- Mẹ tôi làm nghề thầy bói coi sách số, tử vi đã lâu, được nhiều người biết tiếng. Nhưng hôm vừa rồi, khi đang thắp hương bàn thờ, một nhóm người ập vào nhà nói là công an, đòi phạt mẹ tôi vì có hành vi mê tín dị đoan.
Xin hỏi luật sư, nếu người không mặc cảnh phục, không mang giấy tờ thì có được quyền xử phạt mẹ tôi không? Cụ thể mẹ tôi bị phạt thế nào? Tại sao?
Mô tả |
1. Người không mặc cảnh phục, không mang giấy tờ thì có được quyền xử phạt hay không?
Công an nhân dân chỉ được xử phạt vi phạm hành chính đối với một hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa có liên quan tới mê tín dị đoan khi và chỉ khi được thực hiện bởi: (1) Người có thẩm quyền xử phạt trong Công an nhân dân và (2) Việc xử phạt hành chính phải lập biên bản và hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
* Người trong Công an nhân dân xử phạt trong lĩnh vực văn hóa có liên quan tới mê tín dị đoan được quy định tại khoản 4 Điều 83 Nghị định 158/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch là:
“4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát đường thủy; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn trên sông, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh văn hóa, tư tưởng, Trưởng phòng An ninh thông tin; Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các quận, huyện thuộc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy”;
* Việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục (Khoản 2 Điều 57 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012);
Như vậy, người không mặc cảnh phục, không mang giấy tiến hành xử phạt vi phạm hành chính mà không xuất trình được tư cách, thẩm quyền xử phạt cũng như không thực hiện đúng trình tự, thủ tục về xử phạt vi phạm hành chính là trái với quy định của pháp luật.
2. Chế tài đối với hành vi mê tín dị đoan.
Điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;
Khoản 4 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này như sau:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.
Như vậy, cá nhân hoặc tổ chức nào lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn,... và các hình thức tương tự khác để trục lợi sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định. Mức phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hoạt động trục lợi này.
Ngoài ra, Điều 247 Bộ Luật hình sự 2009 sửa đổi, bổ sung quy định về Tội hành nghề mê tín dị đoan như sau:
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Như vậy, nếu hành vi bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính hay đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín, dị đoan.
Tư vấn bởi luật sư: Hoàng Tuấn Anh; Công ty Luật Themis; Mail: [email protected]; SDT: 0986663459
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc