- Hàng xóm đối diện nhà tôi xây thêm tầng để cho sinh viên thuê phòng trọ. Vấn đề là chúng tôi ở trong ngõ nhỏ hẹp, họ lại xây ban công vươn ra khoảng không của mặt ngõ quá nhiều, gây ảnh hưởng đến đường dây điện nhà tôi. Tôi góp ý nhưng họ không chịu còn chửi bới. Xin hỏi theo pháp luật họ có quyền xây dựng như vậy không? Tôi phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?
TIN BÀI KHÁC
Họ lấn chiếm quá đà khiến gia đình tôi bị ảnh hưởng (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất: Quy định pháp luật về tiêu chuẩn xây dựng.
Điều 2.8.10 trong Quy chuẩn kĩ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng (ban hành kèm theo Quyết định 04/2008/QĐ-BXD) như sau:
“2.8.10. Phần nhà được phép nhô quá chỉ giới đường đỏ trong trường hợp chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ.
Các quy định này cần được vận dụng phù hợp với giải pháp tổ chức không gian cụ thể của từng khu vực và thể hiện trong quy định về quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch của từng khu vực cụ thể và phải tuân thủ các quy định sau đây:
1) Các bộ phận cố định của nhà:
- Trong khoảng không từ mặt vỉa hè lên tới độ cao 3,5m, mọi bộ phận của nhà đều không được nhô quá chỉ giới đường đỏ, trừ các trường hợp dưới đây:
+ Đường ống đứng thoát nước mưa ở mặt ngoài nhà: được phép vượt qua đường đỏ không quá 0,2m và phải đảm bảo mỹ quan;
+ Từ độ cao 1m (tính từ mặt vỉa hè) trở lên, các bậu cửa, gờ chỉ, bộ phận trang trí được phép vượt đường đỏ không quá 0,2m.
- Trong khoảng không từ độ cao 3,5m (so với mặt vỉa hè) trở lên, các bộ phận cố định của nhà (ô-văng, sê-nô, ban công, mái đua..., nhưng không áp dụng đối với mái đón, mái hè) được vượt quá chỉ giới đường đỏ theo những điều kiện sau:
+ Độ vươn ra (đo từ chỉ giới đường đỏ tới mép ngoài cùng của phần nhô ra), tùy thuộc chiều rộng lộ giới, không được lớn hơn giới hạn được quy định ở bảng 2.9, đồng thời phải nhỏ hơn chiều rộng vỉa hè ít nhất 1,0m, phải đảm bảo các quy định về an toàn lưới điện và tuân thủ quy định về quản lý xây dựng áp dụng cụ thể cho khu vực;
+ Vị trí độ cao và độ vươn ra cụ thể của ban công phải thống nhất hoặc tạo được nhịp điệu trong hình thức công trình kiến trúc, tạo được không gian kiến trúc cảnh quan trong từng cụm nhà cũng như trong tổng thể toàn khu vực;
+ Trên phần nhô ra chỉ được làm ban công, không được che chắn tạo thành lô-gia hay buồng.”
Bảng 2.9: Độ vươn ra tối đa của ban công, mái đua, ô-văng
Chiều rộng lộ giới (m) Độ vươn ra tối đa Amax (m)
Dưới 7m 0
7¸12 0,9
>12¸15 1,2
>15 1,4
Theo khoản 5 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP
“Điều 13. Vi phạm quy định về tổ chức thi công xây dựng
5. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.”
Theo như bạn trình bày, ngõ của bạn là ngõ hẹp và hàng xóm xây dựng ban công vươn ra quá nhiều vì vậy bạn có thể căn cứ theo bảng 2.9 quy định về độ vươn ra tối đa của ban công, mái đua, ô-văng, ban công xem chiều rộng của ngõ thuộc trường hợp nào để biết chính xác độ vươn ra của hàng xóm có đúng theo quy chuẩn hay không. Nếu độ vươn ra của ban công hàng xóm vượt quá quy định cơ quan chức năng sẽ xem xét xử phạt hành chính theo khoản 5 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 VNĐ đến 20.000.000 VNĐ nếu bạn ở đô thị, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 nếu nhà bạn ở nông thôn.
Thứ hai: Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến xây dựng
Luật Xây dựng 2014, Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm
8. Xây dựng công trình không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng cho công trình.
11. Sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.
Thanh tra Sở xây dựng có quyền hạn thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của Sở xây dựng.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc