- Năm 2011, tôi mua một thửa đất trống là đất ở, hai gia đình đã mua bán với giấy tờ viết tay, có hàng xóm ký làm chứng. Người bán đã giao bìa đỏ cho vợ chồng tôi và mọi hồ sơ giấy tờ cần thiết. 

Sau khi tôi tiến hành làm thủ tục chuyển nhượng thì người bán vì những nợ nần trước đó đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú, khiến việc chuyển nhượng cho tôi bị gián đoạn. Tôi đã tìm kiếm họ khắp nơi nhưng không có thông tin. Xin hỏi luật sư bây giờ nếu không có người bán thì tôi có thể làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất không, trình tự thủ tục thế nào? Cảm ơn luật sư.

{keywords}
Tôi có thể làm thủ tục chuyển nhượng khi không có mặt người bán? (Ảnh minh họa)

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất: Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 689 Bộ luật dân sự 2005 thì:

"2. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật."

Ngoài ra, Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 cũng quy định:

"3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này"

Theo các quy định trên, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc phải công chứng tại cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, hợp đồng chuyển nhượng viết tay giữa bên bán sẽ không có hiệu lực pháp luật và không thể thực hiện thủ tục đăng ký sang tên tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Thứ hai: Việc người bán bỏ trốn.

Theo như thông tin bạn cung cấp, người bán sau khi nhân tiền chuyển nhượng của bạn đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú và không thực hiện thủ tục sang tên cho bạn. Hành vi này của người bán có dấu hiệu cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 140 Bộ luật dân sự:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạthoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;”

Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn cần làm đơn tố cáo ra cơ quan công an nơi cư trú của người bán, hoặc nơi giao kết hợp đồng để được giúp đỡ.

Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh, Công ty Luật Themis; Mail: [email protected]

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc