- Đầu tháng 2/2017, Báo VietNamNet tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của Bạn đọc.

TIN BÀI KHÁC

1. Bạn đọc [email protected] gửi email chia sẻ về Ngày lễ Tình yêu 14/2: “Chúng ta gặp nhau, là người bạn đồng hành, cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng hoàn thiện lẫn nhau, giúp bản thân mỗi người tốt hơn, hạnh phúc hơn mỗi ngày. Chúng ta cùng thực hiện sứ mệnh: Sống để nở hoa – Sinh ra để phụng sự. Bằng cách sống làm gương, sống hòa hợp, hạnh phúc, chúng ta tạo cảm hứng cho con cháu, cùng những người xung quanh; cùng nhau tạo ra những giá trị thiện lành, kết nối những con người thiện lành, gieo những hạt thiện lành để con cháu mai sau được sống trong một thế giới thiện lành; mỗi ngày không ngừng tạo ra giá trị cho đời, và không ngừng hướng về nhau. Cuộc sống là một hành trình, trong đó có hành trình dẫn lối chúng ta gặp nhau, gặp nhau để hạnh phúc. Hạnh phúc cho anh, cho em và những người chúng ta yêu thương”.

2. Bạn đọc Nguyễn Thị Hải (Hà Nội) gửi email đề ngày 12/2/2017 nêu ý kiến: Thủ đô Hà Nội, TP.HCM là 2 đô thị có nhiều đường phố được quy hoạch từ thời Pháp, với các hàng cây xanh cổ thụ rợp bóng mát. Những hàng cây đại thụ ấy chính là tài sản, là vốn quý trong đô thị. Vậy mà nhiều người thiếu ý thức, chỉ vì cây đứng chắn phía trước cửa hàng cửa hiệu nhà họ, đã âm thầm đầu độc bằng cách đổ dầu nhớt, đổ nước đun sôi, nước muối  quanh gốc cây, mang dao rựa ra đẽo vỏ cây… Không sớm thì muộn, những cây bị đầu độc, xâm hại đó sẽ chết. Vì vậy chính quyền đô thị, các cơ quan chức năng có thầm quyền không thể thờ ơ, xem nhẹ và bỏ qua như lâu nay được; phải thường xuyên kiểm tra giám sát những hàng cây xanh, phát hiện cây bị xâm hại lập tức ngăn chặn. Những cây xanh cổ thụ bị xâm hại theo kiểu tàn độc đến chết thì phải điều tra, khi phát hiện kẻ hủy hoại cây xanh phải phạt thật nặng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự để ngăn ngừa tái diễn.

{keywords}

Cây xanh đường Láng, Hà Nội bị đục vỏ (Ảnh VietNamNet)

3. Bạn đọc Nguyễn Gia Long ở  số 58/24, khu phố 3, tổ 9, đường Tân Lập 1, phường Hiệp Phú, quận 9, TP. Hồ Chí Minh gửi email đề ngày 11/2/2017 nêu ý kiến: Từ tháng 2/2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về việc xử lý các vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng có hiệu lực, thì rất nhiều người dân  lo ngại vì:  Mới chỉ có các quận trung tâm của các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... nhà vệ sinh công cộng được xây dựng, lắp đặt khá nhiều, có mỹ quan đẹp. Còn vùng ven đô, ngoại thành thì tìm mỏi mắt mới thấy, thậm chí không hề có nhà vệ sinh công cộng! Vì vậy, rất mong chính quyền các đô thị trong quy hoạch phát triển thành phố, đừng quên xây dựng, lắp đặt các điểm nhà vệ sinh công cộng; cần vươn ra các vùng ven đô, phụ cận, cũng như đặt tại các trục lộ giao thông đông đúc, tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt, cũng như nâng tầm ý thức của mọi người trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống...

4. Bạn đọc tên Hiếu ([email protected]) gửi email đề ngày 9/2/2017 phàn nàn về “Tình trạng lạm thu phí trên tài khoản thẻ ATM”: Khi chúng tôi thực hiện chuyển khoản nội mạng Vietinbank (qua ứng dụng iPay) thì Vietinbank cũng vẫn thu phí (trước đây không thu), rồi một loạt các loại phí như: Phí duy trì tài khoản thẻ 4500vnd, duy trì iPay 8800vnd, phí bảo hiểm Thẻ 2000vnd, phí rút tiền mặt, phí dv sms, phí chuyển khoản ngoài hệ thống… Tính sơ sơ những khoản phí một tháng cũng mất tầm 25.000vnd và 1 năm là 300.000vnd (tương đương thẻ VISA). Như vậy, khoản tiền lương thanh toán qua thẻ ATM của Vietinbank kiểu gì cũng bị trừ phí trước khi đến tay người lao động mà không biết kêu ai. Mong quý Báo có tiếng nói để Vietinbank xem xét, điều chỉnh lại các loại phí của mình cho hợp lý, phù hợp với chủ trương chung. Đề nghị Vietinbank xem xét.

{keywords}
Ảnh do Bạn đọc cung cấp

5. Bạn đọc Lê Văn Hiếu, một đảng viên làm việc tại Bệnh viện phục hồi chức năng Hà Nội gửi Báo VietNamNet và các cơ quan chức năng có thẩm quyền “đơn tố cáo” đề ngày 6/12/2016. Báo VietNamNet có Công văn số 68/CV-VNN ngày 10/2/2017 gửi Ủy ban Kiểm tra thành ủy Hà Nội; Ủy ban Kiểm tra quận ủy quận Thanh Xuân và Sở Y tế Hà Nội đề nghị xem xét.

6. Bạn đọc Lê Văn Song, thường trú tại Pom Hán, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai và bạn đọc Lưu Thanh Hà thường trú xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa gửi đơn đề các ngày 3 + 6/2/2017 “thông tin các góc khuất” và mong “cái nhìn thấu hiểu và nhân đạo hơn” đối với bị cáo Lê Anh Tuấn trong vụ án “Giết người, cướp tài sản” (bị hại là Nguyễn Thị Hương Giang) xảy ra trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội. Được biết bị cáo Tuấn đã bị Tòa Sơ thẩm tuyên án Tử hình.

7. Bạn đọc [email protected] gửi email đề ngày 9/2/2017 phản ánh “Cao Bằng là 1 tỉnh miền núi nghèo gần nhất nước; nhưng hàng năm  có quá nhiều người dân (nhất là giới trẻ) chết vì sốc ma túy, thậm chí trước đây từng có những trường hợp chết sốc và mất xác vĩnh viễn...”; bạn đọc phân tích các nguyên nhân và đề xuất 1 số giải pháp nhằm ngăn chặn tệ nạn mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy tại tỉnh Cao Bằng. Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét.

8. Bạn đọc Hoàng Minh Đức gửi email đề ngày 10/2/1017 phàn nàn: Tháng 1/2017 tôi có mua 1 laptop hiệu HP tại siêu thị Pico 76 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân –Hà Nội. Nhân viên bán hàng nói với tôi đây là máy mới vừa lấy trong hộp ra. Về dùng tôi phát hiện ra đây là máy cũ, máy bị lỗi, khách hàng trước đã trả lại, song Pico format bọc nilon như máy mới và bán cho tôi với giá một chiếc máy mới. Nay tôi kính nhờ quý Báo đăng tải thông tin này để cảnh báo những khách hàng khác tránh mua phải hàng kém chất lượng! Đề nghị Công ty Cổ phần Pico xem xét.

{keywords}
Ảnh do Bạn đọc cung cấp

9. Bạn đọc Trần Đình Bá, cựu chiến binh – quê xã Quảng Sơn, Thị xã Ba Đồn – Quảng Bình qua email đề ngày 8/2/2017 gửi “Lời kêu cứu đến Bộ trưởng Lao động- Thương binh và Xã hội” về việc “giải quyết nhanh chóng, chính xác những vấn đề tồn đọng trong chiến tranh”. Bạn đọc Bá viết: “Trong chiến tranh chống Mỹ, quê tôi có 103 người bị giết hại và trên 300 người bị thương, trong đó có trưởng ty Văn hóa Quảng Bình, Nhà báo, Cán bộ Mặt trận tỉnh, bộ đội Hải quân, bộ đội thông tin, nhiều Thanh niên xung phong... Có người đã được truy phong Liệt sỹ, song rất nhiều dân quân du kích quê tôi lúc đó  làm nhiệm vụ bảo vệ bến, ngụy trang bến cho đoàn tàu Hải Quân vừa xuất kích, họ hy sinh, bị thương rất nặng đến nay chưa có ai được suy tôn Liệt sỹ và hưởng chính sách thương binh. Đó là các bà Phan Thị Dọi, Trần Thị Bống, Mai Thị Đuyền, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phan Dịnh, Trần Thị Thông, Trần Thị Hiển Trần Đình Lức, Mai Thị Duế v.v… Đề nghị Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội cùng các cơ quan chức năng xem xét.

10. Các bạn đọc là bàTrang, Trần Tú Anh, Nguyễn Viết Khiếm, tổ trưởng Nguyễn Văn Nhuận, tổ phó Nguyễn Thị Thanh  đại diện cho người dân sống trong khu tập thể nhà 6A, 7A, các hộ liền kề khu tập thể ĐH Thủy lợi- phường Trung Liệt- quận Đống Đa, Hà Nội đứng tên trong email đề ngày 13/2/2017 “kêu cứu vì hành vi lấn chiếm sân tập thể của một số hộ kinh doanh nhà 6A, biến sân chơi chung làm của riêng, không có chỗ đi lại vào nhà, mở cửa đến khuya, gây ồn ào trong khu tập thể, làm các cháu học sinh không học được bài, người dân không ngủ được đặc biệt là các cụ già ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Khách hàng ăn nhậu say xỉn còn gây gổ đánh nhau, nôn mửa trước các nhà dân, phóng uế bừa bãi... Chúng tôi đã trực tiếp gặp cán bộ phường Trung Liệt, tuy nhiên Phường không giải quyết triệt để. Đề nghị UBND quận Đống Đa chỉ đạo UBND phường Trung Liệt giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm sân chung, gây phiền hà cho các hộ dân”. 

{keywords}
Ảnh do Bạn đọc cung cấp

11. Bạn đọc Kien Nguyen gửi email đề ngày 12/2/2017 phản ánh: Việc cố ý lập khống hồ sơ tại Dự án kè hồ Làng, thôn Đại Cát, xã Liên Mạc (nay là phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) đã được PC 46 Hà Nội khẳng định trong văn bản số 6863/PC46-Đ10 ngày 03/11/2016 về việc kiến nghị xử lý hành chính gửi UBND quận Bắc Từ Liêm. Việc lập khống hồ sơ biện pháp thi công dùng cừ Larsen với 3 lần đề nghị Kho bạc Nhà nước Từ Liêm thanh toán chót lọt đã giúp 1 công ty rút ra 2.292.587.263 đ. Vậy tại sao vụ án không được khởi tố và thậm chí không thể tiến hành kỷ luật được? Xin chuyển ý kiến của bạn đọc Kien Nguyen tới các cơ quan có thẩm quyền của TP. Hà Nội xem xét.

12. Các bạn đọc Nguyễn Thị Ngân, Hoàng Thanh Tùng, Nguyễn Quyền Anh, Vương Thị Ngọc Bích ở số nhà 12, dãy B, khu tập thể Công an Đa Sỹ, Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội- thành viên CTCP Trung tâm Quang Bích gửi đơn đề ngày 10/2/2017 “kêu cứu” về việc bị chính quyền sở tại “dùng biện pháp cưỡng chế để tịch thu hàng hóa, tài sản trái pháp luật”. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của TP Hà Nội, của quận Hà Đông xem xét.

Các cơ quan phúc đáp

1. Bộ phận thường trực chỉ đạo xử lý thông tin báo chí (Tỉnh ủy Nam Định) có Công văn số 20-CV/BPTT ngày 25/1/2017 phúc đáp Công văn số 449/CV-VNN ngày 22/11/2016 đề nghị xem xét đơn của bạn đọc Phạm Hùng Khánh, công tác tại Đài PT-TH Nam Định tố cáo việc “lạm dụng quyền lực trù dập người tố cáo”. Công văn cho biết “các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục xem xét, giải quyết nội dung trên. Sau khi có kết quả chính thức, Tỉnh sẽ kịp thời thông tin tới quý Báo”.

2. Qua  website evn.com.vn , Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội hồi âm về trường hợp được cho là số ghi trên hóa đơn tiền điện không đúng với số hiển thị thực tế trên công tơ (tại địa chỉ: 3E ngõ 80 Gốc Đề, quận Hoàng Mai, Hà Nội) mà báo chí phản ánh, như sau: Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội và Công ty Điện lực Hoàng Mai đã tiến hành kiểm tra, xác minh và làm việc với khách hàng là ông Nguyễn Mỹ Cảnh.Tại thời điểm kiểm tra, gia đình khách hàng vẫn sử dụng điện bình thường, hòm công tơ bị cắt chì hòm, nắp boóc công tơ bị để ra ngoài, chì tai công tơ bị biến dạng, nắp kính công tơ có hiện tượng xoay lệch về bên trái, công tơ có hiện tượng bị tác động. Công ty Điện lực đã mời Đội an ninh Công an quận Hoàng Mai và Công an khu vực phường Hoàng Văn Thụ tới chứng kiến và lập biên bản làm việc với gia đình khách hàng Nguyễn Mỹ Cảnh. Các bên thống nhất thay công tơ bằng công tơ điện tử và niêm phong công tơ số 07015779 trước sự chứng kiến của các bên để mang đi kiểm định theo đúng quy định.

Trân trọng cảm ơn các cơ quan trên.

Ban Bạn đọc