- Em tôi là người trung gian cho vay nặng lãi, tức em tôi đi vay của người này và cho người khác vay với lãi cao hơn để ăn chênh lệch.
Điều này những người cho vay đều biết bởi cũng là một mối làm ăn. Thế nhưng do có người bùng tiền không trả, có người khác trả nhưng em tôi lại tiêu tiền quá đà dẫn đến việc không có tiền trả cho chủ nợ đúng hạn.
Sau một thời gian, em tôi bị chủ nợ đến đòi, dọa giết, cho đầu gấu đến đập phá đồ đạc trong nhà nên đã bỏ trốn. Người này đã dọa kiện em tôi vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Xin hỏi luật sư, trường hợp của em tôi nếu không trả được nợ cho người kia và bỏ trốn thì có phạm pháp không? Nếu mọi chuyện vỡ lở ra thì người cho vay có bị chịu tội về việc cho vay nặng lãi không? Căn cứ vào đâu?
Em tôi làm trung gian cho vay nặng lãi nhưng lại không có tiền trả (Ảnh minh họa) |
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:
1. Người cho vay có bị chịu tội về việc cho vay nặng lãi không?
Điều 163 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội tội cho vay lãi nặng như sau:
“1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Như vậy, để xem xét việc người cho vay có phải chịu hình sự về việc cho vay nặng lãi hay không cần phải xem xét cụ thể 2 yếu tố: (i) Mức lãi vay cao hơn mức lãi cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên; (ii) Có tính chất chuyên bóc lột.
(i) Tại thời điểm hiện tại, mức lãi suất mà pháp luật cho phép không được quá 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước, tức không quá 13,5 %/1 năm. Như vậy mức lãi suất để cấu thành tội cho vay nặng lãi ít nhất là 135%/ 1 năm
(ii) Có tính chất chuyên bóc lột có thể được hiểu là người cho vay chuyên nghiệp, cho vay nhiều lần, cho nhiều người vay, kiếm sống bằng nghề cho vay …
2. Trường hợp của em bạn nếu không trả được nợ cho người kia và bỏ trốn thì có phạm pháp không?
Theo như thông tin bạn cung cấp thì em bạn đã vay tiền, sau đó không có khả năng chi trả nên đã bỏ trốn nhắm trốn tránh việc trả nợ. Hành vi này của em bạn có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 như sau:
“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.”
Vì vậy, trong trường hợp này, để tránh rủi ro pháp lý không mong muốn thì bạn cần khuyên em bạn không nên bỏ trốn mà nên thương lượng với chủ nợ để tìm phương án trả nợ phù hợp. Trong trường hợp, chủ nợ có hành vi đe dọa hoặc hành hung, đập phá tài sản thì em bạn thì em bạn có quyền tố cáo hành vi này tới Cơ quan Công an để can thiệp, bảo vệ quyền lợi của mình.
Tư vấn bởi luật sư Hoàng Tuấn Anh. Công ty Luật Themis; Mail: [email protected]; DĐ: 0986663459
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc