cung cấp chưa đủ để trả lời là hợp đồng có vô hiệu hay không. Chúng tôi cung cấp thông tin để bạn tham khảo về điều kiện của hợp đồng có hiệu lực. “Điều 122. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.”
Về nội dung hợp đồng thuê nhà cần đáp ứng quy định Điều 494, 495 Bộ luật Dân sự 2005. Nghĩa vụ của bên cho thuê nhà giao nhà cho thuê đúng hợp đồng, bảo đảm sử dụng ổn định nhà trong thời gian thuê. Nhà cho thuê phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bên thuê hoặc phải được bên cho thuê nhà đồng ý bằng văn bản. Theo Điều 119 Luật Nhà ở 2014, điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở phải là chủ sở hữu nhà hoặc được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở, nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân.
Đối chiếu Khoản 2, Điều 122, Luật Nhà ở năm 2014 quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng về nhà ở lại quy định đối với trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Như vậy, đối với trường hợp các hợp đồng cho thuê nhà ở được ký kết từ ngày Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực (từ ngày 1/7/2015) không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên giao kết hợp đồng có nhu cầu.
Nếu một người đại diện pháp nhân ký hợp đồng với đối tác phải đáp ứng Điều 91 Bộ luật Dân sự: Điều 91. Đại diện của pháp nhân
1. Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền. Người đại diện của pháp nhân phải tuân theo quy định về đại diện tại Chương VII, Phần thứ nhất của Bộ luật này.
2. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
Luật Doanh nghiệp 2014, Điều 44. Con dấu của doanh nghiệp
Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc