- Tôi hiện đang làm lái xe trong một doanh nghiệp lớn, từ trước đến nay chưa bao giờ vi phạm kỉ luật hoặc có tiền án, tiền sự nào.

Thế nhưng không biết vì lí do gì, vừa qua một người tự xưng là giám đốc một doanh nghiệp khác gửi đơn thư tố cáo đến công ty tôi và cả chính quyền địa phương, yêu cầu điều tra lí lịch vì nghi ngờ tôi chơi bời, cờ bạc có thể gây ảnh hưởng xấu. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự cũng như gây khó khăn cho công việc tôi đang làm.

Xin hỏi luật sư việc người khác gửi đơn thư tố cáo tôi không bằng chứng, không chứng cớ như vậy có được pháp luật cho phép không? Tôi có quyền khởi kiện họ vì đã bôi nhọ danh dự gây ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi không? Cảm ơn luật sư.

{keywords}
Có người ghen ghét, tố cáo tôi vi phạm pháp luật vô lý (Ảnh minh họa)

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau

1. Về việc người tố cáo gửi đơn thư tố cáo không có bằng chứng:

Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo 2011 quy định: “Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”. Người tố cáo có nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật tố cáo 2011: “a) Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; b) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình; d) Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra”.

Như vậy, người tố cáo phải có nghĩa vụ trình bày trung thực về nội dung tố cáo, cung cấp thông tin tài liệu liên quan tới nội dung tố cáo. Pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc tố cáo để xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác theo quy định tại khoản 12 Đều 8 Luật tố cáo 2011. Trường hợp cố tình vi phạm thì tùy theo tính chất mức độ mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định tại Điều 48 Luật tố cáo 2011.

2. Về quyền tố cáo do bị bôi nhọ danh dự gây ảnh hưởng đến cuộc sống:

Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 có quy định tội vu khống như sau: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Như vậy, trong trường hợp này, bạn cần thu thập chứng cứ để tố cáo người có hành vi vu khống bạn tới cơ quan điều tra để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh, Công ty Luật Themis; Mail: [email protected]; SDT: 098 666 3459

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc