Ảnh minh họa |
Luật khiếu nại 2011 quy định về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại tại Điều 12 của Luật này. Theo đó, người khiếu nại có quyền:
a) Tự mình khiếu nại.
Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại;
Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại;
b) Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình;
c) Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;
Như vậy, ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại là một trong những quyền quan trọng của người khiếu nại. Về thời hạn của giấy ủy quyền khiếu nại sẽ do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp giấy ủy quyền khiếu nại không ghi thời hạn thì thời hạn căn cứ vào quy định của pháp luật. Điều 563 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời hạn ủy quyền như sau:
Điều 563. Thời hạn ủy quyền
Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Như vậy, theo quy định trên thì nếu vụ việc khiếu nại kéo dài dưới 01 năm thì hợp đồng ủy quyền vẫn còn hiệu lực. Trong trường hợp các bên thỏa thuận ủy quyền toàn bộ vụ việc thì giấy ủy quyền sẽ còn hiệu lực đến khi giải quyết xong vụ việc khiếu nại.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội