Trước tình hình căng thẳng của dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị số 16 yêu cầu cách ly toàn xã hội, chống lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài trừ trường hợp thực sự cần thiết. Lo lắng cho sức khoẻ của chính bản thân và gia đình, mọi người đã và đang nghiêm túc thực hiện.
Và hiện nay, mặc dù 15 ngày cách ly toàn xã hội đã trôi qua nhưng tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Để đảo bảo cuộc chiến chống dịch bệnh có hiệu quả, nhiều tỉnh thành vẫn tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Người dân nhận gạo, mỳ cứu trợ mùa dịch |
Trong lúc này, nhiều người lao động, người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh.
Tài xế taxi, xe công nghệ phải dừng chạy, lao đao trả nợ. Nông dân không tìm được đầu ra cho nông sản, nhiều công nhân, người lao động chân tay, buôn bán nhỏ lẻ không thể đi làm như trước. Chủ doanh nghiệp không thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh, buộc phải cắt giảm lao động, nợ lương. Trong khi đó, con cái, gia đình người lao động vẫn cần trang trải những chi phí sinh hoạt tối thiểu. Họ bắt đầu lo lắng đến cả chuyện không có đủ gạo, muối để ăn.
Dịch bệnh xảy ra, những người làm từ thiện cũng ít lui tới bệnh viện. Nhiều người bệnh vẫn phải chữa bệnh, tiền thuốc thang, sinh hoạt vẫn phải chi tiêu hàng ngày, gia đình không có thu nhập nên tình cảnh vô cùng khó khăn.
Những điểm phát cơm miễn phí, cây ATM gạo được triển khai nhằm giúp đỡ người lao động nghèo |
Trước khó khăn chung của người dân cả nước, Thủ tướng đã ra lời hiệu triệu, kêu gọi mỗi người dân, giới doanh nhân, các đơn vị tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật…, nêu cao tinh thần đoàn kết, "tương thân tương ái", "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách" của dân tộc.
Hiện nhiều địa phương trên cả nước đã tiến hành lắp đặt các cây ATM gạo nhằm hỗ trợ người dân nghèo, người lao động mất việc làm, làm nghề tự do như ve chai, bán vé số, phụ hồ... Nhiều mạnh thường quân đứng ra ủng hộ hàng trăm tấn gạo, mở ra siêu thị 0 đồng cho người khó khăn đến mua nhu yếu phẩm. Đó là những việc làm thiết thực, ý nghĩa thời điểm này.
Hưởng ứng lời hiệu triệu của Thủ tướng, báo VietNamNet phát động chương trình: Quyên góp mua gạo, trao gửi yêu thương. Mong muốn các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm, bạn đọc trong và ngoài nước cùng VietNamNet chung tay đồng hành cùng báo, để thắp sáng niềm tin Việt Nam sẽ chặn đứng đại dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó người lao động tiếp tục được đi làm, tạo thu nhập đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Trước mắt cần tập trung cứu đói cho dân, nhất là ở những vùng dịch bệnh, vùng sâu vùng xa. Các đơn vị, cá nhân có thể ủng hộ bằng gạo, tiền (báo VietNamNet sẽ tìm đơn vị cung cấp gạo) để chuyển đến các địa chỉ mà báo đã liên hệ và cùng chính quyền địa phương trực tiếp trao tận tay những hoàn cảnh khó khăn.
Lúc này, cần lắm những tấm lòng thiện nguyện chung tay đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo cho những người nghèo vượt qua hoạn nạn, thắp sáng truyền thống nhân ái của người Việt Nam.
Báo VietNamNet làm cầu nối, tiếp nhận mọi ủng hộ của Quý doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức… có mong muốn chung tay, góp sức cùng đất nước phòng chống dịch Covid-19. Hình thức ủng hộ:
CHUYỂN KHOẢN VỚI NỘI DUNG “Ủng hộ MS 2020.Covid19” - Tại Việt Nam: Tài khoản Báo Vietnamnet – STK: 0011002643148 - Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam. - Từ nước ngoài: Bank account VIETNAMNET NEWSPAPER - The currency of bank account: 0011002643148 - BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM - SWIFT code: BFTVVNV X
CHUYỂN TIỀN TỪ NƯỚC NGOÀI “Ủng hộ MS 2020.Covid19” Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội Swift code: ICBVVNVX126
TRƯỜNG HỢP ĐÓNG GÓP GẠO VÀ HIỆN VẬT Liên hệ Toà soạn báo VietNamNet theo địa chỉ: - Hà Nội: điện thoại 0923 457 788 – địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội. - Tp.HCM: điện thoại 08 3818 1436 – địa chỉ: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM. |
Ban Bạn đọc